Tết sớm biếc xanh ở làng bánh chưng Tranh Khúc
Làng Tranh Khúc từ lâu đã nổi tiếng đất Hà Thành với nghề làm bánh chưng cổ truyền, chuyên cung cấp hàng vạn chiếc bánh chưng ra thị trường trong nước và nước ngoài mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Hầu hết, các hộ gia đình ở đây đều làm bánh chưng theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất tự phát, còn nếu muốn mua lẻ bánh chưng thì phải đến từ tầm sáng sớm khi bánh mới ra lò.
Theo bà Thiệp, trưởng thôn Tranh Khúc và cũng là chủ một cơ sở sản xuất bánh chưng ở đây cho biết: “Cả thôn tổng cộng có khoảng 250 hộ nhưng đã có hơn một nửa hộ theo nghề làm bánh chưng.
Nói chung, làng làm bánh quanh năm, nhưng cứ đến thời điểm cận Tết là lại bận tối mặt tối mũi.
Nếu ngày thường mỗi nhà chỉ làm 50 – 100 cái theo đơn đặt thì dịp gần Tết như bây giờ phải gấp 5 lần. Có nhà làm tới hơn 1000 chiếc một ngày là bình thường”.
Khắp các ngõ xóm tại thôn Tranh Khúc vào thời điểm này đang rất nhộn nhịp. Để làm một chiếc bánh đòi hỏi trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, cũng bởi vậy nên nhà nào cũng phải huy động hết các thành viên trong gia đình từ người già, thanh niên cho tới trẻ em, mỗi người đảm nhận một việc.
Các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được phân công rất chuyên nghiệp, người rửa lá, xếp lá; người đồ đỗ xanh, đánh nhuyễn đỗ; người chế biến, pha thịt lợn...
Lá dong để gói bánh là loại lá dong rừng, to bản và có màu xanh đậm. Sau khi mang về được chà sạch và rửa đi rửa lại đến 3 lần. |
Sau khi được rửa sạch, lá dong sẽ được lau khô cẩn thận, sau đó được tước sống để khi gói bánh lá không bị gẫy. |
Lá dong có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/100 tàu. Để gói một chiếc bánh chưng thì cần tới 7 tàu lá, vì thế số lượng lá mỗi lần nhập về rất lớn. |
Gạo nếp phải là loại nếp cái hoa vàng, được nhập từ những quê gạo nổi tiếng như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương.
Thịt lợn được lấy tại địa phương, chủ yếu là thịt nạc mông, vai nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ.
Quan trọng nhất trong quá trình chế biến phải giữ cho nguyên liệu được tươi và sạch sẽ”.
Thịt làm nhân phải là loại thịt ngon, thường là thịt ba chỉ, thái miếng to rồi tẩm ướp với hạt tiêu sọ và nước nắm ngon. |
Nhân bánh được vo thành từng nắm, bao lấy miếng thịt lợn đã được ướp sẵn muối tiêu. |
Điều đặc biệt là người dân ở làng Tranh Khúc luôn gói bánh bằng tay, không cần khuôn mà những chiếc bánh chưng xanh vẫn vuông chằn chặn, sắc cạnh và đều tăm tắp.
Nếu nhanh tay, một người có thể gói được 120 chiếc bánh chỉ trong một giờ đồng hồ. |
Sau khi gói, bánh chưng được xếp ngay ngắn chờ bỏ vào nồi luộc. |
Về mặt thẩm mĩ, mỗi bánh cần 6 chiếc lạt, phải buộc chặt tay để thì bánh chưng mới ngon, và bảo quản lâu hơn. |
Tay thoăn thoắt gói bánh chưng, chị Huệ Thu, người làng Tranh Khúc, cho hay: “Giá bánh chưng năm nay về cơ bản cũng tương năm trước do giá nguyên liệu chỉ tăng nhẹ.
Một chiếc bánh chưng cỡ vừa có giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/chiếc, còn loại bánh chưng to hơn thì lên tới 50.000 – 70.000 đồng/chiếc. Thậm chí, loại 100.000 đồng cũng có tùy nhu cầu khách hàng”.
Tuy nhiên trên thực tế, khi bán ra thị trường giá bán thường chênh lệch khoảng từ 5000 – 10.000 đồng do nhiều phí phụ phát sinh.
Thay vì luộc bánh theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than, hiện nay, nhiều gia đình trong làng sử dụng bếp điện cho thuận tiện hơn. Bánh được luộc từ 6-10 tiếng. |
Thường thì buổi sáng là thời gian cho công việc làm lá, đến chiều các hộ mới bắt tay vào gói để cuối buổi chiều tiến hành bắc bếp.
Tối cũng lúc lúc bếp nhà nào nhà ấy “nổi lửa”, bập bùng cả đêm. Đến sáng, bánh chưng được vớt, để ráo nước rồi ép mang đi.
Các hộ cho biết, khoảng 20 tháng Chạp trở đi là thời gian cao điểm của vụ bánh chưng Tết. Một đại gia đình cùng làm bánh chưng: người tước lá, người gói, người buộc bánh… |
Như vậy, dù hơn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này không khí xuân đã về rộn ràng trên làng Tranh Khúc.
Về làng bánh chưng mới thấy, để có những chiếc bánh thơm ngon ra đời phục vụ Tết Nguyên đán, cũng chính nhờ quá trình làm việc vô cùng vất vả, miệt mài của người dân làng Tranh.
Năm nay, nếu thị trường tiêu thụ ổn định, người dân làng sẽ có một cái Tết “ấm”.