Lần đầu tiên có chợ thực phẩm sạch phục vụ Tết
- Tốt nhất vẫn là tăng tỷ lệ thực phẩm sạch, tăng cái sạch thì bớt cái bẩn
- Người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại trước... thực phẩm sạch
Đây là một nét mới của Tết năm nay trong việc đảm bảo ATTP trong bối cảnh vấn nạn thực phẩm bẩn luôn khiến người dân lo sợ, nhất là trong thời điểm giáp Tết như hiện nay khi mà các gian thương hay lợi dụng sức mua tăng để tung ra những hàng hóa không nguồn gốc, không đảm bảo ATTP.
Các nghệ nhân Ước Lễ gói bánh chưng phục vụ bà con. |
Ngay trong ngày khai mạc, đã có gần 200 gian hàng của hàng trăm doanh nghiệp với nhiều sản vật phong phú của các miền đất nước: Từ bánh chưng, giò chả Ước Lễ của Hà Nội, nem chua Thanh Hóa, gạo đặc sản, nấm hương rừng Lào Cai đến tỏi Lý Sơn, mứt dừa non Bến Tre, hương trầm Phú Thọ, các sản phẩm từ quế của Trà Bồng (Quảng Nam), cam Canh bưởi Diễn... Nhiều sản vật của bà con các dân tộc thiểu số cũng được dịp hội tụ như thịt trâu gác bếp của Sơn La, bánh chưng gù gạo tím của Hà Giang, rau cải mèo của Sa Pa...
Điều đáng nói các hàng hóa ở đây đều là sản phẩm của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ATTP, an toàn sinh học, sản phẩm hữu cơ theo các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm VietGap, GoldGap, PSD… Tất cả các sản phẩm đều có dán tem xác thực “Bữa ăn an toàn” để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Vì thế, “Tuần lễ ATTP Tết 2018” vào dịp này đã tạo cơ hội cho người dân được sắm Tết với những mặt hàng phong phú, đa dạng là đặc sản của các vùng miền ở ngay tại Hà Nội mà chất lượng lại đảm bảo an toàn và giá cả rất hợp lý.
Trong buổi khai mạc, các nghệ nhân làng Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) đã trực tiếp trình diễn quy trình gói bánh chưng, làm giò chả đảm bảo an toàn.
Các đại biểu cùng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên điện thoại. |
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phong phú diễn ra với mục đích tái hiện : Hội thi “Mâm ngũ quả ngày Tết”, “Mâm cỗ ngày Tết”; Gói bánh chưng các vùng miền, tổ chức khu ẩm thực vùng miền, khu tái hiện Tết Việt…
Với số lượng hàng hóa khá lớn phục vụ người dân ăn Tết, chương trình này thực sự có ý nghĩa trong việc góp phần vào ngăn chặn các loại hàng hóa không nguồn gốc, cũng như ngăn ngừa vụ ngộ độc thực phẩm và đặc biệt là tạo thói quen sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, thực phẩm an toàn cho người dân. Hoạt động này còn mang lại ý nghĩa lớn khi là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng trong mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.