Lạm dụng thuốc giảm cân – coi chừng chuốc họa

Thứ Bảy, 25/08/2018, 08:26
Giảm cơn thèm ăn, đốt cháy mỡ bụng, giảm cân nhanh chóng… đó là những lời quảng cáo về thực phẩm chức năng giảm cân đăng tải trên nhiều trang mạng internet, mạng xã hội thời gian qua. 

Trước những lời quảng cáo ngất trời và sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng giảm cân hiện nay, người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận.

Cách đây hơn một tuần, tôi gặp lại người bạn Nguyễn T.T., 36 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). T. trông xanh xao, da sạm đi. Thi thoảng, T. lại cúi xuống tránh ánh mắt mọi người. Thì ra, do mặt T. mấy ngày qua xuất hiện một chiếc mụn sưng tấy bằng đầu ngón tay cái. 

Theo T. cho biết, sau khi sinh cháu thứ 2, cân nặng của T. tăng gần 20kg. Nghe lời quảng cáo của một số người bạn về loại thực phẩm chức năng có tên “trà giảm cân siêu nhanh” giúp cơ thể người sử dụng tiêu hao mỡ thừa, giảm cân nhanh chóng, T. liền mua 1 hộp với 15 gói nhỏ có giá 500 ngàn đồng. 

Có thuốc, trước mỗi bữa sáng, T. lại pha với nước ấm rồi uống. Uống xong, ban ngày, T. thấy mồm đắng ngắt, không muốn ăn bất cứ thứ gì. Còn đêm thì ngủ không ngon giấc. 

Qua 1 tuần sử dụng, cơ thể T. tụt liền 3kg. Ngỡ tưởng, loại trà giảm cân mình đang dùng là “thần dược”, nhưng không ngờ, sang ngày thứ 8, ngủ dậy, T. thấy dưới mắt trái nổi chiếc mụn to. T. lo lắng và đến cơ sở y tế thăm khám bệnh. Tại đây, bác sĩ cho biết, nguyên nhân rất có thể là do tác dụng phụ của “trà giảm cân siêu nhanh” mà T. đang sử dụng. 

Ngày 23-8, trò chuyện với T., tôi được biết, để chiếc mụn trên lặn đi, T. phải dùng thuốc kháng sinh liều cao trong nhiều ngày. “Giờ mình không dám giảm cân bằng loại thực phẩm chức năng này nữa, sợ lắm!”, T. chia sẻ.

Tuy chưa có thống kê đầy đủ về số vụ biến chứng do thực phẩm chức năng giảm cân không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ gây ra, thế nhưng khi nhìn vào sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng giảm cân hiện nay, dư luận không khỏi lo ngại. 

Lực lượng chức năng kiểm tra một lô hàng tân dược, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Ảnh: Minh Anh

Đánh vào tâm lý của nhiều chị em phụ nữ “muốn giữ dáng”, “muốn giảm cân siêu nhanh”, “muốn tiêu hao mỡ bụng”, nhiều chủ cơ sở đã tung ra thị trường thực phẩm chức năng giảm cân kèm với đó là những lời quảng cáo bốc trời đại loại như: “Với chiết xuất từ trà xanh, thảo dược thiên nhiên, sản phẩm sẽ hạn chế hấp thu chất béo”, “Thực phẩm chức năng X giúp đốt cháy mỡ thừa, giảm cơn thèm ăn”, “Viên uống S.F giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đốt cháy mỡ thừa một cách hiệu quả, đặc biệt là ở bụng, eo và đùi” v.v.. 

Qua tìm hiểu, PV Báo CAND thấy rằng, để “hút” người tiêu dùng, nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã sử dụng các trang mạng xã hội, mạng internet để quảng cáo, giao dịch. Đính kèm với những lời bảo hành như: “Hàng xách tay, không gây tác dụng phụ như mệt mỏi, tiêu chảy, choáng váng”, “Hiệu quả bất ngờ chỉ sau vài tuần sử dụng”… 

Chẳng vậy mà khi truy cập vào trang mạng tìm kiếm google.com.vn, tra từ khóa “thực phẩm chức năng giảm cân”, chỉ trong ít giây đã cho hàng ngàn kết quả liên quan.

Câu hỏi đặt ra, trước sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng giảm cân hiện nay, cơ quan chức năng có đứng ngoài cuộc? Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất – kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngày 17-8-2018 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Công văn số 4289/ATTP-SP đề nghị các cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế chỉ định, các cơ quan Hải quan cửa khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe công bố công dụng giảm cân, chỉ tiêu kiểm tra là chất Sibutramine.

Không chỉ kinh doanh các sản phẩm mập mờ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đã có những trường hợp vì tư lợi còn chế ra các sản phẩm giả, đe dọa sức khỏe, tính mạng người sử dụng. 

Cách đây không lâu, Tổ công tác của Đội CSĐT tội phạm về kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng không có nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn. 

Tiến hành kiểm tra hành chính tại một địa chỉ trên địa bàn phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Tổ công tác phát hiện một cơ sở có hành vi chế biến thuốc giảm cân, tăng cân… từ nguyên liệu chủ yếu là bột ngô, bột gạo nếp, mật mía…

Trao đổi với PV Báo CAND, bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội tỏ ra lo ngại trước sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng giảm cân như hiện nay.

Bởi theo bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp gặp biến chứng do sử dụng thuốc bôi, thực phẩm chức năng giảm cân gây ra (ảnh hưởng gan, thận, da liễu…). 

Cùng với đó, đại diện Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng giảm cân gây chán ăn, cơ thể sẽ dễ bị hạ đường huyết, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, tư duy…

“Do vậy, để tránh “tiền mất tật mang”, người tiêu dùng cần tìm đến các cơ sở chuyên cung cấp sản phẩm hỗ trợ, thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Khi mua và sử dụng nên theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng cho biết thêm.

Trần Huy
.
.
.