Thành phố Hồ Chí Minh loay hoay giải bài toán chống ngập úng

Nan giải bài toán “trăm ngàn tỷ” chống ngập

Thứ Hai, 02/11/2015, 09:00
Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trước tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn, triều cường xảy ra thường xuyên, nguy cơ ngập úng tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cao nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời. 

Do đó, Thủ tướng đồng ý bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ sắp xếp và hỗ trợ doanh nghiệp (giai đoạn 2015-2020) để thực hiện các dự án chống ngập cấp bách thuộc quy hoạch thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố.
Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600km cống thoát nước, 60km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, triển khai xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa, đã góp phần giảm ngập úng do mưa tại 62 điểm ngập (từ 95 còn 33 điểm ngập). Tuy nhiên, việc thực hiện các quy hoạch còn rất chậm do thiếu nguồn vốn đầu tư, khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng, nhất là quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng, nên tình trạng ngập úng do triều cường chậm được khắc phục…

Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời gian gần đây mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, nguy cơ ngập úng tại TP Hồ Chí Minh sẽ ngày càng tăng nếu không sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ, kịp thời. Việc đã nhiều năm qua triển khai các dự án bất động sản lấp kênh rạch là một sai lầm, nhưng việc sửa sai bằng cách thay việc san lấp kênh rạch bằng hồ điều tiết như hiện nay, có chuyên gia cho rằng, đó lại là một sai lầm... mới.

Thành phố đã triển khai nhiều dự án ngăn triều cường, chống ngập úng trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng.
Mặt khác, một bộ phận nhỏ trong dân còn có những hành vi xả rác bừa bãi ra đường, dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước cũng góp phần làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn. TP Hồ Chí Minh cũng đang trong quá trình phát triển và đang là “đại công trường xây dựng” với rất nhiều xe cộ vận chuyển các vật liệu xây dựng như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống, làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập úng trầm trọng hơn.

Cần nhìn rõ thực trạng, điểm ngập nước không bị xóa đi bằng những con số từ cao xuống thấp, mà điểm ngập dịch chuyển thay đổi từ chỗ đã san lấp, nâng cao nền sang chỗ thấp trũng gần đó. Cách “đuổi” ngập để đạt thành tích lâu nay không “xử lý dứt điểm, triệt để ngập”. Đây chính là sự bộc lộ yếu kém về giải pháp, biện pháp lâu dài, căn cơ để chống ngập cho thành phố. Một bờ đê, bờ bao hàng trăm tỷ đồng chỉ ngăn triều cường và lũ ở cường suất nhẹ, chỉ cần một chỗ sạt lở, một trận mưa lớn, lũ lớn từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về, lập tục hàng trăm, ngàn tỷ đồng bị cuốn trôi và công việc chống ngập lại trở về con số ban đầu.

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho rằng, TP có nhiều dự án chống ngập nhưng đã lạc hậu và quá tải. Nguyên nhân chính là do vũ lượng mưa ngày càng cao hơn so với thiết kế. Riêng ở khu vực nội thành, hệ thống thoát nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 100km2, trong khi diện tích đô thị hóa đã lên trên 600km2.

Vừa qua, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị thường trực HĐND TP chấp thuận cho Tập đoàn Trung Nam đầu tư xây dựng dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn. Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 7km, 6 cống kiểm soát triều lớn (gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định) và 68 cống nhỏ dưới đê nằm tại các quận 1, 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh. Tổng mức đầu tư hơn 9.850 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và thành phố sẽ trả lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và ngân sách. Theo UBND TP, dự án khi hoàn thành sẽ giúp giảm các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp có thể xảy ra do ngập lụt, triều cường trong khu vực bị tác động trên diện tích 570km² với trên 6,5 triệu dân sinh sống dọc bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm thành phố.

Để hoàn tất dự án chống ngập cho thành phố (2016 đến 2020) cần có tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, nhưng nguồn vốn hiện chỉ có hơn 33.000 tỉ đồng. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, khẳng định: “Sẽ hết ngập nếu thành phố thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo”.

Từ đầu mùa mưa đến nay, TP Hồ Chí Minh xóa được 20 điểm thường xuyên ngập những năm trước. Hiện nay, các ngành chức năng đang gấp rút triển khai những biện pháp chống ngập khi mưa lớn kết hợp với triều cường được dự báo sẽ đạt đỉnh trên 1m68 vào những tháng cuối năm.

Chương trình chống ngập là một trong sáu chương trình trọng điểm, TP Hồ Chí Minh đã và đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện với 6 nhóm giải pháp chính: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; chống ngập và từng bước xóa các điểm ngập; Đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chống ngập; Tăng cường công tác hợp tác, nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ công tác chống ngập. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong vận động nhân dân và giám sát các chương trình chống ngập trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước  đang triển khai 11 công trình chống ngập trọng điểm và hàng chục công trình khác đang được thực hiện ở 24 quận, huyện. Để ngăn, thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, TP Hồ Chí Minh đang quy hoạch khoảng 100 hồ điều tiết phân tán trên toàn thành phố. Đề án này dự kiến sẽ triển khai vào năm 2016 và tăng cường hợp tác với các nước là Hà Lan và Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những biện pháp chống ngập hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hoàng Châu
.
.
.