Khởi sắc các làng chài ven biển miền Trung

Thứ Bảy, 01/09/2018, 07:24
Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước nên kể từ ngày sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, ngư dân ở các làng chài ven biển miền Trung đã vượt qua khó khăn để vươn khơi bám biển. Và sự nỗ lực ấy đã giúp các gia đình ngư dân phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều làng quê ven biển…

Chúng tôi tìm về xã biển Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) khi bà con ngư dân địa phương đang ra sức thi đua lao động, sản xuất nhằm chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9 của đất nước. Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, hiện nay xã Phú Thuận đã được công nhận là xã nông thôn mới. 

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch xã, phấn khởi cho biết, Phú Thuận hôm nay thực sự đã khởi sắc bởi sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thông qua phát động các phong trào thi đua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng cao rõ rệt, số hộ nghèo giảm xuống còn 3,9%, thu nhập bình quân đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm. 

Đặc biệt, xã đã huy động được trên 478 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn huy động từ nhân dân được 100 tỷ đồng/năm. Với hơn 200 tàu cá, trong đó có 53 tàu xa bờ và 1 tàu vỏ thép hơn 800CV nên sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân Phú Thuận đã không ngừng tăng lên. 

Tình cờ gặp ngư dân Trần Văn Chiến, chủ tàu vỏ thép số hiệu TTH-99999.TS trước khi tàu nổ máy hướng ra biển, anh cho hay, do sắp bước vào mùa mưa bão nên thời gian gần đây, các tàu cá ở Phú Thuận đều tranh thủ vượt biển ra khơi đánh bắt tôm, cá. 

“Những tàu công suất lớn như tàu của gia đình chúng tôi lúc nào cũng hướng đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Vào dịp này, nhiều tàu cá trúng đậm cá nục với số lượng lớn nên tàu nào ra khơi cũng có lãi, ít nhất cũng được vài chục triệu đồng”, anh Chiến tâm sự. 

Ông Tùy chia sẻ, chính nhờ sự cần cù bám biển, vươn khơi của ngư dân đã giúp địa phương khởi sắc từng ngày khi những tuyến đường liên thôn, liên xã dần được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, tỷ lệ trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia trên 80%... giúp cho con em trên địa bàn đến trường học tập tốt hơn.

Tàu đánh bắt xa bờ trở về với khoang thuyền đầy ắp tôm cá giúp các địa phương ven biển miền Trung phát triển kinh tế.

Tại các địa phương ven biển thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, bà con ngư dân nơi đây cũng đang nỗ lực vươn khơi bám biển sản xuất. Lão ngư Nguyễn Lố, Chi hội trưởng Hội nghề cá Tân Lập phấn khởi cho biết: “Do năm nay vụ cá Nam muộn hơn mọi năm, biển lại ban nhiều lộc tôm, cá nên các tàu cá đều tranh thủ ra biển đánh bắt dài ngày, có tàu cả chuyến trăng mới trở về”. 

Theo lời ông Lố, sau sự cố môi trường biển, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời thông qua các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước nên ngư dân ở Tân Lập đã được nhận tiền đền bù để mua sắm thêm ngư lưới cụ, cải hoán máy móc, nâng cấp tàu thuyền phục vụ cho nghề đi biển. Và nhờ những vụ đánh bắt hải sản trúng đậm nên đời sống kinh tế của bà con ngư dân khấm khá hơn trước rất nhiều.

Chúng tôi đến cảng cá Thừa Thiên - Huế đúng lúc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất 700 mã lực của anh Nguyễn Văn Định (36 tuổi) và 5 chiếc tàu khác của ngư dân Tân Lập vừa cập cảng cá để xuất bán hải sản sau chuyến biển dài ngày. 

Đang cùng với các bạn thuyền đưa những mẻ cá nục từ khoang tàu lên, anh Định cho biết: “Được nhà nước hỗ trợ vay vốn thông qua Nghị định 67 nên 2 năm trước, vợ chồng tôi thế chấp tài sản để đóng chiếc tàu cá này. Nhờ có tàu lớn mà thời gian qua, tôi và 9 bạn thuyền đi trên tàu có thể vươn ra các ngư trường lớn để đánh bắt các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá thu, chẽm… Đặc biệt, do trúng đậm vụ cá Nam nên bình quân mỗi chuyến biển tàu lãi hơn trăm triệu đồng”. 

Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho hay, toàn thị trấn có 5.653 hộ dân thì có đến 425 hộ dân sở hữu tàu cá công suất từ 250 đến 820CV. Nhờ nỗ lực sửa chữa, đóng mới tàu cá nên sản lượng hải sản đánh bắt trong 6 tháng đầu năm 2018 của thị trấn đạt 5.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 325 tấn. 

“Cùng với công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nỗ lực vươn khơi bám biển, địa phương còn vận động nguồn vốn vay ở các ngân hàng, dự án hỗ trợ để giải quyết cho 2.430 hộ vay vốn với số tiền trên 83 tỷ đồng. Việc làm này đã giúp các hộ dân có điều kiện đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất để ổn định đời sống, qua đó giảm hộ nghèo xuống còn 72 hộ và cận nghèo còn 138 hộ. Đây thực sự là tín hiệu khởi sắc đối với địa phương ven biển như thị trấn Thuận An”, ông Phước vui mừng nói.

 Tìm hiểu được biết, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 2.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ hơn 400 chiếc với 200 tàu công suất từ 400CV trở lên; 52 tàu cá công suất trên 800CV và nhiều tàu vỏ thép trên 800CV. 

Để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện phân bổ số tiền 16,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh nhằm bổ sung ngân sách cho các địa phương. 

Theo đó, huyện Phú Vang được hỗ trợ 10,9 tỷ đồng, huyện Phú Lộc là 4,76 tỷ đồng; TP Huế 150 triệu đồng và thị xã Hương Trà 350 triệu đồng nhằm hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, mua bảo hiểm, giúp ngư dân yên tâm bám biển hơn. 

Và có thể nói, nhờ sự đoàn kết, quyết tâm vươn khơi bám biển mà ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng, các tỉnh Bắc miền Trung nói chung đã góp sức không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương ven biển, góp phần bảo vệ ngư trường, giữ gìn lãnh hải của Tổ quốc.                           

Anh Khoa
.
.
.