Khan hiếm rau Tết Đà Lạt
- Lật tẩy “trạm hóa trang” hàng Trung Quốc gắn mác rau Đà Lạt7
- Ẩn họa từ rau, củ, quả Trung Quốc đội lốt rau Đà Lạt
Khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt những ngày cuối năm không khí lao động thật bận rộn. Người người, nhà nhà ra vườn chăm sóc rau, hoa từ sáng sớm cho tới chiều tối vì Tết đã cận kề.
Tuy nhiên, nhiều gia đình trồng rau phục vụ thị trường Tết than vãn, mưa quá nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích rau trồng ngoài. Thiệt hại nặng nề nhất là khoai tây và hành tây. Thời điểm nhà nông xuống giống đúng lúc mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày đã khiến nhiều củ giống bị thối. Số còn lại sống sót nhưng phát triển không đồng đều.
Nhà nông ở Đà Lạt trồng lại rau sau khi phá bỏ lứa rau hư hỏng vì mưa nhiều. |
Không ít gia đình đã phải chấp nhận nhổ bỏ để trồng lại lứa mới nhưng vẫn tiếp tục gặp mưa và hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Hương đưa chúng tôi ra vườn hành tây đã trồng lại lần hai nhưng lá vẫn vàng úa vì gặp mưa nhiều, than thở: “Chưa năm nào lại mưa dài và dai như năm nay. Vườn hành tây nhà tôi gặp mưa không chịu phát triển mà cứ vàng rũ cả ra. Chăm bón mãi cũng không xanh lại được!...”.
Cách đó không xa là vườn khoai tây của gia đình chị Phạm Thị Hải lỗ chỗ những khoảnh đất trống vì cây khoai tây khi xuống giống gặp mưa bị chết. Theo chị Hải, có gần 50% củ khoai tây giống trong vườn của gia đình chị bị chết. Gia đình chị Hải muốn phá bỏ để trồng mới nhưng không còn giống.
Diện tích khoai tây sống còn lại những tuần gần đây thời tiết khô ráo mới bắt đầu bén rễ, đơm lộc. Tuy nhiên, mưa nhiều đã khiến cho đất nén chặt lại làm các loại cây trồng rất khó phát triển, ảnh hưởng xấu tới năng suất và chất lượng sản phẩm về sau.
Do thời tiết vụ Đồng Xuân bất lợi khiến cho nhiều loại nông sản trồng ngoài trời bị hư hại, thị trường rau trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo là sẽ khan hiếm.
Chính vì vậy, hiện nay thương lái đã tìm đến những vùng chuyên trồng rau tại các phường 7, 8, TP Đà Lạt đặt mua cả rau mới trồng được 1 tuần đến 10 ngày tuổi. Chẳng hạn, rau cô rôn sau khi xuống giống được 1 tuần thương lái sẽ mua với giá 1.300-1.400 đồng/gốc. Sau đó nhà vườn chỉ bơm nước tưới, thương lái sẽ tự lo phân, thuốc, chăm sóc, thu hoạch.
Như vậy, với giá này, mỗi sào rau cô rôn nhà vườn có lãi từ 10 đến 13 triệu đồng. Anh Lê Quốc Dũng, đường Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt cho biết, đến thời điểm này hầu hết các loại rau ngắn ngày nhà vườn chỉ cần xuống giống ít hôm là có thương lái tới tìm mua. Nhiều gia đình muốn “ăn chắc” đã bán cầm tiền ngay.
Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình giữ lại để tự thu hoạch, chờ bán với giá thị trường. Với cách mua rau non như hiện nay, nếu trúng giá thương lái sẽ thắng lớn. Tuy vậy, không ít lần đến thời điểm rau được thu hoạch giá cả lại xuống rất thấp khiến người mua rau non trước đó buộc phải bán với giá thấp hoặc phá bỏ, chấp nhận mất trắng.
Ông Đinh Văn Sáu, một thương lái chuyên thu mua nông sản Đà Lạt vận chuyển đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ dự báo, nhiều khả năng thị trường nông sản phục vụ Tết năm nay sẽ khan hiếm ở không ít mặt hàng, nhất là các loại hành tây, khoai tây, lơ…
Ông Sáu phân tích, vùng trồng rau Tết chủ lực dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam trở vào cuối năm liên tục gặp lũ lụt dẫn đến hầu hết diện tích rau Tết đã bị hư hỏng.
Không như mọi năm, các tỉnh này sẽ khó có thể tự cung tự cấp được thực phẩm (rau) Tết tại chỗ, do đó cần một lượng nông sản lớn để bù đắp cho sự thiếu hụt ở vùng này. Trong khi tại vùng chuyên canh nông sản lớn nhất cả nước là Lâm Đồng, thời tiết bất lợi những tháng cuối năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích, năng suất và chất lượng rau.