Khai thác vàng gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Nước Ái

Thứ Sáu, 15/05/2020, 07:59
Thời gian gần đây, sông Nước Ái đoạn chảy qua xã Phước Hiệp, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, bỗng xuất hiện tình trạng nước đổi màu xám tro đậm đặc, lội xuống nước sông này, ai cũng bị ngứa ngáy khó chịu.

Sự việc khiến người dân bản địa lo lắng cho sức khỏe cộng đồng, vì nguồn nước sông này họ dùng vào sinh hoạt. Đáng quan tâm, sông Nước Ái bị ô nhiễm lại chảy vào các dòng sông khác trên địa bàn miền núi Phước Sơn rồi chảy về hạ du…

Từ thông tin phản ánh của người dân về tình trạng sông Nước Ái bị ô nhiễm, ngày 12/5, chúng tôi đi thực tế tại ngã ba sông Nước Ái - sông Trường (xã Phước Hiệp) và đã tận mắt chứng kiến một dòng nước xám màu tro từ phía thượng nguồn sông Nước Ái chảy xuống, hòa vào dòng sông Trường tạo thành con sông 2 màu khác biệt hoàn toàn. 

Một bên nước sông Trường chảy xuống trong xanh. Một bên con sông Nước Ái xám xịt màu tro. Cây cối 2 bên bờ, từng hạt sạn, mỏm đá bên dòng sông Nước Ái đều bị bao phủ bởi một lớp màu này. Đất hai bên bờ sông cũng bị phủ một lớp bùn dày có màu tro, như lớp tráng nền bằng xi măng. 

Người dân địa phương bức xúc cho biết, sông Nước Ái bị chuyển màu là do các đối tượng làm vàng ở đầu nguồn đổ ra. Đã vậy, nước làm vàng còn có hóa chất tẩy rửa quặng vàng nên lội xuống rất ngứa; tôm, cá ở dòng sông này cũng chết sạch.

Sông Nước Ái đậm đặc dòng nước ô nhiễm màu tro.

Chúng tôi men theo bờ sông Nước Ái về phía thượng nguồn. Càng lên gần thượng nguồn, nước sông càng đậm đặc màu xám; có đoạn nước bốc mùi hôi nồng. Vượt qua quãng đường dài hơn chục cây số với những dốc đá lởm chởm, đến thôn 8, xã Phước Hiệp, chúng tôi gặp một thác nước nhỏ, dưới con thác này, dòng nước chảy ra màu xám xịt. Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp nhiều bãi khai thác vàng của một số công ty đang hoạt động. 

Ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, khẳng định, sông Nước Ái có màu xám tro đậm đặc là do các công ty khai thác vàng thải ra. “Chỉ trừ ngày Tết, các công ty này không hoạt động thì sông Nước Ái mới trong. Chúng tôi đang đề xuất đề nghị đi khảo sát môi trường nước, sợ ảnh hưởng đến con sông, nguồn nước sinh hoạt của người dân”, ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tại khu vực thượng nguồn sông Nước Ái hiện có 2 công ty khai thác vàng được cấp phép, 2 công ty đang thăm dò. Đối với những công ty được cấp phép, việc xây dựng các công trình xử lý môi trường đã được Sở Tài Nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Còn 2 công ty thăm dò, địa phương có nhiều văn bản quán triệt, đề nghị cử người bảo vệ tài sản chờ sự cho phép. 

Cũng theo ông Quảng, huyện Phước Sơn đã đề nghị Sở TN&MT cùng các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ huyện trong việc đánh giá tác động môi trường. Đối với những đơn vị có phép khai thác vàng, yêu cầu đầu tư lại các công trình bảo vệ môi trường theo đúng các đề án.

Thực tế là vậy, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam lại bảo, các công ty có dự án khai thác vàng ở khu vực sông Nước Ái đều có đánh giá tác động môi trường, đều có giám sát. Tỉnh Quảng Nam cũng có chương trình quan trắc thường xuyên, đều có kết quả quan trắc định kỳ hằng năm. Qua kết quả quan trắc không có vượt ngưỡng. 

“Nhìn chung những công ty được phép đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên có những việc khai thác trái phép thì khó kiểm soát. Hiện nay, Sở TN&MT đang tham gia đoàn giám sát của tỉnh ở khu vực này. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất xử lý”, bà Hạnh nói.

Hà Vy
.
.
.