Kè chống sạt lở bờ biển chưa nghiệm thu đã... tan hoang
- Tìm giải pháp bù đắp cát để chống sạt lở bờ biển Cửa Đại
- Quảng Nam: Đầu tư gần 35 tỷ đồng chống sạt lở bờ biển
- Thừa Thiên - Huế: Hoàn thành tuyến đê biển chống sạt lở bờ biển
Ngày 5-6, chúng tôi có mặt tại khu vực bờ kè biển thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh. Tiếp xúc với chúng tôi, rất nhiều người dân bức xúc, khi bờ kè được đầu tư xây dựng số tiền lớn, chưa nghiệm thu đã bị hư hỏng.
Ông Võ Thủy (50 tuổi) cho biết, khi công trình kè chống sạt lở bờ biển này vừa được thi công hoàn thành thì đã có dấu hiệu hư hỏng, sụt lún. Bắt đầu ở đoạn đầu bờ kè, rồi phần mái kè bị sạt lở, các khung kè bê tông cốt thép bị nứt gãy… Tiếp theo là phần chân kè bị sụt lún, bị sóng đánh tan hoang. Càng về sau, các phần còn lại của đoạn bờ kè đều bị hư hỏng nghiêm trọng.
Công trình kè chắn sóng chưa nghiệm thu đã tan hoang. |
“Nhà tôi chỉ cách bờ kè 50m, lâu nay bờ biển sạt lở nên không dám sửa chữa, dựng nhà mới. Khi thấy thi công bờ kè thì chúng tôi mừng lắm, dân làng đều hy vọng là hết bị sạt lở. Nhưng không biết thi công kiểu gì mà vừa mới hoàn thành đã bị hư hỏng thế này. Thật uổng phí tiền của Nhà nước... Có làm thì phải làm sao cho chắc chắn, chất lượng chứ kinh phí bỏ ra là tiền tỷ mà đổ sông đổ biển quả là xót xa”, ông Thủy nói.
Bà Võ Thị Như (57 tuổi) cũng cho hay, bờ biển ở đây sóng rất lớn, triều cường lớn nhưng bờ kè này làm không chắc, sau khi thi công hoàn thành thì đã bắt đầu hư hỏng nhanh chóng.
“Họ thi công thế nào mà hết sụp bên này đến sụp bên nọ. Năm vừa rồi sóng cũng êm chứ mà sóng dữ như những năm trước thì đoạn ở giữa đã bứng đi mất rồi. Sóng ở đây lớn, đáng lẽ ra phải làm cho chắc, chứ làm như mấy bờ kè ở trong ruộng muối thì làm gì, chỉ tốn tiền của dân, của Nhà nước thôi”...
Qua tìm hiểu, tuyến bờ kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1 có chiều dài hơn 302m, kết cấu công trình kè mái nghiêng, đỉnh kè kết hợp làm đường giao thông, với số vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng là công trình đảm bảo an toàn cho 60 hộ dân trong vùng ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ dân, với 105 nhân khẩu đang bị tác động trực tiếp từ nạn sạt lở bờ biển.
Công trình được khởi công vào tháng 3-2015 và hoàn thành vào tháng 12-2016 thì ngay sau đó đã bị hư hỏng trầm trọng, dù chưa nghiệm thu.
Tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, một đầu bờ kè đã bị sóng đánh tan tành, đầu còn lại thì từng mảng bê tông vỡ vụn. Các cấu kiện gia cố mái bị sụp và sạt trôi. Mái kè cũng bị sóng đánh tan hoang, sụt lún. Chân kè thì bị nước biển khoét sâu vào đến gần 2m, khiến bờ kè có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Công Đức, Trưởng thôn Thạnh Đức 1 nói rằng, công trình kè chống sạt lở này khi thi công không thông qua cộng đồng dân cư để kiểm tra vật liệu, cách làm. Khi đơn vị thi công làm thì người dân ở đây đã biết công trình khó thể tồn tại lâu dài, vì không phù hợp.
Theo ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, công trình kè chống sạt lở tại thôn Thạnh Đức 1 do UBND huyện Đức Phổ làm chủ đầu tư. UBND xã chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu, còn lại không nắm rõ. Khi bờ kè bị sạt lở, công trình chưa được nghiệm thu, UBND xã đã báo cáo lên UBND huyện tìm cách khắc phục…
Theo báo cáo của UBND huyện Đức Phổ về việc quản lý đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1, được ông Trần Em (Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ) xác định, công trình bị sạt lở lần đầu tiên là vào ngày 19-11-2016, khi còn đang trong quá trình thi công hoàn thiện. Thế nhưng đơn vị thiết kế, giám sát không kiểm tra và khắc phục được, với lý do “sóng biển và nước lớn”.
15 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, nhưng công trình lại chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, tồn tại nhiều bất cập. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan phải cần được làm rõ để nguồn ngân sách Nhà nước được đầu tư đúng chỗ, tránh lãng phí.