Hồi hộp chờ thưởng Tết
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh đã công bố công khai mức thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) và người lao động thì ở Hà Nội còn khá im ắng. Tuy nhiên qua thăm dò một số Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và một số DN sử dụng nhiều lao động thì việc thực hiện thưởng Tết năm nay không có biến động nhiều so với mọi năm. Mức chi thưởng khủng rất hạn chế.
Ngày 6/1, trao đổi với PV Báo CAND, ông Ngô Chí Hùng, Phó Ban Quản lý KCN, KCX Hà Nội cho biết, do năm nay Tết Âm lịch đến muộn hơn, nên đến thời điểm này, nhiều DN trong tổng số hơn 400 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN, KCX Hà Nội vẫn đang lên kế hoạch lương, thưởng Tết cho người lao động. Theo đánh giá sơ bộ của Ban Quản lý thì năm nay, đa số các DN đều có mức thưởng tương đương 1 tháng lương tối thiểu mới áp dụng từ ngày 1/1/2015 (hơn 3 triệu đồng). Có một số DN sử dụng số lượng lao động không lớn cho biết, mức thưởng là 2 tháng lương tối thiểu.
Ngoài ra, một số DN sử dụng nhiều lao động như Canon, Panasonic, Hoya… cũng sẽ bố trí xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết. Công đoàn KCN cũng đang thực hiện lập danh sách số lượng công nhân đăng ký để bố trí xe, hỗ trợ đưa đón công nhân ở các tỉnh từ Quảng Bình trở ra về quê. Việc đảm bảo lương, thưởng Tết đối với số lượng trên 137 nghìn công nhân ở KCN, KCX Hà Nội cần có sự cố gắng nỗ lực của các DN và tổ chức công đoàn.
Đối với KCN Thăng Long (Hà Nội), hơn 60 DN, chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang gửi báo cáo về mức lương, thưởng Tết. Đại diện Công đoàn KCN Thăng Long cho biết, trung tuần tháng 1 này mới có các mức cụ thể.
Mức thưởng Tết luôn là động lực để người lao động gắn bó với DN. |
Mặc dù năm nay không phải là năm thuận lợi với các DN thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do giá cao su giảm, nhưng đại diện Tập đoàn này cho biết, quan điểm của Tập đoàn là các đơn vị phải có kế hoạch tổ chức chăm lo Tết chu đáo, ấm áp cho CBCNVC, người lao động, đặc biệt là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, không có điều kiện về quê ăn Tết. Căn cứ vào tình hình thực hiện kế hoạch tài chính sản xuất kinh doanh, các DN xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ và dự kiến mức được trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy định trong năm 2014. Đơn vị được tạm trích không quá 70% Quỹ khen thưởng dự kiến trích lập năm 2014 và huy động số dư Quỹ khen thưởng của năm 2013 chuyển sang để chi trả khen thưởng cho CBCNVC. Đối với những DN gặp khó khăn, không hoàn thành kế hoạch, Tập đoàn sẽ có hỗ trợ.
Một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động là ngành dệt may. Đại diện lãnh đạo một công ty may ở Phố Nối (Hưng Yên) cho biết, năm nay mức thưởng Tết của công ty chắc chắn sẽ cao hơn năm trước, trung bình mỗi công nhân có mức thưởng khoảng 23 triệu đồng. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TP Hồ Chí Minh, năm 2014, các DN của ngành có nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mức thưởng Tết như năm ngoái vì phải đảm bảo tháng lương 13 như quy định, đồng thời phải chăm lo đời sống cho người lao động. Trong năm 2015, ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội khi đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu không quan tâm chăm sóc người lao động thì khi cơ hội đến DN cũng không thể nắm bắt được.
Đến thời điểm này, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang tập hợp báo cáo tình hình lương, thưởng Tết của các DN, nên chưa công bố được các mức cụ thể. Nhìn chung là không có mức thưởng “khủng” đột biến. Trong khi đó, Ban quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, đã có trên 200 DN báo cáo thưởng Tết gửi lên Hepza. Theo đó DN có vốn đầu tư nhà nước có mức thưởng Tết cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là 64 triệu đồng, thấp nhất là 2,9 triệu đồng. DN trong nước không có vốn đầu tư nhà nước thưởng thấp nhất là 2,86 triệu đồng. DN FDI có mức thưởng cao nhất hiện tại là 191 triệu đồng, thấp nhất 3 triệu đồng.