Hiệu quả về cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại Quảng Ninh
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long: Quảng Ninh rất quyết liệt trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo chủ trương của Chính phủ. Đầu năm 2014, tỉnh ban hành Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
Tính đến năm 2016, số lượng các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện đã giảm 56 tổ chức so với năm 2011. Bên cạnh việc sắp xếp lại bộ máy, toàn tỉnh đã cắt giảm 686 biên chế công chức, viên chức so với số được giao (123 công chức khối Đảng, đoàn thể, 11 công chức khối chính quyền, 174 viên chức cấp tỉnh, 6 viên chức cấp huyện và 423 công chức cấp xã).
Việc thực hiện nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo bước đầu đạt hiệu quả cao được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay, đã có hai huyện Cô Tô và Tiên Yên thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND.
Các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Hoành Bồ, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ có Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND. Đặc biệt, việc xây dựng chính quyền điện tử về các tuyến huyện ở Quảng Ninh được đánh giá rất hiệu quả khi giảm được tới 50% các thủ tục hành chính; công tác chỉ đạo, xử lý các vấn đề đều được công khai, minh bạch…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hiệu quả Đề án 25 trong tinh giản biên chế theo nguyên tắc “Một tổ chức nhiều chức năng, một người làm nhiều việc” không chỉ là số lượng biên chế giảm, mà chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên. Những người “trụ lại” trong bộ máy phải cố gắng cao để hoàn thành chức trách nhiệm vụ, nỗ lực hết sức để học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt.
Đổi mới hình thức cải cách hành chính tạo điều kiện cho người dân. |
Theo lãnh đạo tỉnh, khó khăn nhất trong thực hiện tinh giản biên chế là cơ chế, chính sách trong khu vực công lập và ngoài công lập còn bất bình đẳng, chưa huy động tốt các nguồn lực xã hội vào việc cung ứng dịch vụ công. Chính sách tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời, chính sách tiền lương, tiền thưởng không gắn với hiệu quả công việc, tiêu chí đào thải chưa rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến giảm động lực phấn đấu, mất tính cạnh tranh để nâng cao hiệu quả công tác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách, tổ chức bộ máy hành chính. Quảng Ninh luôn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Ông Nguyễn Khắc Định nhận định, việc tinh giản biên chế vốn khó thực hiện, nhưng Quảng Ninh đã quyết tâm lược bỏ được những cán bộ năng lực kém mà không để xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện, chứng tỏ sự nỗ lực, nhiệt huyết rất cao của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tinh giản biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tỉnh lưu ý, đảm bảo việc thu hút, tuyển dụng người tài để duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận…
Từ thành công của thực tiễn, Quảng Ninh tiếp tục phát huy thế mạnh, trở thành điển hình cho các địa phương trên cả nước học theo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.