Hiệu quả giữ gìn ANTT từ mô hình “Ánh sáng an ninh”
Nhiều tổ chức nhân dân tự quản về công tác giữ gìn ANTT đã đề xuất lên Công an, UBND huyện xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh” từ năm 2009.
Hiệu quả từ mô hình “ánh sáng an ninh” ở Đức Linh, Bình Thuận. |
UBND và Công an xã Mê Pu chọn thôn 6 làm điểm để xây dựng mô hình này. Trong thôn vận động nhân dân cứ 2-3 hộ góp 120.000 đồng bắt một bóng đèn và chia nhau trả tiền điện hàng tháng. Chẳng bao lâu, toàn thôn đã có 75 bòng điện thắp sáng trên 3 tuyến đường liên thôn, giảm đáng kể các loại tệ nạn xã hội và tội phạm.
Từ mô hình thí điểm mang lại hiệu quả tốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ tổ quốc, giữ gìn ANTT địa bàn, năm 2012 toàn huyện Đức Linh nhân rộng mô hình “Tuyến đường thôn, khu phố với ánh sáng an ninh” tại nhiều xã khác. Nhân dân đồng tình cao với lực lượng Công an, Đoàn TN trong công tác đảm bảo ANTT. Hiện nay, huyện Đức Linh đang thực hiện 11 mô hình tự quản, tự phòng về ANTT, trong đó có 2 mô hình “Ánh sáng an ninh”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự ATGT - đoạn đường ATGT” phát huy hiệu quả cao. Công an huyện đã chủ động tham mưu cho huyện nhân rộng hai mô hình trên nhằm chủ động phòng, chống tội phạm. Kết quả đã có 12/13 xã, thị trấn xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh” với 78/83 thôn, khu phố, đã mắc 5.674 bóng điện trên 186 trục lộ, đoạn đường thôn, khu phố với tổng chiều dài là 189,18km, tổng kinh phí đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng. Mô hình “Ánh sáng an ninh” góp phần làm giảm số tin báo vụ việc liên quan đến ANTT 27%, trộm cắp giảm 30%, đánh nhau gây thương tích giảm 43%, gây rối trật tự giảm 25%, tai nạn và va chạm giao thông giảm 34% so với trước.
Ông Nguyễn Đình Bích- Trưởng thôn 4 xã Vũ Hòa, một xã miền núi của huyện Đức Linh cho biết: “Từ khi có ánh sáng đèn đường, tình hình an ninh trật tự ở địa phương so với những năm trước đây giảm đi rõ rệt. Nạn trộm chó, trộm gà, tụ tập quậy phá giảm đi rất nhiều, thôn xóm trở nên yên bình hơn, nhân dân rất phấn khởi”.