Hệ lụy từ những chiêu trò cho vay lãi nặng

Thứ Ba, 06/06/2017, 10:38
Để tránh những hệ lụy từ tín dụng "đen" gây nên, người dân không nên vay mượn tiền bạc từ các đối tượng hoạt động tín dụng "đen".

Đi trên phố hay các ngõ ngách của Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tờ giấy dán trên tường, bốt điện, hộp kĩ thuật viễn thông,… quảng cáo việc cho vay tiền  không cần thế chấp, "chỉ cần alo là có tiền". 

Nhiều người vì muốn vay nóng một khoản tiền để chi tiêu, đến hẹn chưa xoay được tiền trả đã bị khủng bố tinh thần, bị ném chất bẩn vào nhà, bị bắt giữ trái pháp luật… Việc cho vay như vậy đã vượt quá giới hạn giao dịch dân sự thông thường và nhiều vụ việc đã trở thành hình sự.

Việc vay tiền để tiêu dùng, kinh doanh buôn bán, chi tiêu cá nhân,... là nhu cầu thực tế của xã hội. Không phải lúc nào, việc vay tiền tại ngân hàng cũng được đáp ứng bởi những qui định chặt chẽ về thế chấp, mục đích vay, đảm bảo thu hồi vốn… 

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự cho phép các giao dịch vay và cho vay tài sản giữa cá nhân và cá nhân. Lợi dụng lỗ hổng pháp luật, các cơ sở cầm đồ đã đứng lên cho vay với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.

Thủ tục vay rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không cần ai đứng ra bảo lãnh, tín chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc một tờ giấy viết tay nhận nợ là có thể dễ dàng vay tiền.

Vay tiền thì dễ, nhưng người vay đừng nghĩ có thể dễ dàng "xù nợ", bởi đằng sau các chủ nợ cho vay là một đội quân mặt mũi bặm trợn dùng nhiều thủ đoạn đòi nợ theo kiểu "xã hội đen".

Nếu đeo bám đòi nợ không được, các đối tượng đòi nợ sẽ dở các chiêu trò như: ném chất bẩn vào nhà; bắt giữ người trái pháp luật; cưỡng đoạt tài sản; thậm chí, còn gây nên những vụ trọng án, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Quảng cáo cho vay tiền xuất hiện ở nhiều nơi.

Vay tiền kiểu tín dụng "đen" thì dễ, nhưng lãi suất tối thiểu cũng từ 10% một tháng trở lên, hoặc áp dụng lãi suất ngày. Có nhiều trường hợp, số tiền vay ban đầu chỉ khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng, do không có tiền trả nợ, đã bị xiết nợ bằng viết giấy bán nhà.

Khi "lãi mẹ đẻ lãi con", họ đành phải giao nhà cho chủ nợ và rơi vào tình cảnh mất nhà mất cửa, sống vật vạ nay đây mai đó…

Theo qui định của Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010, mức lãi suất cho vay cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, như vậy, mức lãi suất này  một tháng khoảng 0,75%. Nếu cho vay với lãi suất 10%/tháng, là đã vượt quá hơn 13 lần so với lãi suất qui định.

Trong khi đó, theo qui định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự, người nào cho vay với mức lãi suất vượt quá 10 lần lãi suất của ngân hàng thương mại thì có thể bị xử lý hình sự về tội "cho vay lãi nặng".

Tuy nhiên, hoạt động vay và cho vay thường diễn ra ngấm ngầm. Khi bị xiết nợ, người vay vì nhiều lý do cũng không trình báo với cơ quan Công an nên rất khó xử lý.

Để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này, Công an TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 231, xây dựng cơ sở dữ liệu về các cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính, các đối tượng hoạt động tín dụng dưới hình thức cho vay bốc họ, rải họ, vay tín chấp, thế chấp không có cửa hàng, điểm kinh doanh cố định trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay tín dụng "đen" vẫn diễn biến phức tạp. Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng tranh giành địa bàn, liên kết với các đối tượng lưu manh ở những địa bàn giáp ranh Hà Nội, khi xảy ra mâu thuẫn thì tập trung hàng chục đối tượng mang theo hung khí để gây thanh thế, sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực.

Từ khi triển khai kế hoạch 231 đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 39 vụ án hình sự, bắt 109 đối tượng, trong đó triệt phá 6 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, bắt 27 đối tượng. Các đối tượng bị bắt giữ là chủ các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính đa số đã bị thu hồi giấy phép hoặc yêu cầu đóng cửa các cơ sở không phép.

Để tránh những hệ lụy từ tín dụng "đen" gây nên, người dân không nên vay mượn tiền bạc từ các đối tượng hoạt động tín dụng "đen". Khi bị xiết nợ, thì trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo qui định của pháp luật.

Đối với Công an cơ sở, cần làm tốt công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện các tụ điểm, đối tượng cho vay tín dụng "đen" để có biện pháp quản lý...

Đào Minh Khoa
.
.
.