Hành trình về với thiện lương

Chủ Nhật, 04/07/2021, 12:03
Hơn 200 người nghiện đã cai nghiện thành công, hơn 100 người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng đã có cuộc sống ổn định, góp phần quan trọng trong đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đó là kết quả trong 8 năm triển khai thực hiện mô hình Câu lạc bộ "Cảm hóa giáo dục giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng" tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La do lực lượng Công an và Hội Phụ nữ xã chủ trì. Những người đã từng mắc sai lầm nơi đây như được sống thêm một lần nữa nhờ hiệu quả từ mô hình này.

Chiềng Sơn là xã vùng 2 biên giới của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với 8,25km đường biên giới đất liền giáp với Lào, có nhiều đường tiểu ngạch từ biên giới vào nội địa. Xã có 23 bản, tiểu khu với 2.137 hộ, 8.546 nhân khẩu, có bản cách trung tâm xã hàng chục km đường đi bộ. 

Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của xã Chiềng Sơn có bước phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, xã hội của xã Chiềng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đây được coi là địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm và tệ nạn ma tuý. Chiềng Sơn có thời điểm được ví như địa bàn chung chuyển của những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn được trang bị vũ trang qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Đã có những cuộc đấu súng nghẹt thở giữa các lực lượng chức năng và tội phạm ma túy diễn ra tại đây. 

Mỗi năm, Công an xã Chiềng Sơn xử lý trên 50 vụ việc về ANTT thì phần lớn liên quan đến ma túy. Năm 2012, trên địa bàn xã có tới 414 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 108 người từ trung tâm cai nghiện trở về địa phương, 128 người đang cai nghiện tại trung tâm, 436 người chấp hành xong án phạt tù, 34 đối tượng tù hưởng án treo, 13 đối tượng cải tạo không giam giữ, hơn 100 người đang chấp hành án phạt tù về các tội liên quan đến ma túy ở các trại giam trên toàn quốc...

Trước thực trạng nêu trên, để góp phần nâng cao nhận thức vai trò của gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội; thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, như Công an, bộ đội Biên phòng, lực lượng dân quân tự vệ, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội làm tốt công tác quản lý đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng tù tha về thường xuyên răn đe giáo dục những đối có biểu hiện vi phạm pháp luật; rà soát, củng cố hồ sơ đề nghị các đối tượng vi phạm nhiều lần vào cơ sở giáo giục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện. 

Năm 2012, Công an và Hội Phụ nữ xã Chiềng Sơn đã phối hợp đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan thành lập mô hình Câu lạc bộ "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng" nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỡ trên địa bàn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Câu lạc bộ gồm 50 thành viên là những cán bộ chủ chốt của xã, của các bản, tiểu khu, trong đó nòng cốt là Công an và Hội Phụ nữ xã.

Câu lạc bộ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Sau khi thành lập, ra được quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho từng thành viên thì công tác tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của những người lầm lỡ. 

Câu lạc bộ đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. 

Trong đó chú trọng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy, về phòng, chống mua bán người, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… 

Lực lượng Công an và Hội Phụ nữ xã còn đến từng nhà tổ chức cho các hộ ký giao ước thi đua về công tác phòng, chống ma túy, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phát giác tội phạm và những người nghi nghiện ma tuý; tập trung làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục kết hợp với các biện pháp kiểm tra, sàng lọc để người đã mắc nghiện ma tuý tự nhận và xin được điều trị methadone. 

Trong suốt 8 năm qua, Câu lạc bộ đã tổ chức tuyên truyền được trên 150 cuộc với hàng chục nghìn lượt người tham gia; tổ chức 23 Hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, với trên 2.000 lượt người tham gia, phát trên 2.000 phiếu tố giác tội phạm, kết quả thu được trên 1.600 có thông tin giá trị đến hoạt động tội phạm và tố giác người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Phần lớn những người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung trở về địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập, rất dễ đi lại con đường cũ. 

Vì thế, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã làm tốt các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ những người lầm lỡ xây dựng nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, tiền mặt giúp những người lầm lỡ trở về cộng đồng phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời.

Trong 8 năm, mô hình Câu lạc bộ "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng" đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, giúp đỡ hơn 200 người cai nghiện thành công; hơn 136 người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung tại các trung tâm cai nghiện trở về có cuộc sống ổn định; đã giúp cho gần 100 lượt người được vay vốn từ quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã và Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; 8 nhà Đại đoàn kết được xây dựng với số tiền 472 triệu đồng; 430 cây giống, 8 con bò, gần 15 triệu tiền mặt và 512 công làm nhà, thu hoạch mùa màng cũng đã được Câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỡ có hoàn cảnh khó khăn tại xã… 

Nhờ đó, 353 người từng lầm lỡ đã trở về cuộc sống bình thường, vươn lên thoát nghèo, trong đó có rất nhiều gia đình trở thành hộ giàu có trong xã…

Một số trường hợp tiêu biểu nhờ có sự giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục của Câu lạc bộ đã từ bỏ con đường lầm lỗi, nỗ lực vươn lên thoát nghèo phải kể đến, đó là: Anh Phạm Đức Chín ở tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn. Anh đã cai nghiện thành công và tập trung phát triển kinh tế, xây được nhà, phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích đất gần 5 ha, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. 

Đó là chị Nguyễn Thị Lợi, ở tiểu khu 5, xã Chiềng Sơn. Sau khi đi cai nghiện về, được sự giúp đỡ của Câu lạc bộ, chị được vay vốn trồng chè và trồng ngô trên diện tích cây ăn quả có sẵn. Hiện nay chị đã xây được nhà, thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, con cái chị đều trưởng thành, có gia đình và công việc ổn định. 

Hay anh Đặng Hồng Sơn ở tiểu khu 4, xã Chiềng Sơn cũng là người nghiện ma túy, được Công an và Hội phụ nữ vận động, giúp đỡ anh đã tham gia cai tại Trung tâm giáo dục lao động và hoàn thành chương trình trở về địa phương. Hiện nay anh đã mua ôtô và làm dịch vụ xe công thu nhập khoảng trên 100.000.000đ/năm…

Điều đáng nói là từ khi triển khai thực hiện mô hình Câu lạc bộ "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng", nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức quần chúng và nhân dân đối với người lầm lỡ được nâng lên; các đối tượng vi phạm pháp luật được quản lý chặt chẽ và giáo dục thường xuyên; số vụ phạm pháp hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội và các vi phạm xã hội khác giảm rõ rệt. 

Năm 2018, mô hình đã đưa Chiềng Sơn trở thành  địa bàn an toàn về ANTT và là xã đạt chuẩn Nông thôn mới và hiện nay đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.  

Khi những người lầm lỗi đã xác định cho mình một lối về đúng đắn thì trên hành trình thiện lương ấy, bên cạnh họ luôn có những bàn tay nâng đỡ, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh, động lực để họ tự tin hơn trên con đường tìm lại chính mình. 

Đó là những người chiến sĩ Công an tận tụy hết lòng vì công việc, hàng ngày, hàng giờ bám sát địa bàn, trăn trở, miệt mài tuyên truyền, vận động, giúp những người lầm lỡ vượt qua mặc cảm, trở lại là chính mình; là những hội viên phụ nữ tận tâm, giàu lòng nhân ái; là cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể; là gia đình, bà con lối xóm bằng sự cảm thông, bằng tình thương và niềm tin tưởng, họ đã một lần nữa mang lại ánh sáng của cuộc đời cho những người lầm lỗi.

Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, những đàn ngan, vịt, gà hàng trăm con, những vườn cây trĩu quả bạt ngàn trải khắp xã… đã giúp những người lầm lỗi trở dần về nẻo thiện, góp phần đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, và quan trọng hơn cả là tình người đã và đang được khơi dậy từ mô hình Câu lạc bộ có cái tên rất thân thương: "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng".

Minh Phong
.
.
.