Gượng dậy sau lốc xoáy

Thứ Sáu, 10/11/2017, 08:06
Chỉ hơn 3 ngày sau cơn lốc, với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an, Quân đội và các cơ quan, đoàn thể, cùng người dân địa phương bằng tinh thần tương thân, tương ái, đã có nhiều ngôi nhà tạm được dựng lên, nhà tốc mái được lợp lại để những hộ dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống…


Trận lốc xoáy kinh hoàng do ảnh hưởng bão số 12 xảy ra vào sáng 4-11 đã khiến làng chài xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) dường như tan hoang. Cây cối gãy đổ ngổn ngang. Những căn nhà cấp 4 tốc mái xác xơ, sập đổ thành những đống gạch vụn nằm chơ vơ bên bờ biển giữa bốn bề thông thốc gió... Thế nhưng, chỉ hơn 3 ngày sau cơn lốc, với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an, Quân đội và các cơ quan, đoàn thể, cùng người dân địa phương bằng tinh thần tương thân, tương ái, đã có nhiều ngôi nhà tạm được dựng lên, nhà tốc mái được lợp lại để những hộ dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống…

Từ Quốc lộ 1A, xuôi đường về biển đến xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tôi dò hỏi xin thuyền sang “ốc đảo” Tam Hải, một xã có 3 mặt tiếp giáp sông Trường Giang và mặt kia giáp biển. Thật may mắn, chúng tôi gặp chủ thuyền là ông Lê Bá Lư (65 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải. Ông Lư cho hay, ông sang xã Tam Giang để mua tôn pro xi-măng vận chuyển về Tam Hải để lợp lại nhà do lốc xoáy làm hư hại.

“Từ sau cơn lốc xoáy kèm mưa bão khiến biển động mạnh, mọi lối ra vào “ốc đảo” Tam Hải dường như bị tê liệt. Không phà, người dân chỉ dùng thuyền nhỏ để sang đây mua tôn, vật liệu về sửa chữa lại nhà cửa”, ông Lư bộc bạch. Bê từng tấm tôn đưa lên thuyền, ông Lư nói tiếp rằng, mấy này qua do mưa gió, biển động nên không ai dám chèo thuyền sang sông.

Sau trận lốc xoáy nhiều căn nhà ở làng chài Tam Hải tan hoang.

Hôm nay, mưa ngừng, trời vừa tạnh, ông cùng người hàng xóm bàn nhau cùng mua tôn vận chuyển về để lợp lại nhà. Trên chuyến thuyền bập bềnh giữa cửa sông, ông Lư cho biết thêm, nhà ông ở thôn Long Thạnh Tây, thôn có 89 hộ dân. Thế nhưng, trận lốc xoáy vừa rồi đã làm đến 36 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 10 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 26 ngôi nhà khác bị tốc mái từ 30% trở lên. Về người cũng có 1 trường hợp bị thương nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam...

Đặt chân lên xã đảo, tôi được ông Lư hướng dẫn đến chỗ các anh Công an, dân quân tại chỗ cũng bà con ở địa phương đang hỗ trợ lợp lại nhà cho cụ bà Bùi Thị Đẩu (92 tuổi).

Cụ Đẩu là mẹ ruột liệt sĩ Lê Quảng, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mái nhà bị lốc xoáy giật trống hoác nên bàn thờ của liệt sĩ Lê Quảng được cụ Đẩu đưa xuống bố trí tạm trên chiếc phản gỗ để khỏi bị mưa ướt.

Cụ Đẩu bệu bạo nói: “Trong nhà chỗ nào cũng bị mưa tạt ướt. Mái ngoái gió lốc thổi bay hết rồi nên tôi đành để tạm bàn thờ cho con tôi xuống chỗ phản này… Chừ đợi các anh Công an và dân quân, cùng bà con lối xóm lợp lại nhà thì đưa di ảnh con tôi lên chỗ bàn thờ để hương khói”. Căn nhà của ông Lê Bá Lai (SN 1947), cạnh nhà cụ Đẩu cũng bị tốc mái, đồ đạc trong nhà đều đã bị mưa ướt, hư hỏng. Vợ chồng ông Lai đang cùng các anh Công an và dân quân tự vệ xã dọn dẹp để sửa lại mái nhà.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải đưa tôi đến nhà chị Huỳnh Thị Tuyết (SN 1964), ở thôn Bình Trung. Trên đường đi, ông Hùng cho biết, khi xảy ra lốc xoáy sập nhà, hộ gia đình anh Bùi Văn Nhân (SN 1980), đối diện nhà chị Tuyết có 4 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em. Căn nhà cấp 4 của anh Nhân giờ đây đã bị gió lốc làm sập đổ hoàn toàn, giờ chỉ còn là đống gạch vụn.

Khi tiếp xúc trò chuyện, tôi vẫn nhìn thấy nỗi ám ảnh kinh hoàng hiện rõ trong mắt chị Tuyết. Theo lời kể của chị Tuyết, hôm đó, khi đang ngồi trong nhà, chị bỗng nghe có tiếng ù ù rất lớn như tiếng máy bay đang bay sát nhà, rồi tiếp theo là một tiếng “ầm” xé vang cả góc trời.

Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chị lại nghe tiếng kêu cứu phát ra từ nhà anh Nhân đối diện. Chị nhòm qua cửa thì thấy căn nhà của anh Nhân đã sập. Từng lớp tường lớn chất chồng lên nhau. Bên cạnh đó, con gái anh Nhân là cháu Bùi Thị Kiều My (10 tuổi) đã bị thương rất nặng. Mẹ anh Nhân là bà Bùi Thị Hoa (77 tuổi) cũng bị thương ở tay, đang lay gọi anh Nhân bị thương, nằm bất tỉnh…

Theo lời ông Hùng, xã đảo Tam Hải có 2000 ngôi nhà, với 8400 nhân khẩu. Trận lốc xoáy vừa rồi đã khiến cho 86 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 2 ngôi bị sụp hoàn toàn, 9 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, chính quyền xã cùng lực lượng Công an, Quân sự, các đoàn thể đến kiểm tra tình hình, thống kê thiệt hại và vận động người dân có nhà ở kiên cố cho số bà con bị thiệt hại về nhà cửa ở nhờ để đảm bảo an toàn. Đồng thời cũng tiến hành sữa chữa những ngôi nhà bị thiệt hại nhẹ để ở tạm thời.

“Hiện tại, các lực lượng Công an, Quân sự, đoàn thể xã đang tiếp tục phối hợp với Vùng 2 Cảnh sát biển, Biên phòng giúp người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, lợp lại mái nhà, dựng nhà tạm khắc phục hậu quả”, ông Hùng nói.

Rời xã đảo Tam Hải, tôi đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tìm gặp anh Nhân. Sau hơn 3 ngày điều trị, dù sức khỏe đã hồi phục phần nào, nhưng nỗi kinh hoàng và xót xa vì 2 con nhỏ bị thương trong cơn lốc xoáy dường như hiện rõ trên khuôn mặt rám nắng của anh. Anh không chỉ đau vì những vết thương của mình, mà còn đau vì những vết thương của 2 đứa con thơ đang phải gánh chịu.

“Lúc đó bé lớn là Kiều My vừa mới đi mua nước mắm về cho bà nội nó nấu ăn. Chưa kịp mở cửa ra, tôi chỉ kịp nhìn thấy nó bị cuốn bay lên trời. Quá hãi hùng, tôi chạy ra mở cửa tìm con thì một cánh cửa trái cũng bị gió lốc cuốn theo, cánh cửa còn lại đập thẳng vô đầu, lúc đó tôi không còn biết gì nữa. Chỉ đến khi được cấp cứu ở Trạm Y tế xã tôi mới tỉnh lại. Tôi hoảng hốt hỏi con tôi đâu thì mới biết cả 2 đứa tuy bị thương, nhưng vẫn còn sống…”, anh Nhân thảng thốt nói trong nước mắt. Chị Vặng vợ anh Nhân ôm cháu Linh Đan vào lòng, mắt đỏ hoe. Trên gương mặt non tơ của cháu, vết khâu chi chít. Còn cháu Kiều My thì bị chấn thương sọ phải nằm một chỗ…

Trận lốc xoáy bất ngờ ập tới xã đảo Tam Hải để lại nỗi đau cho bao gia đình, trong đó có gia đình anh Nhân. Hy vọng rằng, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và những tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ người dân làng chài Tam Hải sớm khắc phục hậu quả, gượng dậy, ổn định lại cuộc sống sau cơn hoạn nạn này…

Hà Vy
.
.
.