Giải pháp chống hạn, mặn tại ĐBSCL: Nên khôi phục hai túi chứa nước tự nhiên

Thứ Ba, 05/04/2016, 07:03
Việc duy trì quá lâu hệ thống đê bao khép kín sau trận lũ lịch sử năm 2000 tại ĐBSCL cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm ta chối bỏ lượng nước ngọt vô giá từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, lẽ ra được vào hai (hồ) túi nước này…


Theo các chuyên gia, hai trong 3 túi nước đóng vai trò rất quan trọng cho nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân ĐBSCL đó chính là vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM), rộng 700.000ha và Tứ giác Long Xuyên (TGLX, rộng 590.000ha). Việc duy trì quá lâu hệ thống đê bao khép kín sau trận lũ lịch sử năm 2000 cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm ta chối bỏ lượng nước ngọt vô giá từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, lẽ ra được vào hai (hồ) túi nước này…

Việc duy trì các bao đê chống lũ hàng chục năm qua được xem là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho khô hạn và xâm thực mặn tại các tỉnh ĐBSCL gay gắt hơn. Ảnh chụp mùa lũ năm 2015 trong một ô đê bao khép kín tại vùng Đồng Tháp Mười.

ĐBSCL là một phần của lưu vực Mekong và có vị trí tiếp giáp biển nên chịu ảnh hưởng của cả điều kiện thời tiết khí hậu, thủy văn tại chỗ, từ phía thượng nguồn sông Mekong, và từ phía biển. Lưu vực sông Mekong gồm phần thượng lưu vực (nằm trong lãnh thổ Trung Quốc) và phần hạ lưu vực (tính từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống tới bờ biển Việt Nam). Nguồn nước ở phần thượng lưu vực chủ yếu là từ tuyết tan ở cao nguyên Tây Tạng, được gọi là “hợp phần Vân Nam” của dòng chảy Mekong.

Tổng dòng chảy trung bình cả năm của dòng Mekong là khoảng 475 tỉ mét khối, trong đó khoảng 16% đến từ hợp phần Vân Nam, 2% đến từ Myanmar; nhưng trong một mùa khô trung bình, hợp phần Vân Nam đóng góp khoảng 30% dòng chảy Mekong (tính ở Kratie, Campuchia). Nếu tính cả năm, ĐBSCL nhận phần lớn lượng nước (82%) từ vùng hạ lưu vực, nên lượng nước mưa ở vùng hạ lưu vực liên quan chặt chẽ đến tình trạng nước ở ĐBSCL. Nếu vùng này hạn thì ĐBSCL ít nước, vùng này mưa nhiều thì miền Tây nhiều nước.

Tại một cuộc tọa đàm liên quan đến vấn đề hạn, mặn ở ĐBSCL năm 2016 do Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) tổ chức vào ngày 1-4 vừa qua, chuyên gia độc lập về nghiên cứu sinh học ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho biết, El Nino năm nay là cực đoan của El Nino nên gây ra hạn khốc liệt trong 90 năm vừa qua. Vùng hạ lưu vực năm nay hạn cực đoan nên nước về ĐBSCL ít, gây ra hạn khốc liệt.

Hằng nằm khi nước lũ sông Mekong từ thượng nguồn đổ về, đến Campuchia, nước chảy vào Biển Hồ làm diện tích hồ này "nở ra" 5-6 lần, từ 300.000ha trong mùa khô lên 1.500.000ha trong mùa lũ và chảy vào vùng ĐTM (nằm phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và TGLX (phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang và một phần Cần Thơ) làm cho 2 vùng này ngập sâu 3-4 mét.

Chính ba túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ bớt nước lũ vào đó, làm cho lũ hiền hòa hơn (nhiều người dân ĐBSCL không gọi “mùa lũ” mà gọi “mùa nước nổi” do chính lý do này – PV). Lượng nước cất giữ trong 3 túi này sẽ từ từ nhả ra, bổ sung do dòng sông Tiền, sông Hậu để đẩy mặn vùng ven biển ra trong mùa khô.

Biển Hồ từ khả năng đóng góp 30% lượng nước về hạ lưu lúc bình thường, thì năm nay khô cạn, không đóng góp được gì. Còn tại hai túi nước của ĐBSCL do có nhiều diện tích đã bị hệ thống đê bao khép kín (từ 20 năm nay) để canh tác lúa ba vụ mỗi năm nên không có nước, trong khi bên ngoài có năm nước ngập 3-4 mét. Các ô đê bao này chiếm không gian rất lớn. Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập vùng bên ngoài đê bao và ở các địa phương phía hạ nguồn.

Ngoài ra, khoảng 2 thập niên trước, xuất phát từ thái độ chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của nước lũ nhiều hơn là mặt tích cực, cho nên chúng ta nỗ lực tháo bớt lũ ra biển dẫn đến mùa khô, ngoài chuyện biến đổi khí hậu, thì 2 vùng trũng ở ĐBSCL không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn.

Lấy ví dụ riêng đối với TP Cần Thơ, theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), năm 2000, mực nước chỉ từ 1,79 mét nhưng đến năm 2011, mực nước tăng lên 2,15 mét. Theo phân tích, sự tăng ngập ở Cần Thơ là do tăng động thái dòng chảy lũ từ trên xuống (gây tăng ngập 0-0.5cm), nước dội do triều từ biển vào (gây tăng ngập 27-32cm), và mất không gian chứa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên (4cm). Nói cách khác, nếu tháo dỡ hết các đê bao ở TGLX thì đỉnh lũ tại Cần Thơ có thể giảm 4cm.

Trong khi đó, từ năm 2000 đến 2011, khả năng trữ lũ của TGLX đã giảm từ 9,2 tỉ mét khối xuống còn khoảng 4,5 tỉ mét khối, do diện tích khoảng 1.100 km² ô đê bao khép kín ở vùng này. Khối nước khổng lồ (4.7 tỉ m³) khi không vào được trong đồng, đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu trong mùa lũ và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4.7 tỉ mét khối này để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Mới chỉ vùng TGLX đã như thế.

“Vì vậy, cần có một cách nhìn tổng thể trong đó toàn bộ hệ thống của ĐBSCL, vùng ngập lũ, vùng phù sa giữa, vùng ven biển, kể cả sông ngòi, đất đai, hệ thống canh tác, kinh tế, xã hội phải được đối xử như là một tổng thể và đặt trong một tổng thể lớn hơn là lưu vực Mekong thì mới có chiến lược hài hòa được và nên tránh việc từng địa phương phát triển riêng mà không quan tâm đến ảnh hưởng đến vùng khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh, không nên lấy một sự kiện cực đoan làm chuẩn cho chiến lược lâu dài. Một chiến lược lâu dài cần phải dựa vào xu thế diễn biến nhiều năm chứ không nên dựa trên một sự kiện” – chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết theo số liệu quan trắc, ĐBSCL từng có năm nhận lưu lượng nước sông Mekong 1.500 m³/s, nhưng mặn chỉ xâm nhập 60-65km. Còn năm nay, lưu lượng nước 2.600 m³/s, mặn xâm nhập tới 70-80km. Ông Tuấn giải thích, do ĐBSCL làm lúa quá nhiều, khoảng 70% lượng nước sông Mekong được sử dụng cho nông nghiệp, trong đó 80% sử dụng cho lúa. Vì thế, lượng nước ngọt ở các cửa sông còn ít, không đẩy được nước mặn, để nước mặn vào sâu.

Thái Bình
.
.
.