Bệnh nhi ùn ùn nhập viện ngày nắng nóng
Thời tiết nắng nóng cộng thêm tiếng quấy khóc của trẻ nhỏ khiến không khí tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) càng thêm ngột ngạt. Bế theo cậu con trai nhỏ Nguyễn Đình Lộc mới được 19 tháng tuổi đang khóc ngặt trên tay tại phòng khám, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Chiều, trú tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội tái dại đi vì mệt mỏi và lo lắng.
Không biết vì lý do gì mà sáng 24-5, con chị bị sốt trên 38 độ C kèm theo tiêu chảy liên tục. “Từ sáng đến trưa mà cháu bị tiêu chảy cả chục lần. Cháu chưa đi nhà trẻ nên chỉ ăn ở nhà. Thức ăn đảm bảo vệ sinh. Vợ chồng tôi lo lắng quá nên đưa cháu đến bệnh viện để khám”, chị Chiều tâm sự.
Hiện, các bác sỹ đã cho cháu Nguyễn Đình Lộc làm các xét nghiệm vi sinh. “Hàng ngày, cháu vốn hiếu động, chạy nhảy chơi đùa nhiều nhưng hôm nay thì mệt mỏi không thiết gì”, vừa ngân ngấn nước mắt, chị Chiều vừa kể chuyện.
Trẻ dễ mắc các bệnh như tay chân miệng, tiêu chảy và hô hấp trong những ngày nắng nóng. |
Ngay cạnh đó, vợ chồng chị Lê Thị Hà, trú tại phố Chùa Láng, quận Đống Đa bế cậu con trai 34 tháng tuổi đang chờ đến lượt vào khám bệnh. 2 ngày vừa qua, cháu Nguyễn Văn Minh - con trai chị Hà có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc, lười ăn. Tưởng trời nắng nóng con mệt mỏi bình thường nên chị Hà không để ý.
Thế nhưng, đến ngày hôm sau, cháu Minh bị sốt cao liên tục li bì không cắt được cơn sốt và kèm theo các nốt mụn nước li ti mọc ở lòng bàn tay, bàn chân và lan cả khoang miệng. Chị Hà cho biết: “Tôi đã được nghe đài báo nói về bệnh tay chân miệng. Thấy con có các biểu hiện giống với bệnh này nên tôi đưa cháu vào bệnh viện khám luôn để phòng ngừa biến chứng”.
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân, phụ trách Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn thì vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm là thời điểm bước vào hè với những đợt nắng nóng kéo dài. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhân, chủ yếu thuộc lứa tuổi từ hơn 6 tháng đến 3 tuổi. Chỉ tiêu giường bệnh của khoa là 40, tuy nhiên số bệnh nhân nhập viện điều trị ngày 23-5 đã lên đến hơn 85 bệnh nhân.
Theo ghi nhận, bệnh nhân tay chân miệng nhập viện vẫn chiếm số lượng lớn nhất trong các loại bệnh. Bệnh nhân bị nặng, chuyển độ nhanh. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân bị tay chân miệng từ mức 2A trở nên phải nhập viện để điều trị.
Biểu hiện của bệnh thông thường là sốt cao, rối loạn tiêu hóa, xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc ở lòng bàn chân, bàn tay và trong khoang miệng. Trong 2 ngày 22 và 23-5 vừa qua, khoa đã tiếp nhận 8 bệnh nhân bị tay chân miệng phải nhập viện thở ôxy.
Các bệnh nhân này có biểu hiện sốt cao, giật mình liên tục, mạch nhanh, thở nhanh đề phòng các biến chứng vào tim mạch và thần kinh. Các bác sỹ đã bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Để phòng bệnh tay chân miệng, người lớn đảm bảo vệ sinh tốt cho trẻ.
Loại bệnh chiếm số lượng lớn thứ hai là bệnh về đường tiêu hóa. Thông thường bệnh này kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3. Tuy nhiên, năm nay, trong tháng 5, khoa vẫn tiếp nhận các bệnh nhân bị các bệnh về đường tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn từ thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Ths, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân, những bệnh nhi bị tiêu chảy 10 lần/ngày, nôn ói thức ăn, ăn uống kém phải cho nhập viện điều trị. Đối với các bệnh nhi bị tiêu chảy dưới 5 lần, các bác sỹ có thể xử lý tại phòng khám. Người lớn và trẻ nhỏ cần vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay khi chế biến cũng như khi ăn, sử dụng thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Loại bệnh chiếm số lượng lớn thứ ba trong những ngày hè là bệnh về đường hô hấp như viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi… Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân lưu ý, vào mùa hè, hầu hết các gia đình đều sử dụng điều hòa.
Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đến việc chênh lệch nhiệt độ giữa phòng điều hòa và bên ngoài, giữ ấm cho trẻ khi sử dụng điều hòa. Không cho trẻ uống đồ lạnh, nằm điều hòa chĩa thẳng vào mặt, vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân vui mừng cho biết, nhờ công tác tiêm chủng quốc gia được triển khai tốt nên tháng 5 năm nay, bệnh viêm não đã được khống chế, số lượng bệnh nhân ít hơn mọi năm.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, một trong những bệnh thường gặp trong ngày hè ở trẻ nhỏ là viêm ống tai ngoài. Nguyên nhân là do trẻ đi bơi nhiều nhưng công tác vệ sinh nước ở một số bể bơi chưa tốt nên trẻ bị đau tai, sốt, quấy khóc, rỉ nước. Để trẻ tránh bị viêm ống tai ngoài, khi đi bơi cần có nút tai chuyên dụng. Hoặc nếu bơi xong phải vệ sinh tai bằng nước muối sinh lý 0,9% hay thấm bông lau sạch. |