Gia cảnh khó khăn của ba công nhân thiệt mạng sau vụ cháy tại Công ty CP Thép Hòa Phát

Thứ Bảy, 12/05/2018, 07:48
Bị bỏng 100% trong vụ cháy, ba trong số bốn nạn nhân bị tai nạn lao động trong vụ cháy tại lò thổi số 2 nhà máy luyện thép Công ty CP Thép Hòa Phát, ở xã Hiệp Sơn, Kinh Môn (Hải Dương) đã tử vong. Chứng kiến cảnh những đứa trẻ thơ dại đeo vành khăn trắng trong đám tang của ba công nhân xấu số, ai cũng thấy nghẹn lòng. 


Đã 2 ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ cháy tại Công ty CP Thép Hòa Phát nhưng người dân Kinh Môn vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước đó, khoảng 9h30 ngày 7-5 xảy ra sự cố cháy các vỏ bao chứa nguyên vật liệu trong lò thổi số 2 nhà máy luyện thép thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát ở xã Hiệp Sơn.

4 công nhân bị bỏng nặng gồm các anh: Hứa Văn Tâm (sinh năm 1966, ở xã Kim Lương, Kim Thành); Nguyễn Văn Tưởng (49 tuổi, ở Tràng An, Đông Triều, Quảng Ninh); Bùi Văn Tung (33 tuổi, ở xã Thăng Long, Kinh Môn) và Vũ Văn Tuyền (32 tuổi, ở xã Hiến Thành, Kinh Môn). Trong số này, chỉ có anh Tuyền là may mắn sống sót, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.

Theo báo cáo ban đầu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, thời điểm xảy ra vụ cháy, Công ty CP Thép Hòa Phát sửa chữa tại vị trí lò thổi 2 của nhà máy luyện thép.

Doanh nghiệp có sử dụng khoảng 60 bao bột an cơ FC01 (bột chịu lửa để đầm các khe hở đáy lò) và dùng 2 máy đầm rung bằng khí nén để đầm. Đến khoảng 9h30 cùng ngày, khi 4 công nhân trên đang sửa chữa bên trong lò thì xảy ra cháy các vỏ bao chứa nguyên vật liệu trong lò thổi số 2 làm 4 công nhân bị bỏng nặng.

Chị Xuyến kể lại sự việc.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp đã tổ chức sơ, cấp cứu và chuyển 4 nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn, sau đó chuyển lên Viện Bỏng quốc gia cấp cứu. Tuy nhiên, do bị bỏng toàn thân (100% diện tích cơ thể), bỏng sâu độ 3-4, bỏng hô hấp nặng mà theo các bác sỹ là không thể cứu chữa nên đến 18h30 cùng ngày, anh Nguyễn Văn Tưởng tử vong. Hai nạn nhân Bùi Văn Tung và Hứa Văn Tâm được gia đình đưa về quê và tử vong sau đó khoảng vài giờ.

Nạn nhân duy nhất còn sống sót là anh Vũ Văn Tuyền đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia với vết bỏng chiếm 41% diện tích cơ thể, trong đó có 30% bỏng sâu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết 3 công nhân thiệt mạng đều là lao động chính trong gia đình, có mẹ già và các con nhỏ. Đáng thương nhất là anh Tung, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, đến lúc lập gia đình thì vợ ốm yếu quanh năm. Anh Tung mất đi, bỏ lại hai đứa con còn rất nhỏ cho người vợ ốm yếu.

Một đồng nghiệp của anh Tung cho biết: "Khi biết tin anh ấy thiệt mạng, chúng tôi ai cũng thấy tội nghiệp. Anh ấy khổ từ nhỏ, bố mẹ mất sớm, gia đình rất khó khăn. Anh ấy mất rồi, không biết người vợ ốm yếu sẽ xoay xở làm sao với hai đứa con một lên 8 và một cháu mới 5 tuổi". Anh Vũ Văn Tuyền tuy may mắn giữ được mạng sống cũng bị bỏng tới 41% cơ thể, trong đó 30% bỏng sâu ở thân và tứ chi.

Có mặt tại Viện Bỏng quốc gia để chăm sóc chồng, chị Xuyến (vợ anh Tuyền) cho biết, sau khi nghe tin chồng gặp nạn, chị vay mượn được chút tiền rồi tức tốc bắt xe lên Hà Nội. Đứa con nhỏ 14 tháng tuổi, chưa cai sữa phải nhờ ông bà ngoại trông nom.

Được biết, chị Xuyến cũng là công nhân khu công nghiệp, do lương thấp nên chị thường phải làm tăng ca song thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng (lương anh Tuyền 6,5 triệu/tháng) cũng phải chi tiêu tằn tiện mới đủ lo cho hai đứa con nhỏ. Gặp chồng ở bệnh viện trong tình trạng toàn thân băng bó, nói năng cử động đều khó khăn, chị Xuyến không khỏi xót xa.

"Giờ con nhỏ ở nhà đang khóc đòi mẹ, tôi xót ruột lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm sao", chị tâm sự. Nghĩ đến chuỗi ngày dài phải túc trực ở bệnh viện, công việc bị gián đoạn, con cái vắng bố mẹ, mắt chị lại ngấn nước.

Xuân Mai
.
.
.