Gánh nặng từ hủ tục thách cưới ở Tây Nguyên

Thứ Sáu, 16/01/2015, 10:53
Với bà con dân tộc MNông, Êđê, Mông ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), hủ tục thách cưới đã tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Hủ tục này đang làm nảy sinh nhiều hệ lụy khiến cho cuộc sống vốn đã khó khăn của bà con thêm gánh nặng, nhất là đối với các đôi bạn trẻ muốn lập gia đình…

Gặp và yêu nhau khi đang học tại Trường Cao đẳng Hải Dương, đến ngày quyết định cưới, chị HHòa Niê (25 tuổi, trú tại buôn Khanh, xã Cư Pui) lo lắng khi nghĩ đến các lễ vật mà gia đình chị phải đưa cho nhà trai. Nhà nghèo lại đông anh em, để có tiền đi học, bố mẹ chị đã phải vay mượn đủ đường, giờ thêm khoản thách cưới khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn.

Theo phong tục của người Mnông trong buôn, để lấy được chồng, người con gái phải chuẩn bị đầy đủ các sính lễ mà nhà trai yêu cầu. Thông thường, lễ vật phải có trâu, bò, lợn, gà, chăn màn, gối, vải vóc… và tiền mặt, tổng cộng ngót nghét 100 triệu đồng. Trước khi lễ cưới diễn ra, chị HHòa sang nhà chồng làm dâu. Thời gian này, gia đình chị ở nhà chuẩn bị 2 con bò, 2 con heo, gà vịt và 20 triệu đồng theo yêu cầu của nhà chồng. Vì không có tiền, bố mẹ chị buộc phải đi vay tiền nóng với lãi suất 4%/tháng. “Bây giờ, cưới nhau đã được 1 tháng nhưng mình vẫn lo lắng vì gia đình ngập trong nợ nần. Chồng mình mới xin dạy hợp đồng ở trường tiểu học trong xã, mình ở nhà bán tạp hóa. Cuộc sống khó khăn thế này không biết khi nào mới trả hết nợ?”, chị HHòa tâm sự.

Trong khi đó, chị HYuăn Niê (21 tuổi, em gái chị HHòa) cũng đang lo phát sốt vì chuẩn bị lấy chồng. Nhà chồng thuộc diện khá giả, nhưng do tập tục truyền thống vẫn phải ra lễ vật thách cưới với gia đình chị. Khoản nợ cưới chị gái chưa trả hết, giờ lại chuẩn bị tiền để mua sắm lễ vật khiến gia đình chị lao đao nhưng đành bất lực vì không thể chống lại cái phong tục đã in sâu trong tiềm thức, cách nghĩ qua nhiều thế hệ của người dân nơi đây.

Ông Y Som Byắ, Trưởng buôn Khanh cho biết, toàn buôn có 178 hộ thì có tới 26 hộ nghèo. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong cưới hỏi, nhà gái vẫn phải chuẩn bị lễ vật do nhà trai thách cưới. Nếu trường hợp nhà gái quá nghèo, nhà trai sẽ cho “nợ” một phần lễ vật và trả dần tùy theo thỏa thuận giữa 2 bên. “Do khi lấy vợ người con trai sẽ về nhà vợ ở rể, nhà trai mất đi 1 sức lao động nên đưa ra lễ vật thách cưới coi như bù lại. Trường hợp gia đình khá giả thì còn đỡ, chứ gặp nhà gái nào nghèo thì việc thách cưới quả thật là gánh nặng”, ông Y Som thừa nhận.

Chị em nhà HHòa Niê vẫn chưa hết lo lắng vì khoản nợ vay mượn để làm lễ vật khi lấy chồng.

Tuy chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng đồng bào Mông ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vẫn duy trì tập tục thách cưới. Ngược với người MNông, quyền thách cưới của người Mông lại thuộc về nhà gái. Theo chị Thào Thị Vy, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn thì gia đình nào gả con gái càng sớm thì lễ vật thách cưới sẽ đòi được cao. Do đó, con gái mới 13, 14 tuổi gia đình đã tất bật chuẩn bị cưới hỏi, còn con gái khi đã 18, 19 tuổi thì tiền thách cưới không được là bao. Nhiều đứa trẻ mới 14, 15 tuổi đã trở thành bố, mẹ với sự mơ hồ về đời sống vợ chồng. Theo quan niệm từ lâu đời của người Mông, phụ nữ luôn là lao động chính trong gia đình và nhà nào càng có đông người làm có nghĩa là sẽ có nhiều của ăn, của để. Chính từ suy nghĩ đó, họ đều muốn con trai mình lấy vợ sớm và sinh nhiều con để có thêm lao động. Làm vợ, làm mẹ sớm lại không được học hành nhiều nên phụ nữ Mông thường không biết cách nuôi dạy con và chăm sóc sức khỏe cho mình. Thất học, đói nghèo, tảo hôn, đẻ nhiều bao trùm cuộc sống.

Hủ tục thách cưới đã đè nặng nhưng để xóa bỏ các tập tục này là điều không hề dễ dàng. Chị HKíp Niê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Pui cho biết: “Thách cưới không hề có mặt tích cực nào, chỉ đem lại nợ nần và tạo gánh nặng cho bà con. Chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền cho bà con bỏ hủ tục này nhưng vẫn không có chuyển biến gì. Đành bất lực trước tập tục truyền thống nhưng tiêu cực này”.

Thanh niên trong xã Cư Pui có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp khá nhiều. Họ nhận thức được những mặt tiêu cực của tục thách cưới. Nhưng để chống lại hủ tục này thì không ai dám, bởi đó là truyền thống.

Trao đổi, bà Linh Nga Niê KĐăm, Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng: “Thách cưới tồn tại từ rất lâu đời trong đời sống của bà con dân tộc. Mặc dù thách cưới không có nét đẹp gì nhưng quá khó thể xóa bỏ nó. Theo tôi được biết, có chị người dân tộc Êđê làm trong đài truyền hình tỉnh, cưới chồng đã mấy năm nhưng đến giờ vẫn chưa trả hết tiền thách cưới, còn nợ nhà chồng mấy chỉ vàng. Người có hiểu biết cao còn phải tuân thủ như thế thì xóa bỏ là điều quá khó”, bà Linh Nga nói.

Văn Thành
.
.
.