Du lịch nông nghiệp giúp nông dân cải thiện thu nhập
Thực phẩm tươi ngon, trái cây nhiều là một lợi thế khác. Bên cạnh đó, phong cảnh đồng lúa, làng quê, chợ nổi; đặc sản OCOP… rất phù hợp cho các tour trải nghiệm nông nghiệp...
Nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, tỉnh Cà Mau đã thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đến với du khách trong và ngoài nước, trong đó có sự kiện “Hương rừng U Minh”. Hiện nay, đất rừng U Minh Hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt khu vực châu thổ Cửu Long.
Đặc biệt, nơi đây còn có nghề truyền thống gác kèo ong, gắn liền với thương hiệu mật ong U Minh Hạ được người dân cả nước biết đến. Anh Phạm Duy Thanh (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), cho biết, khi đến khu vực rừng tràm, điều làm du khách thích thú nhất là đi ăn ong lấy mật. Nghề gác kèo ong là nghề truyền thống gia đình.
Trước khi phát triển thành sản phẩm du lịch thì đây là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình anh Thanh. “Được giới thiệu đến bạn bè khắp nơi nghề truyền thống đặc biệt của quê hương là một niềm hạnh phúc lớn lao với chúng tôi”, anh Thanh cho biết.
Thông qua các hoạt động trong sự kiện “Hương rừng U Minh”, Cà Mau mong muốn giúp du khách trải nghiệm, khám phá những sản vật phong phú của vùng đất U Minh Hạ. Qua đó, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện U Minh thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch, ẩm thực, thương mại.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh…
Du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động gác kèo ong tại rừng U Minh Hạ (Cà Mau). |
Trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh nông nghiệp của các địa phương, Bạc Liêu cũng tìm nguồn lực để khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách có thể tham quan, trải nghiệm như tham quan vườn nhãn Bạc Liêu là một ví dụ điển hình.
Nằm cách trung tâm TP Bạc Liêu 6km, trải dài gần 7km theo tuyến đường ven biển từ phường Nhà Mát đến xã Vĩnh Trạch Đông với diện tích trên 50 ha. Điểm nổi bật nơi đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi.
Thêm vào đó là một khung cảnh đồng quê đặc trưng cho nông thôn vùng châu thổ Cửu Long tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng, như: nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực…
Hiện, khu vực vườn nhãn Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch ở khu du lịch giồng nhãn với trên 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Hay du lịch tham quan gắn dải rừng ngập mặn, sinh thái nông, ngư nghiệp kết hợp với tham quan điện gió cũng được tỉnh Bạc Liêu chú ý phát triển.
Do đặc điểm tự nhiên, biển của Bạc Liêu không có các bãi tắm tự nhiên, song có những nét độc đáo của hệ sinh thái ngập mặn như cảnh quan rừng ngập mặn với kênh rạch chằng chịt, hệ thống các trang trại, các khu nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt các dự án điện gió khu vực ven biển…
Những khu vực này có thể khai thác phát triển du lịch theo hình thức khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với sinh thái nông nghiệp, tham quan điện gió, trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của cư dân ven biển như: Câu cá, đổ đó, bắt tôm hoặc bắt nghêu…
Gần đây, tỉnh Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương có sự bứt phá nhanh về phát triển du lịch. Mặc dù không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, song với lợi thế về nông nghiệp, sự nhiệt thành của người dân tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cách làm hay trong “giữ chân” du khách khi đến đất sen hồng.
Là một tỉnh thuần nông, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế mũi nhọn giúp tỉnh Ðồng Tháp đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhiều nông dân đã chuyển hướng phát triển sản xuất nông nghiệp đi kèm với khai thác du lịch.
Mô hình kinh tế mới không những giúp nông dân tỉnh Ðồng Tháp cải thiện được thu nhập mà tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân cũng được nâng lên rất nhiều.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ðồng Tháp, thời gian qua mô hình du lịch nông nghiệp đã giúp nông dân tỉnh Ðồng Tháp cải thiện được thu nhập cao gấp nhiều lần, một bộ phận nông dân tỉnh Ðồng Tháp đang từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.
Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 các điểm tham quan vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã đón tiếp trên 150.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu đạt trên 43 tỉ đồng.
Ðây là một minh chứng rõ ràng cho thấy phát triển du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới triển vọng giúp tỉnh Ðồng Tháp nối dài chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp cũng bày tỏ, họ phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, lòng tự hào với quê hương. Khi làm du lịch bên cạnh sản xuất nông nghiệp, cái họ nhận không chỉ là lợi nhuận ngay lập tức mà còn là những thông tin bổ ích qua tiếp xúc với khách du lịch...
Du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động gác kèo ong tại rừng U Minh Hạ (Cà Mau). |
Một trong những nơi có nhiều điểm du lịch nông nghiệp khi đến TP Cần Thơ là huyện Phong Điền. Nơi đây không chỉ có Làng du lịch Mỹ Khánh với nhiều trò chơi, món ăn hấp dẫn mà còn nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, tập trung ở các ấp: Mỹ Hoà, Mỹ Nhơn và Mỹ Ái (xã Mỹ Khánh). Chủ vườn trái cây Hoàng Anh là của nông dân Võ Hoàng Thanh.
Từng mở quán bán đồ ăn, thức uống cho người dân trong xóm, 7 năm trước, vợ chồng ông Thanh mạnh dạn đầu tư vườn, đào ao nuôi cá và hình thành khu sinh thái phục vụ du khách. Vườn sinh thái này nằm cặp bờ kênh rộng 6.000m², trồng đủ loại cây ăn trái, như: Bưởi da xanh, thanh long, khóm (dứa), đu đủ, mãng cầu…
Cách đó không xa là khu vườn rộng 1,2ha được ông Lâm Thế Cương (ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh) trồng và duy trì vườn ca cao hơn 60 năm qua. Trong khu vườn, ông cất những căn nhà nhỏ để khách đến tham quan có thể nghỉ qua đêm…
Cần Thơ hiện có trên 32 điểm vườn du lịch và hàng chục hộ làm du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cư dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Mục tiêu phát triển du lịch của thành phố là làm sao cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giao lưu và trao đổi văn hóa, góp phần phát triển KT-XH…
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, phát triển du lịch cộng đồng tại Cần Thơ sẽ không đi theo mô hình chung mà tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc trưng mỗi địa phương để xây dựng mô hình phù hợp.
Trong đó, phải xác định rõ chủ thể hoạt động du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương, bản sắc văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi. “Chúng tôi sẽ khảo sát và định vị lại những khu vực tiềm năng về du lịch cộng đồng, từ đó sẽ có đề xuất xây dựng đề án du lịch phát triển cộng đồng cho Cần Thơ”, ông Tùng cho hay.