Đẩy mạnh tuyên truyền về thủ tục lấy chồng ngoại để tránh rủi ro

Thứ Hai, 01/05/2017, 10:17
Hiện nay, hàng chục nghìn cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, chiếm một tỉ lệ đáng kể trong số các cô dâu ngoại sinh sống tại xứ sở Kim Chi. Trong một thế giới mở, việc các cô dâu người Việt kết hôn với người nước ngoài là chuyện bình thường. Song có nhiều cuộc hôn nhân không có hạnh phúc.

Vậy phải làm gì để hạn chế những rủi ro trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài? Xiết chặt các thủ tục quản lý hay thả lỏng theo xu thế cải cách hành chính? Câu trả lời vẫn là làm sao phải thay đổi được nhận thức từ chính những cô gái trẻ, muốn  chọn hôn nhân làm cứu cánh để xuất ngoại, đổi đời…

Hiện nay, dân số Hàn Quốc  khoảng hơn 50 triệu người, tỷ lệ người trẻ chiếm khoảng 20%. Cũng giống như một số nước châu Á, Hàn Quốc đang rơi vào thời kỳ mất cân bằng giới tính.

Thêm vào đó, phụ nữ Hàn Quốc ngày nay đặt ra những tiêu chuẩn khá cao đối với người chồng tương lai. Nếu một người đàn ông chỉ tốt nghiệp cấp 3, sống cùng bố, mẹ; thu nhập thấp thì rất khó lấy vợ. Nếu là đàn ông nông thôn, đã chững tuổi thì việc tiếp cận các cô gái trẻ cũng rất khó khăn.

Đặc biệt, với những người đàn ông  khuyết tật thì cánh cửa hôn nhân gần như đóng lại. Trong khi đó, cũng giống như Việt Nam, các gia đình Hàn Quốc luôn đặt nặng yêu cầu đối với con cái trong trong việc kết hôn, sinh con…

Để giải quyết nhu cầu hôn nhân cho một bộ phận đàn ông Hàn Quốc, các trung tâm môi giới ở nước này phát triển khá mạnh, các biển quảng cáo tìm vợ là người nước ngoài nhìn thấy ở nhiều nơi trên đất nước Hàn Quốc. Nhiều chính quyền địa phương, nơi đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm đã tài trợ các tour du lịch hôn nhân lên tới 10.000 USD/người. Đối tượng mà những người đàn ông "ế vợ" Hàn Quốc nhắm tới là các cô gái sinh sống tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Về phía các cô gái Việt Nam, đa số xuất thân từ những gia đình nghèo tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, nhiều nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, mỗi năm, ở khu vực phía Nam có khoảng hàng nghìn trường hợp các cô gái Việt kết hôn với người nước ngoài. Nhiều cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu mà vì mục đích kinh tế. Có trường hợp, các cô gái trở thành nạn nhân của đường dây môi giới hôn nhân trái phép.

Các đường dây này với nhiều chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo những cô gái nhẹ dạ, muốn được xuất ngoại, đổi đời. Về phía gia đình cô dâu, tâm lý chung là mong muốn con mình lấy chồng nước ngoài sẽ sung sướng hơn ở Việt Nam...

Hãy tìm đến hôn nhân bằng tình yêu, chứ đừng tin vào những lời "mật ngọt" thông qua môi giới. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về văn hóa, pháp luật nước bạn; một số trường hợp ảo tưởng về cuộc sống phù hoa khi lấy chồng là người nước ngoài đã phải đối mặt với sự thật, phải lao động vất vả; va chạm mẹ chồng con dâu. Có những cô gái Việt Nam khi sang Hàn Quốc mới biết chồng mình là người không như mong muốn, thậm chí  bị khuyết tật, trở thành người giúp việc không công cho gia đình chồng.

Đã có nhiều bi kịch xảy ra, trường hợp chị Nguyễn Thị P, sống tại tỉnh Gyeongsangbuk, bị chồng là ông Lee Cheong Su sát hại tại nhà riêng. Bi kịch hơn là trường hợp cô Tạ Thị S, quê ở An Giang, lấy phải người chồng vũ phu, tưởng đã thoát thân, trở về Việt Nam. Nhưng đối tượng Lee Sang Jin không buông tha.

Lee Sang Jin sang Việt Nam, tìm về quê của chị S để sát hại mẹ chị trả thù. Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt đối tượng này 14 năm tù giam. Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức xã hội tại nước bạn cũng rất quan tâm, chăm sóc, có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, giao lưu tình cảm giữa các cô dâu Việt tại xứ Hàn để nâng cao nhận thức, thắt chặt tình cảm, làm vơi đi nỗi cô đơn, nhớ nhà của các nàng dâu Việt. Tuy nhiên, những trường hợp đổ vỡ trong hôn nhân, thậm chí bị ngược đãi, sát hại như dẫn chứng ở trên vẫn xảy ra...

Hôn nhân là sự tự nguyện giữa người nam và người nữ, bất kể tuổi tác, quốc tịch, màu da… Tuy nhiên, trước thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực, nhằm tránh những biến tướng trong việc kết hôn với người nước ngoài, đồng thời, góp phần hạn chế những lệch lạc trong hôn nhân, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ khi làm dâu tại nước ngoài, pháp luật qui định, khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, yêu cầu hai bên nam nữ phải có mặt để trả lời phỏng vấn.

Mục đích là để cô dâu và chú rể nhất thiết phải biết mặt nhau trước khi kết hôn, qua phỏng vấn cũng giúp cô dâu có thêm thông tin về người chồng của mình. Tuy nhiên, nhằm "né" trình tự này, 95% các trường hợp kết hôn, cô dâu người Việt đã gửi hồ sơ cá nhân sang Hàn Quốc làm thủ tục đăng ký mà không cần phải gặp mặt người chồng tương lai. Vì pháp luật Hàn Quốc không yêu cầu khi kết hôn phải hiện diện cả cô dâu, chú rể.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều trường hợp cô dâu Việt khi sang Hàn Quốc mới "ngã ngửa" về người chồng của mình, lúc này hối hận thì cũng rất khó có cơ hội để sửa, đành chấp nhận hôn nhân bất hạnh. Từ khi Luật Hộ tịch mới có hiệu lực, có ý kiến đánh giá, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài quá nới lỏng.

Theo đó, đăng ký kết hôn với người nước ngoài không cần lên Sở Tư pháp, chỉ cần thực hiện tại UBND cấp huyện, thủ tục phỏng vấn đối với các bên cũng được bãi bỏ. Thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn chỉ còn 15 ngày, giảm một nửa so với trước đây.

Theo chúng tôi, việc thông thoáng trong thủ tục hành chính khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài là cần thiết. Song, cần có giải pháp tuyên truyền mạnh mẽ nhắm tới đối tượng phụ nữ và gia đình họ, sinh sống ở những nơi có trào lưu xuất ngoại lấy chồng Hàn Quốc, để họ nhận thức được hôn nhân xuất phát từ tình yêu và hạnh phúc; chứ không nên lấy hôn nhân làm mục đích kinh tế...

Đào Minh Khoa
.
.
.