Đà Nẵng mở lối xuống biển, hoàn thiện các bãi tắm công cộng
Đà Nẵng có bờ biển dài với nhiều bãi tắm hoang sơ, quyến rũ nằm trên vệt dài từ bán đảo Sơn Trà vào tiếp giáp với khu vực biển thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do quá trình phát triển “nóng” các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà thời gian qua, nhiều khu “đất vàng” bên bờ biển đã “rơi vào tay” các nhà đầu tư và rất nhiều resort nghỉ dưỡng ven biển cũng đã được xây dựng “cát cứ” liền kề, “kín cổng cao tường” khiến cho người dân và du khách bị bít lối xuống biển. Điều này đã gây bức xúc cho người dân TP Đà Nẵng...
Để giải quyết căn cơ tình trạng trên, mới đây, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư xây dựng các dự án mở lối xuống biển cho người dân. Theo đó, các con đường xuống biển đã được quy hoạch và triển khai rất bài bản. Cụ thể là vị trí giữa 2 khách sạn Furama và quần thể du lịch Ariyana sẽ được đầu tư 2,1 tỷ đồng để tạo 1 con đường dẫn ra bãi biển với diện tích được quy hoạch gần 13.000m2 kết hợp với cảnh quan cây xanh.
UBND TP Đà Nẵng giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng chịu trách nhiệm quản lý, triển khai thực hiện dự án này. Cùng với đó, đoạn cuối đường Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn cũng được mở lối xuống biển có lộ giới khoảng 15m, bố trí vệt cây xanh hai bên đường, ranh giới với Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise…
Đi đôi với việc mở lối xuống biển, TP Đà Nẵng còn tập trung hoàn thiện các bãi tắm công cộng để phục vụ người dân và du khách. Riêng đối với các lối xuống biển và bãi tắm trên địa bàn quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu, chính quyền TP Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 6 bãi tắm công cộng, trong đó đã hoạt động 4 bãi gồm bãi tắm Thanh Khê, Liên Chiểu, Nam Xuân Thiều và Hợp tác xã Hòa Hiệp 5.
Ngoài ra, còn có bãi tắm Phú Lộc đã được duyệt quy hoạch, bãi tắm Bắc Xuân Thiều và mở rộng bãi tắm Liên Chiểu đang nghiên cứu quy hoạch. Đối với bãi tắm, đường xuống biển và lối đi công cộng dọc bờ biển trước Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch dự án phù hợp với thực tế.
Các lối xuống biển ở khu vực này, lãnh đạo thành phố thống nhất tổ chức 3 lối xuống biển và làm công viên - quảng trường phục vụ công cộng tại vị trí đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
Các lối xuống biển và hình thành các bãi tắm công cộng ven biển Đà Nẵng sẽ được quy hoạch mở rộng với quy mô lớn hơn. |
Đối với vệt ven biển từ Non Nước vào đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định đầu tư xây dựng hàng loạt bãi tắm công cộng. Điển hình bãi tắm khu vực phía Bắc Khu du lịch Sao Việt Non Nước (giai đoạn 3), thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng làm chủ đầu tư và điều hành sẽ mở rộng bãi tắm này lên quy mô 4.299m2, với tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng còn phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bãi tắm công cộng tại phía Bắc khu du lịch biển Marble Mountain (giai đoạn 3) thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, do UBND TP làm chủ đầu tư, mở rộng bãi tắm hiện có lên quy mô 10.056m2, với tổng vốn hơn 11,1 tỷ đồng từ ngân sách, v.v…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, về vấn đề mở lối xuống biển cho người dân và thu hồi đất xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng tại khu vực biển phía Đông TP Đà Nẵng, vừa qua, Đảng đoàn HĐND thành phố đã có công văn đề nghị Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có ý kiến với Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, liên quan đến lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, lối xuống biển khu vực giữa dự án khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana, giao các đơn vị liên quan kiểm tra các thủ tục pháp lý để thu hồi dự án, thu hồi đất, đền bù, thi công xây dựng; làm việc với chủ đầu tư để tạo sự đồng thuận, triển khai các bước đầu tư xây dựng song song nhưng đảm bảo đúng quy định, hoàn thành dự án trước ngày 30-12-2018.
Về quy hoạch khu công viên đối diện đường Huyền Trân Công Chúa, quy hoạch công viên công cộng (thu hồi Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu), quy hoạch bãi tắm kết hợp công viên công cộng phía Bắc dự án khu du lịch ven biển của Công ty DAP, quy hoạch khu vực bãi tắm Non Nước, giao các đơn vị liên quan kiểm tra các thủ tục pháp lý để thu hồi đất và triển khai các bước đầu tư xây dựng theo đúng quy định, hoàn thành trong năm 2019.
Đặc biệt, liên quan tuyến đường ven biển phía Đông các khu du lịch trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Đảng đoàn HĐND thành phố đề nghị xem xét đây là dự án phát triển kinh tế, du lịch, chứ không dừng lại chỉ là một tuyến đường di dạo…