“Cô hồn sống” gây náo loạn trong tháng “cô hồn”

Thứ Sáu, 08/09/2017, 09:52
Đến hẹn lại lên, vào những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều tốp thanh niên chuẩn bị dụng cụ như vợt, nón túa ra đường, chầu chực tại các tiệm buôn bán lớn nơi người dân bày biện lễ vật cúng “cô hồn” để giành giật tiền cúng.


Ngoài việc cẩn trọng với “cô hồn sống” gây náo loạn đường phố, trong những ngày này, việc thắp nhang, đốt giấy tiền vàng bạc của các hộ dân cũng diễn ra thường xuyên hơn. Do vậy, nếu lơ lờ, “bà hỏa” ghé thăm, hậu quả khó lường…

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch là tháng… ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng 7 - ngày mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, ngày “xá tội vong nhân”. Tháng 7 âm lịch nôm na gọi là “tháng cô hồn”.

Trong tháng này, người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh buôn bán thường bày lễ vật thịnh soạn cúng, mong “cô hồn” đừng quấy nhiễu. Mâm lễ vật ngày xưa chỉ mía, cóc ổi, đậu phộng luộc, xôi chè, bánh kẹo, chái trắng, giấy tiền vàng bạc và khi cúng xong, gia chủ muốn người khác giành giật đồ cúng của mình với quan niệm “phải có người đến giật mới hên”. 

Ngày nay, mâm cúng của những nhà khá giả có thêm gà vịt quay, heo quay và cúng thêm cả tiền thật để thu hút “cô hồn sống” đến giành giật để mong muốn một năm làm ăn thuận lợi, hên nhiều hơn xui. Có lẽ mâm lễ cúng cơ hồn có giá trị nên từ đó mới xuất hiện những nhóm “cô hồn sống” hành nghề chuyên nghiệp trong những ngày tháng 7 âm lịch…

Hình ảnh “cô hồn” sống giành giật tiền cúng trong tháng cô hồn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Bởi vậy nhiều năm qua rất nhiều nhóm thanh niên canh những ngày tháng 7 và rầm rộ đi giật đồ cúng “cô hồn”. Cảnh tranh giành lễ vật, nhất là tiền lẽ giữa các nhóm “cô hồn sống” dẫn đến việc đánh nhau và từng có án mạng xảy ra giữa các nhóm thanh niên. Bởi vì vậy, nhiều gia đình phải thuê người canh lễ vật và nhờ bảo vệ dân phố xuống nhà canh chừng dùm. Khu vực cúng “cô hồn” rầm rộ nhất là khu vực Chợ Lớn, nơi người Hoa buôn bán và sinh sống. 

Chiều rằm tháng 7, cả chục nhóm “cô hồn sống” với cả trăm người đã vây quanh hiệu thuốc Phùng Hưng Hãn (vòng xoay Phùng Hưng - Trần Hưng Đạo, quận 5) chọn vị trí đẹp để giật đồ cúng “cô hồn”. Các đội quân “cô hồn sống” chuẩn bị hàng chục cây vợt được may từ vải mùng gắn lên cây sào dài để hứng tiền. 

Sau khi cúng xong, những người trong hiệu thuốc lên lầu rãi tiền thật xuống đất (mệnh giá từ 1.000 - 20.000đ). Phía bên dưới, hàng chục cây vợt đưa qua đưa lại hứng tiền, số còn lại cố đẩy nhau tranh giành tiền dưới mặt đường. Đến khi Công an phường có mặt trật tự mới vãn hồi, nhiều nhóm “cô hồn sống” hả hê với chiến lợi phẩm của mình rồi hò hét lên xe kéo nhau đến điểm cúng khác hành nghề. 

Một chủ tiệm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 cho hay, sáng rằm tháng 7 gia đình định cúng sớm để ít người biết nhưng chẳng hiểu sao nhóm “cô hồn sống” vẫn “đánh hơi” được và tìm đến. Không chỉ giành giật tiền cúng mà ngay lễ vật cũng bị nhóm “cô hồn sống” này “cướp” mất.

Những ngày này, tại các tuyến đường ở khu Chợ Lớn người dân thường xuyên chứng kiến những nhóm “cô hồn sống” vác sào, vợt lao xe gắn máy thành từng đoàn nghênh ngang ngoài đường. 

Chị Tuệ, kinh doanh ở Chợ Lớn cho hay: “Chúng cử một vài đứa dạo quanh các tuyến đường. Thấy nhà nào bày mâm cúng hoành tráng là lấy điện thoại ra gọi. Chỉ vài phút sau là cả nhóm hàng chục đứa kéo tới. Có những nhà chỉ cúng trái cây, không cúng tiền nên khi đến nơi chúng hỏi thẳng “có cúng tiền không?”, gia chủ trả lời không là cả nhóm chửi đồng rồi rồ ga bỏ đi!”

Cúng “cô hồn” trong tháng 7 âm lịch là tục của nhiều gia đình, nhất là các gia đình kinh doanh buôn bán ở Nam Bộ. Nhưng việc cúng tiền thật thời gian gần đây khiến cho những buổi cúng “cô hồn” trong rằm tháng 7 trở thành điểm đến của những “cô hồn sống” khiến ANTT không được đảm bảo. 

Ngoài ra, việc cúng “cô hồn” nhiều người dân thường kèm theo thắp nhang đốt vàng mã khắp nơi, nhất là đốt vàng mã ngay khu vực bày hàng buôn bán, khu dân cư. Việc thắp nhang, đốt vàng mã như trên nếu không cẩn trọng sẽ dễ dẫn đến hỏa hoạn. Bởi vậy, trong những ngày này người dân nên đề phòng “cô hồn sống” và… “bà hỏa”.

Anh Thư
.
.
.