Chuyện về người “yêu bút” ở xứ Trầm Hương
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thừa Thiên - Huế, thời thơ ấu của Nguyễn Văn Xáng cũng như bao người cùng trang lứa với ông, phải sống thiếu thốn trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Trường học lại xa nên việc học tập của ông ngày đó gặp nhiều gian truân, trắc trở. Tưởng như con đường học chữ sẽ đứt gánh giữa chừng thì trong làng có một thầy giáo đã tình nguyện mở lớp dạy chữ cho trẻ nhỏ. Ông Xáng liền đăng ký tham gia lớp học. Món quà đầu tiên trong đời học sinh của cậu bé Xáng chính là cây bút lá tre cùng lọ mực tím rịm thầy giáo làng tặng.
Bác sĩ Xáng quan niệm, cây bút là sự thể hiện nét văn hóa ngôn ngữ, nó thay cho lời nói thể hiện kiến thức, tâm tư, tình cảm của mỗi người. Đồng thời, bút còn là một dụng cụ không thể thiếu trong công việc. Nó chuyển tải suy nghĩ, tư duy, ghi nhận lại sự sáng tạo của con người. Lưu giữ nét chữ, nết người của mỗi cá nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng nhận cúp kỷ lục Việt Nam. |
Trong bộ sưu tập của bác sĩ Xáng có đủ các thể loại bút. Từ những loại bút có gắn kim cương thật, mạ vàng ròng thật, bút sang trọng và đẳng cấp như Montblanc, Pilot, Parker... cho đến những loại dân giã bình thường... đều được chủ nhân yêu quý, nâng niu trìu mến ngang nhau. Trong đó phải kể đến cây bút Caro có tuổi đời già nhất trong bộ sưu tập ra đời năm 1942 tại Đức. Bác sĩ Xáng cho biết, thời đó nhà sản xuất chỉ cho ra đời có mấy chục cây, nên rất hiếm và quý. Bề ngoài bút được mạ bằng vàng, màu sắc vô cùng đẹp mắt.
Những cây bút mà bác sĩ Xáng sưu tầm không phải mua đại trà từ ngoài thị trường, mà có được từ những chuyến đi công tác, tham gia những hội thảo khoa học, hay chỉ là sự bắt gặp tình cờ. Với ông, mỗi cây bút đều mang lại ý nghĩa cùng những dấu mốc cuộc đời. Có thể chỉ là những cây bút về địa danh, tên khách sạn, hãng thuốc, khu du lịch... nhưng ông đều cảm nhận được hồn cốt và câu chuyện sinh tồn qua thời gian của nó.
Vòng đời lưu hành của bút không được dài. Thông thường thì nhà sản xuất sẽ luôn cải biến mẫu mã, công năng sao cho mới lạ và phù hợp với từng thời điểm. Có những cây bút chỉ ra đời trong một sự kiện nào đó, có gắn logo, biểu ngữ... rồi biến mất. Vì vậy, bác sĩ Xáng càng thấy rõ sứ mệnh mà mỗi cây bút khoác trên mình.
Ông tâm sự: “Sau mỗi sự kiện, người ta sẽ chẳng giữ lại ấn tượng tốt hay xấu, kỷ niệm vui hay buồn trong tiềm thức, rồi qua thời gian cũng sẽ quên bởi con người có quá nhiều việc phải nhớ trong cuộc đời. Còn tôi, mỗi lần ngắm một cây bút nào đó là một lần hoài niệm về sự kiện, mốc thời gian mình từng chứng kiến và trải nghiệm”.
Một trong những chiếc tủ đựng bút của bác sĩ Xáng. |
Đó là dịp sang Hồng Kông, bác sĩ Xáng vào một khu chợ bán đồ nữ để mua cho vợ một món quà làm kỷ niệm. Tự nhiên đi ngang một cửa hàng bán bút, trong đó có cây to nửa mét, nhìn vào là kích thích giác quan. Bác sĩ Xáng hỏi cái này có bán không? Chủ quán nói bán. Ông mừng quá mua ngay. Vì bút quá khổ nên không thể nhét vào hành lý, ông đành ôm trên tay ra tới sân bay.
Lần khác ông đi tới một lâu đài cổ ở Pháp có thấy một cây bút lông gà và hũ mực, ông hỏi mua ngay vì món đồ quá ý nghĩa. Rồi khi sang Hàn Quốc, tình cờ ông bắt gặp một gian hàng bán bút, trong đó có loại bút lá tre thời hiện đại với hai ngòi song hành, khả năng viết chữ to chữ nhỏ trong cùng lúc, ông thích thú, thế là mua.
Ngoài những cây bút đi mua, thì còn nhiều chiếc do bạn bè tặng hoặc do tình cờ ngẫu nhiên mà có. Bác sĩ Xáng nhớ mãi sự kiện tham dự một lễ ký hợp tác y tế giữa Việt Nam và Đài Loan, khi ký xong ông ghé tai nói nhỏ với vị đại diện bên đối tác: “Cho tôi xin cây bút của ông về làm bộ sưu tập”. Vị kia nghe xong cười rất tươi, gật đầu đồng ý. Vị này còn trân trọng gói lại rồi ký tên mình trên hộp.
Cứ thế, qua nhiều năm tháng, đến nay bác sĩ Xáng đã sở hữu trên 2.000 cây bút các loại.Tuy nhiên không phải đi tới đâu, thấy bút là mua, mà cách người sưu tầm chọn lựa mua bút cũng có cân nhắc, tính toán. Cái nào ông thấy cần thiết, tinh túy, thấy ý nghĩa trong bộ sưu tập thì mua và mua có tuyển chọn kỹ càng.
Bạn bè hiểu niềm đam mê của bác sĩ Xáng nên hễ thấy bút nào mới lạ độc đáo thường gửi tặng. Họ biết rằng, đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà ông mong muốn, sẵn sàng đón nhận và lưu giữ.
Ông kể: “Năm 2009, khi ông Barack Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ, tôi rất ấn tượng nghĩ ngay đến việc sưu tầm một cây bút có hình ông ấy. Tôi liên hệ với những người bạn ở Mỹ, chia sẻ mong muốn của mình. Chỉ vài tháng sau, họ đã tìm mua được và gửi về cho tôi một cây bút bi có hình Tổng thống Obama ngay trên thân bút”.
Nhận được món quà từ bên kia bán cầu, bác sĩ Xáng mừng đến không tưởng. Dự định tiếp theo với đất nước Mỹ là ông sẽ cố tìm cho bằng được cây bút có hình Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những buổi chiều trở về ngôi nhà thân yêu của mình, bác sĩ Xáng có thể đứng ngắm hàng giờ trước “rừng bút”. Ông tâm sự: “Do không có thời gian nên chưa thể sắp xếp theo niên đại, chủng loại, chủ đề một cách quy củ được. Một năm mới soạn ra một lần, lau chùi vệ sinh. Công đoạn ấy làm xong cũng bở hơi tai”.
Bộ sưu tập bút của bác sĩ Xáng vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận “Người sở hữu Bộ sưu tập bút viết với số lượng và chủng loại nhiều nhất”. Bác sĩ Xáng có dự tính sẽ làm hồ sơ đăng ký kỷ lục Châu Á về bộ sưu tập của mình.