Để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững:

Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp

Thứ Năm, 02/07/2015, 08:40
ĐBSCL từ lâu được ví như là vựa lương thực, vựa thủy sản và vựa trái cây quy mô của cả nước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vùng đất này rất có lợi thế về tự nhiên. GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, một trong những điểm nhấn của vùng ĐBSCL là nông nghiệp, do vậy trong quá trình triển khai đề án xây dựng sản phẩm du lịch (DL) đặc thù, cần chú ý khai thác, hướng dẫn du khách tham quan đi xuyên qua các cánh đồng lúa, các vườn cây ăn trái, vườn cò, vườn dơi, vùng nuôi cá bè...

Có một thực tế đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ, trở thành thách thức cho nhiều địa phương, đó là ngày càng có nhiều người dân ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai. Trong những nguyên nhân khiến người dân miền Tây không còn mặn mà với mảnh vườn, thửa ruộng của mình, có nguyên nhân điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, nhất là đầu ra cho nông sản cứ mãi loay hoay với điệp khúc “được mùa mất giá”.

Chính từ thực tế này, việc tạo sinh kế bền vững cho nhiều người dân miền Tây quay trở lại với hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn kết công việc thường nhật của họ qua hoạt động du lịch được xem như là một hướng đi hiệu quả.

Tại ĐBSCL, từ năm 2007, An Giang là 1 trong 3 địa phương của cả nước được tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) triển khai Dự án phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN, gọi tắt là Dự án). Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh này đã xây dựng điểm DLNN tại 3 xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên); Tân Trung (huyện Phú Tân) và Văn Giáo (huyện Tịnh Biên); mỗi xã có từ 10-15 hộ nông dân tham gia làm DL với các  dịch vụ: homestay, ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau... Rất nhiều du khách thích thú các dịch vụ này.

Du khách thích thú khi hòa mình vào công việc bắt cá của người dân ĐBSCL.

Nối tiếp thành công ban đầu, Agriterra tiếp tục đầu tư Dự án trong thời gian 3 năm (từ 7/2011 đến 6/2014) với ngân sách 676.400 Euro (hơn 18,4 tỉ đồng), trong đó đóng góp của Griterra là 328.000 Euro.

Theo báo cáo của Trung tâm DL Nông dân An Giang, hoạt động của Dự án ở An Giang đạt hiệu quả cao, những tác động tích cực của chương trình đã tạo nên mô hình phát triển KT-XH hữu ích, giúp nông dân địa phương có thêm mô hình kinh doanh mới. Thu nhập hộ nông dân tăng từ 2 triệu đồng lên 10 - 15 triệu đồng/tháng. Đến nay đã có 15/156 phường, xã, thị trấn trong tỉnh được chọn tham gia Dự án gắn với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử.

Một cán bộ cho biết, mỗi xã có Dự án, thường có từ 5 đến 10 hộ tham gia nhưng thực tế tổng số hộ tham gia hưởng lợi trực tiếp lên đến khoảng 100 hộ, đó là chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ chương trình đào tạo, cùng tham gia các dịch vụ của Dự án.

Và say mê với cây trái miệt vườn ĐBSCL.

Bộ mặt nông thôn tại các xã được triển khai Dự án cũng thay đổi, phát triển thấy rõ, nhất là khi chính quyền biết gắn kết linh hoạt với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án đầu tư cho phát triển DLNN đã được quy hoạch, như: Dự án phát triển mạng lưới các điểm, tuyến DL sinh thái và nông thôn mới cù lao Mỹ Hòa Hưng với 9 điểm và 3 tuyến (2011 – 2020); đề án xây dựng điểm, tuyến DL đường sông An Giang (làng cá bè, cù lao, kênh đào)…

Sở VH, TT&DL tỉnh An Giang cho biết, việc phát triển loại hình DLNN gắn với tín ngưỡng, lễ hội đã được đưa vào quy hoạch như một chương trình ưu tiên trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020. Các chính sách thu hút đầu tư cho phát triển DLNN được quan tâm.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm rằng, không riêng chỉ An Giang mà nhiều tỉnh ĐBSCL rất có tiềm năng để phát triển DLNN. Thực tế bước đầu thực hiện Dự án tại An Giang cho thấy sự tác động to lớn của DLNN vào nền KT – XH địa phương. Để tiếp tục biến tiềm năng thành các nguồn lực cơ bản, các địa phương vùng ĐBSCL cần xây dựng chiến lược quy hoạch cụ thể, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, áp dụng các hình thức sản xuất tiên tiến, đa dạng hóa các kênh quảng bá về DLNN…

Thái Bình
.
.
.