Chống dịch cần làm đúng luật, tránh để người vi phạm chống đối

Thứ Hai, 26/07/2021, 09:44
Những vụ việc chống đối liên tiếp xảy ra trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy việc ứng xử, xử lý trong công tác phòng, chống dịch cần được rút kinh nghiệm, xử lý đúng luật. Người xử lý vi phạm cần rút kinh nghiệm trong lúc tiếp cận, xử lý và người vi phạm cần tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để không gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung.

Liên quan đến việc va chạm, mâu thuẫn giữa 2 bảo vệ dân phố (BVDP) với một tài xế xe ôm công nghệ tại chốt phong tỏa chung cư Miếu Nỗi được đăng trên mạng xã hội, ngày 23/7, UBND phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 BVDP và giao vụ việc cho Công an phường xử lý. Hai BVDP cũng thừa nhận bị kích động, không kiềm chế được cảm xúc do lớn tuổi, làm việc căng thẳng nhiều ngày tại chốt phong tỏa nên mới có hành động và lời lẽ không phù hợp, vượt quá mức độ được phép. Hai BVDP cũng đã liên hệ với tài xế xe ôm công nghệ nói chuyện và xin lỗi.

Việc nhắc nhở dẫn đến va chạm giữa bảo vệ dân phố và tài xế xe ôm công nghệ tại chốt phong tỏa ở quận Bình Thạnh.

Ông Nguyễn Quốc Trung-Chủ tịch UBND phường 3, quận Bình Thạnh cho biết, tài xế xe ôm công nghệ trong đoạn clip trên được xác định là anh N.K.P. Khoảng 14h ngày 22/7, tại chốt phong tỏa, tổ BVDP đã yêu cầu anh K để xe đúng vị trí khi đến giao nhận hàng. Anh K. phản ứng nên 2 BVDP có lời lẽ không đúng mực, một BVDP đã dùng tay tát tài xế xe ôm công nghệ. Đoạn clip trên chưa phản ánh hết vụ việc bởi ngoài việc BVDP có hành động sai thì anh K cũng có lời lẽ không đẹp, thách thức tổ BVDP. Theo ông Trung, trong thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp, các lực lượng căng mình chống dịch liên tục, mệt mỏi nên khi một số người không tuân thủ công tác phòng, chống dịch khiến người làm nhiệm vụ thiếu kiềm chế. Sau vụ việc này, UBND phường 3 sẽ chấn chỉnh lại các thành viên của các tổ công tác để không xảy ra các vụ việc tương tự.

Việc rất nhiều trường hợp không tuân thủ việc giãn cách xã hội, có hành vi chống đối, dùng đủ thứ lý lẽ để biện minh cho hành vi của mình là không vi phạm đã gây khó khăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Trường hợp của ông P.N.Q. (SN 1970, ngụ Tân Phú, tạm trú Củ Chi), phản ứng đã thành chống đối khiến nhiều người xem đoạn ghi hình bức xúc.

Vụ việc xảy ra vào sáng 17/7, ông Q. đi bộ không đeo khẩu trang trên đường Trần Văn Chẩm, ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi để đến xưởng thì tổ công tác nhắc nhở. Ông Q. còn phản ứng cho rằng Chỉ thị 16 chỉ là giãn cách xã hội, không cấm người ra đường. Đại diện tổ công tác đã giải thích rằng việc ra đường tập thể dục là mục đích không chính đáng, ông Q. lại không đeo khẩu trang nên đã vi phạm công tác phòng, chống dịch.

Ông Q. cãi lại: "Thể dục là không chính đáng à!" rồi biện giải phòng ở nhỏ không tập thể dục ở nhà được, phải có sức khỏe mới chống được dịch, dùng đủ lý luận biện minh cho việc ra đường của mình đúng. Đôi co cả một khoảng thời gian dài, tổ công tác kiên quyết lập biên bản xử phạt. Mặc dù ký vào biên bản nhưng ông Q. vẫn tỏ thái độ và tự ý ghi thêm vào biên bản "Tôi phản đối việc quy định xử phạt người tập thể dục ngoài trời!?".

Ngày 21/7 tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự to tiếng với một số người xung quanh. Bất ngờ, người này quát "biến" và dùng chân đạp mạnh làm đổ bàn làm việc của một số người mặc quần áo bảo hộ y tế. Người xung quanh phản đối, tuy nhiên, người đàn ông vẫn tiếp tục lớn tiếng: "Không biết cái gì hết. Mọi người sợ dịch bệnh, tôi cũng sợ chứ. Bao nhiêu người đến nhà tôi. Tại sao ngoài đường không làm?". Sau khi tìm hiểu, UBND xã Phước Kiển đã yêu cầu Công an xã Phước Kiển làm rõ.

Vụ việc được nhanh chóng xác định xảy ra lúc 15h40 ngày 21/7. Tổ y tế xã Phước Kiển có mặt tại đường số 9, khu dân cư Lavila (tổ 2, ấp 4, xã Phước Kiển) để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do khu vực này có ca nhiễm SARS-Cov-2. Thời điểm này trời nổi gió lớn, khu vực lấy mẫu là đất trống, không đảm bảo điều kiện để thực hiện lấy và bảo quản mẫu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - tổ trưởng tổ y tế đã hướng dẫn các thành viên trong tổ di dời trang thiết bị, vật tư y tế… vào khuôn viên một căn nhà bỏ trống kế bên nhà ông N.T.Q. (SN 1982). Tổ y tế bố trí một bàn tiếp nhận mẫu, một cây dù lớn dưới lòng đường phía trước nhà ông N.T.Q. để cản gió.

Đến gần 16h cùng ngày, ông Q. trở về nhà thấy cảnh trên nên đã phản đối, gây ra vụ việc. Công an xã Phước Kiển đã làm việc. Ông Q. trình bày do nóng nảy và sợ lấy mẫu trước nhà sẽ lây lan bệnh dịch cho các thành viên trong gia đình nên mới có ứng xử thái quá.

Những vụ việc chống đối liên tiếp xảy ra trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19 nêu trên cho thấy việc ứng xử, xử lý trong công tác phòng, chống dịch cần được rút kinh nghiệm, xử lý đúng luật. Người xử lý vi phạm cần rút kinh nghiệm trong lúc tiếp cận, xử lý và người vi phạm cần tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để  không gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung.

Nghinh Phong
.
.
.