Lấm láp đời mưu sinh nhờ Tết giữa lòng Hà Nội

Thứ Ba, 24/02/2015, 18:35
Tết là khi nhà nhà, người người sum vầy đoàn viên sau một năm làm việc vất vả. Nhưng những lao động ngoại tỉnh mà chúng tôi gặp ở Hà Nội trong những ngày Tết Ất Mùi này thì Tết với họ là những cuộc mưu sinh đầy vất vả. Bỏ lại cái Tết rộn ràng sau lưng với biết bao lo toan, họ ra Hà Nội chăm chỉ lao động, chắt chiu những đồng tiền kiếm được để ra giêng có cái cho con ăn học.

Trong đêm giao thừa, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người lao động đang mải miết mưu sinh trong thời khắc chuyển mình sang năm mới. Tại đền Mẫu trên đường Thụy Khuê, người đi lễ xin lộc đông như trẩy hội, ngay ngoài cổng đền chị Nguyễn Thị Xuân đã bày sạp bóng bay, phong bao lì xì, muối để bán.

Năm nào chị Xuân cũng mưu sinh ở đây vào đêm 30 Tết. Chị cho biết, tuy vất vả, thiệt thòi nhưng được cái bán hàng vào lúc này có rất đông người mua, thu nhập cũng kha khá.

Ở ngoài cổng đền, chúng tôi còn bắt gặp nhiều bạn trẻ xách những giỏ muối đứng bán cho người đi lễ. Muối được gói trong một chiếc túi đẹp mắt, xinh xắn bán với giá 10.000đ/gói. Em Nguyễn Mai Anh, 16 tuổi, nhà ở phường Bưởi cho biết: "Ngày Tết em đi bán muối vừa là để người đi lễ có may mắn đầu năm, vừa để có tiền giúp đỡ gia đình".

Hàng tò he của anh Phạm Văn Đạt ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám mùng 3 Tết.

Sáng mùng 1 Tết, tiếng rao "ai muối đê" lanh lảnh, quen thuộc vang lên khắp ngõ. Cả ngõ 324 Thụy Khuê, phường Bưởi nhà nào cũng thức dậy muộn nên chị Thạc Thị Thoa, ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội đi mỏi chân, rao mỏi miệng vẫn chưa có người mua. Khi tôi gọi mua muối, chị vui vẻ kể ngay: "Năm nay ế quá, em mua nhiều nhiều cho chị đắt hàng nhé".

Đã 7 năm nay, cứ gần đến giao thừa là chị Thoa lại đạp xe từ Tân Hội ra nội thành Hà Nội để bán muối. Năm nay thời tiết trớ trêu, bán muối dọc từ Bờ Hồ về đến đường Quán Thánh thì mưa nên chị đành phải vào đền trú tạm. Trời gần sáng chị mới tiếp tục rao "ai muối đê. "Có hơn 30kg thôi mà mưa nên ế quá, con gái vừa gọi điện hỏi sao mẹ về muộn thế?"- vừa đong muối chị Thoa vừa kể với tôi.

Và như một cơ duyên, đây là năm thứ 3 tôi mua muối của chị vào sáng mùng 1 Tết. Thường ngày chị Thoa ở nhà làm nông nghiệp, thỉnh thoảng mang hoa quả ra nội thành bán. Tết năm nào chị cũng chịu khó đạp xe ra Hà Nội bán muối để kiếm thêm thu nhập.

"Năm nay ở nhiều đền chùa có các bạn trẻ đứng bán muối nên mình khó bán lắm, đành phải đạp xe đi rong ruổi trong ngõ ngách hoặc bán cho người đi đường" – chị Thoa giải thích. Tôi hỏi: "Bán hết xe muối này chị được lãi khoảng bao nhiêu?. "Chẳng ăn thua đâu em, bán hết chỉ được khoảng 500 nghìn".

Với người nông dân như chị thì chỉ sau một đêm kiếm được ngần ấy tiền đã là nhiều rồi. Dù đôi chân mỏi rã rời, thức cả đêm trong mưa rét nhưng chị vẫn vui. Người đàn bà nhỏ bé, khắc khổ dắt chiếc xe đạp cũ kỹ với tải muối nặng trĩu đằng sau tiếp tục hành trình mưu sinh "ai muối đê!" sau khi gửi lời chúc Tết tôi và gia đình.

Không chỉ người ngoại thành mà những ngày Tết này nhiều lao động ngoại tỉnh đã không quản ngại vất vả, xa nhà để mưu sinh ở Hà Nội. "Ai chẳng muốn xum họp trong ngày Tết, nhưng cực chẳng đã mới phải đi làm ngày này" – anh Nguyễn Văn Toản, ở xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Giang buột miệng.

Chị Thạc Thị Thoa mưu sinh với xe muối trong sáng mùng 1 Tết.

Theo anh Toản thì sau bữa cơm tất niên, vợ chồng anh đèo nhau bằng xe máy ra Hà Nội bán bóng bay. Đây là công việc quen thuộc mấy năm nay nên để kiếm một chỗ bán bóng bay quanh hồ, năm nào họ cũng phải đi sớm. Do có kinh nghiệm nên họ biết đứng ở khu vực nào sẽ đắt hàng hơn. Hai vợ chồng chia nhau ra bán, đến gần sáng bán hết 50 quả bóng thì về. Anh Toản cho biết, sáng mùng 2 Tết làm cơm hóa vàng xong, họ lại tất tả đèo nhau ra Hà Nội bán bóng bay tiếp đến hết mùng 5 thì về.

Nhọc nhằn mưu sinh là những gì chúng tôi ghi nhận được ở những con người chịu thương chịu khó, không quản ngại vất vả, nắng mưa, gió rét để kiếm thêm thu nhập. Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng với nghề nặn tò he và trong những ngày Tết này rất nhiều người ở làng đã ra Hà Nội mưu sinh. Bàn tay nặn tò hè nhanh thoăn thoắt, điêu luyện của người thợ ở đây đã làm cho các em bé, khách nước ngoài say mê.

Ra Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ mùng 2 Tết, anh Phạm Văn Đạt, ở xã Phượng Dực, huyện Thanh Oai cho biết: "Khách đông, bán tốt hơn hẳn". Giá tò he ngày Tết so với ngày thường đắt hơn 10 nghìn đồng/một sản phẩm nên càng là động lực để anh Đạt gạt bỏ niềm hạnh phúc đón Tết sum vầy bên gia đình để mưu sinh sớm. Mỗi ngày Tết anh Đạt cũng kiếm được gần triệu bạc sau khi trừ hết các chi phí.

Ở nhiều góc phố, con đường, điểm di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội vào ngày Tết, có biết bao con người đang tất bật mưu sinh. Họ kiếm sống bằng công sức, mồ hôi và cả sự hy sinh hạnh phúc riêng tư. Với họ, cái Tết trọn vẹn có lẽ rất khó, nhưng vì cuộc sống họ sẽ phải đón Tết muộn hơn so với nhiều người khác.

Anh Thư
.
.
.