Từ vụ chó cắn trẻ tử vong ở Hà Nội:

Cảnh báo tình trạng chó thả rông, không rọ mõm trên phố

Thứ Tư, 25/07/2018, 07:51
Mới đây, một bé gái 8 tháng tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội đã bị con chó ngao Tây Tạng cắn dẫn đến tử vong. Vụ việc đau lòng trên một lần nữa cảnh báo tình trạng chó thả rông, không rọ mõm trên phố như hiện nay.



Khảo sát trên nhiều tuyến phố, khu chung cư tập trung nhiều nhà cao tầng hiện nay, chúng tôi ghi nhận cảnh nhiều hộ gia đình vẫn để chó thả rông, không rọ mõm trên đường. Nhiều người đi bộ thấy hình ảnh này không khỏi giật mình lo sợ trước nguy cơ bị chó tấn công.

17h ngày 23-7, người đi bộ tập thể dục trong Khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) một phen bạt vía khi thấy 4-5 con chó đuổi nhau trên vỉa hè. Đáng chú ý, khi có người đi qua, những con chó này còn nhe hàm răng dữ tợn, sủa liên hồi.

Hình ảnh trên cũng xuất hiện trên nhiều con ngõ ở phố Trần Cung, Lạc Long Quân v.v... Thấy cảnh chó thả rông, không rọ mõm trên phố, không ít người tỏ ra lo ngại bởi không biết những con chó này đã được tiêm phòng bệnh dại và có cắn mình hay không?

Chó vẫn thả rông, không rọ mõm trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội.

Nói tới vấn đề trên, anh Nguyễn Trung Kiên, 36 tuổi, nhà ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình bức xúc cho biết, bản thân anh cách đây hơn 2 tuần, trong lúc đến chơi nhà một người bạn ở quận Tây Hồ đã bị một con chó thả rông ngoạm vào chân.

Đề phòng nguy cơ phát bệnh, anh lập tức đến ngay cơ sở y tế tiêm phòng dại. “Không chỉ tôi, nhiều người bạn của tôi thời gian qua cũng bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương cần vào cuộc, ngăn chặn tình trạng chó thả rông, không rọ mõm trên phố”, anh Kiên bày tỏ.

Ngày 15-9, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó có quy định cấm hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó và không có người đưa dắt chó ra nơi công cộng chính thức có hiệu lực.

Theo đó, tại Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định, sẽ phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng đối với các hành vi: không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Quy định là thế, chế tài xử lý là vậy, tuy nhiên nhìn vào thực tế hiện nay, có thể thấy rằng ở nhiều địa phương, quy định này dường như chỉ nằm… trên giấy. Tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 thừa nhận, mặc dù thời gian qua, phường đã tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi, quản lý vật nuôi, nhất là các nội dung liên quan đến Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, song nhiều hộ gia đình vẫn phớt lờ quy định thả rông chó, không đeo rọ mõm trên địa bàn.

Ngày 24-7 khi trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trung Việt, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Tây Hồ cho hay, thời gian qua, cơ quan thú y cũng đã tổ chức tập huấn công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến nuôi, quản lý vật nuôi (chó, mèo…) cho 8 phường trên địa bàn, với 54 người thuộc các tổ dân phố, tổ chức đoàn thể ở địa phương tham gia.

Sau khi Nghị định 90/2017/NĐ-CP có hiệu lực, một số trường hợp vi phạm về thả rông chó không đeo rọ mõm đã bị lập biên bản xử lý. Thế nhưng, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

“Để những lỗi vi phạm về nuôi, quản lý vật nuôi trong thời gian tới được đẩy lùi, số vụ tai nạn thương tích do chó cắn không xảy ra, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các hộ gia đình nuôi chó, mèo thấy được việc thả rông chó không rọ mõm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, lực lượng chuyên trách của chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Trung Việt cho biết thêm.

Cũng theo đại diện Trạm Thú y quận Tây Hồ, một trong những khó khăn mà lực lượng chức năng đang gặp phải trong quá trình xử lý các vi phạm theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP đó là hiện ở các địa bàn chưa có điểm nuôi, nhốt tập trung chó, mèo thả rông không rọ mõm vi phạm.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các chấn thương do vật nuôi (chó, mèo) cắn thường rất nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Do vậy, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo thả rông, không rọ mõm; thường xuyên tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại định kỳ cho chó, mèo mà gia đình mình nuôi. Khi thấy người bị chó, mèo cắn cần sơ cứu, sát trùng, rửa sạch vết thương, cầm máu rồi nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu cũng như uống, tiêm thuốc ngừa bệnh dại.
Trần Huy
.
.
.