Cẩn trọng với các tai nạn thương tích nguy hiểm khi trẻ nghỉ hè

Thứ Năm, 09/07/2020, 09:27
Trẻ em thường hiếu động, nghịch ngợm, nếu cha mẹ không quan tâm và dạy trẻ những kỹ năng cần thiết, tai nạn thương tích rất dễ xảy ra. Năm nào vào dịp hè cũng gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ, có những trường hợp bị súc vật cắn gây tử vong.


Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến giữa tháng 7 học sinh mới được nghỉ hè. Tuy nhiên, dù các em vẫn đi học, tai nạn thương tích đáng tiếc vẫn xảy ra.

Gọt quả bưởi, đứt phăng ngón tay

Câu chuyện này xảy ra với cậu bé 11 tuổi Hoàng Văn H. ở Bắc Ninh vừa chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Việt Đức. Các bác sĩ cho biết, cháu H. nhập viện trong tình trạng đứt rời hoàn toàn đốt xa ngón 2 tay phải. Theo mẹ cháu bé kể lại, buổi trưa khi đi thi về, H. ra sân bổ bưởi. Vì không cẩn thận, cháu đã bị đứt rời đốt xa ngón 2 tay phải. 

“Tôi đang ngồi trong nhà thì cháu chạy vào kêu hoảng hốt “mẹ ơi con mất ngón tay rồi”. Tôi vội vàng đưa con đến bệnh viện huyện. Trên đường đi con không ngừng hỏi: “Mẹ ơi liệu có thể nối lại ngón tay được không?”. Còn một môn thi nữa là con hoàn thành kỳ thi để chuyển cấp, nên con lo lắng và sợ hãi vô cùng”, mẹ cháu H kể lại.

Trẻ em vui chơi phải có sự giám sát của người lớn.

Cháu H. được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu trồng lại ngón tay bị đứt rời. TS.BS Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết: Đứt rời đốt xa ở trẻ em là một tổn thương hiếm gặp và khó khắc phục do mạch máu rất nhỏ. Kíp mổ đã phải tiến hành nối gân, nối xương, nối thần kinh và mạch máu kích thước chỉ từ 0,4-0,5mm. Các bác sĩ phải dùng những sợi chỉ phẫu thuật nhỏ hơn sợi tóc để khâu nối, đảm bảo mạch máu lưu thông, hồi sinh chi thể đứt rời cho người bệnh.

Ca phẫu thuật kéo dài trong 4 tiếng đã diễn ra thành công, giúp ngón tay của cháu được nối lại, đầu chi hồng ấm và có dấu hiệu phục hồi tốt. Sau 4 ngày phẫu thuật, cậu bé đã bắt đầu cười, không còn cảm thấy đau đớn. Nỗi lo lắng và sợ hãi khi bị đứt rời ngón tay đã được giải tỏa.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ, BV Việt Đức, Khoa thường phẫu thuật cho những ca tai nạn sinh hoạt hi hữu đứt rời chi thể ở trẻ em. Có trường hợp cháu bé chơi nghịch máy cắt thuốc lào hay máy cắt giấy bị đứt rời ngón tay. 

Lại có trường hợp cháu bé sống trên thuyền chài, vì sợ cháu ngã xuống sông, ông của bé đã dùng dây buộc vào cổ chân bé. Không may đầu còn lại của dây cuốn vào động cơ, khiến dây thừng thít chặt làm đứt rời bàn chân của cháu. Do hoảng sợ, ông của bé đã ném phần chân bị đứt xuống biển, vội vàng đưa cháu đi cấp cứu. Đến nơi bác sĩ hỏi chân bị đứt của cháu bé đâu, ông mới vội vã thuê 3 thợ lặn tìm 1 tiếng đồng hồ mới thấy chiếc chân, mang đến cho bác sĩ nối, giờ cháu đã đi lại bình thường.

Dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ

Tai nạn thương tích trẻ em xảy ra nhiều nhất trong những năm gần đây là đuối nước, hóc dị vật, bị súc vật cắn, bị điện giật… Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận những ca bệnh tai nạn do hóc dị vật, súc vật cắn hết sức thương tâm. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hóc dị vật là tai nạn rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Dị vật có thể gặp ở đường tiêu hóa, gây tắc ruột, thủng ruột (đặc biệt với dạng dị vật có từ tính); hoặc đường hô hấp gây suy thở cấp dẫn tới tử vong. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc, nuốt dị vật nguy hiểm đến tính mạng vẫn thường xảy ra. 

Điển hình là ca bệnh cháu bé 2 tuổi ở Thanh Hóa vào nhập viện trong tình trạng ho nhiều, thở khò khè. Chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp vi tính phát hiện hình ảnh dị vật kim loại nằm trong trung thất trên. Tuy nhiên, gia đình không hề hay biết cháu đã nuốt phải dị vật gì và khi nào. 

Đây là ca bệnh đặc biệt, do mảnh kim loại có hiện tượng xâm thực vào thành thực quản và thoát ra gây áp-xe trung thất, không quan sát, không lấy được qua soi tiêu hóa và hô hấp thông thường nên phải phẫu thuật mở tại chỗ. Sau 3h phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được dị vật kim loại dạng vòng, đường kính 18mm, dày 0,5mm, có cạnh sắc mà cháu bé nuốt vào.

Theo BS Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trẻ em thường hiếu động nên cha mẹ phải quan tâm, để ý đến con, đặc biệt là dạy con các kỹ năng để phòng tránh. 

Trẻ sắp bước vào những ngày nghỉ hè, vì vậy, để phòng chống tai nạn thương tích cho các em, các bậc cha mẹ phải loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn ngay trong chính ngôi nhà mình đang ở như: Tuyệt đối không để phích nước nóng nơi trẻ dễ va phải; bếp lửa, ổ cắm điện, xô chậu, chum vại chứa nước phải tránh xa tầm với trẻ em; cửa sổ nhà cao tầng không có chấn song phải làm lưới an toàn; thuốc uống chữa bệnh, các loại hóa chất tẩy rửa trong nhà vệ sinh… phải cất nơi an toàn vì tất cả đều có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Nếu nhốt trẻ ở nhà một mình thì phải dán các ổ cắm điện đề phòng nguy cơ cháy nổ và trang bị kỹ năng để tránh cho trẻ bị người lạ dụ dỗ, bắt cóc. Đặc biệt, chó nuôi phải xích, khi ra đường phải rọ mõm chó lại để không cắn người, tránh xảy ra những tai nạn và cái chết thương tâm của trẻ do chó cắn như những năm trước.

Các bác sĩ của BV Việt Đức đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh: Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn đứt rời tay, chân thì cách bảo quản chi thể đúng nhất để đảm bảo việc phẫu thuật được thuận lợi và khả năng thành công cao hơn đó là: Cho phần chi thể vào một túi ni lông sạch buộc lại, để trong một túi ni lông khác đựng nước và buộc chặt lại rồi đặt trong thùng đá lạnh, đảm bảo chi thể đứt rời được giữ nhiệt độ trong khoảng từ 4-10 độ C. Sau đó  chuyển đến bệnh viện gần nhất để sơ cứu kịp thời.
Trần Hằng
.
.
.