Cần có chính sách tiêu thụ rau an toàn
Hà Nội có 5.100ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, nhưng 82,6% RAT sản xuất ra lại tiêu thụ ở chợ đầu mối, chợ dân sinh như rau thường. Người nông dân sản xuất ra không bán được đúng giá trị thực, người kinh doanh không có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nên không dám đầu tư, dẫn tới người tiêu dùng không biết mua RAT ở đâu? Bài toán nào cho việc tìm đầu ra của RAT Hà Nội, kích thích người nông dân phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân được sử dụng rau an toàn?
Đến HTX Văn Đức, nơi sản xuất RAT lớn nhất của Hà Nội hiện nay, chúng tôi thấy trên cánh đồng xanh mướt một màu rau non. Đây là HTX được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT theo chương trình VietGap và được Chi cục BVTV giám sát chặt chẽ. Người nông dân sau khi thu hoạch, được một công ty thu mua và sơ chế để cung ứng cho thị trường, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, vào chính vụ, lượng rau sản xuất ra không kịp tiêu thụ, bà con phải mang ra chợ bán.
Để sản xuất RAT phải trải qua 30 quy trình nghiêm ngặt dưới sự giám sát kỹ thuật của Chi cục BVTV, chi phí giá thành sẽ cao hơn. Nhưng khi tiêu thụ tại chợ, RAT sẽ bị đánh đồng với rau thường nên khiến người trồng rau không hào hứng.
Người tiêu dùng vẫn loay hoay tìm mua rau an toàn trước ma trận quảng cáo. |
Theo Chi cục BVTV thì nhu cầu tiêu thụ rau của người Hà Nội là 1 triệu tấn/năm. Cả thành phố có 12.000ha diện tích canh tác rau, chủng loại phong phú với trên 40 loại, sản lượng đạt gần 60.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác.
Để công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ RAT của thành phố đáp ứng nhu cầu RAT của người tiêu dùng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP Hà Nội giai đoạn 2009-2016”.
Thực hiện đề án này, đến hết năm 2015, Hà Nội đã cấp chứng nhận sản xuất RAT cho 5.100ha, trong đó lớn nhất là HTX Văn Đức, Vân Nội…
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, sản lượng RAT mỗi năm đạt 400.000 tấn nhưng chỉ có 20.000 tấn (chiếm 2/1000) có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 HTX cung cấp các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị.
Số còn lại chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370 nghìn tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng RAT, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng). Trong khi nhu cầu sử dụng RAT của người tiêu dùng rất cao, nhưng họ lại khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi có rất ít doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ. Đặc biệt HTX hầu như không có vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân? Nghịch lý này tồn tại nhiều năm nay.
Rõ ràng, Hà Nội đang vô cùng thiếu điểm bán lẻ, cửa hàng bán RAT và tình trạng này dẫn tới người tiêu dùng phải tự mày mò tìm mua trên mạng và các cửa hàng bán thực phẩm sạch. Do khó khăn trong việc tiêu thụ RAT nên không kích thích được người nông dân phát triển sản xuất.
Để giải bài toán này, theo ông Hồng thì Hà Nội hiện chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng.
“Nếu cứ để thế này thì Hà Nội còn rất lâu mới có cửa hàng RAT. Phải có chính sách tiêu thụ, nhất là hệ thống bán lẻ thì người tiêu dùng mới có cơ hội tiếp cận RAT” - ông Hồng nhận định.
Do không có cửa hàng RAT nên người tiêu dùng thiếu lòng tin với RAT khi không thể phân biệt RAT với rau không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp.
Trong khi quản lý RAT rất khó khăn do nông dân sản xuất qui mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau lớn với trên 200 nghìn hộ. Diện tích 5.100ha đã chứng nhận đủ điều kiện ATTP có 80 nghìn hộ sản xuất rau với 30% số hộ được huấn luyện IPM (biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp), còn 7.000ha chưa chứng nhận đủ điều kiện ATTP có khoảng 120 nghìn hộ sản xuất rau, tỷ lệ hộ được huấn luyện IPM rất thấp.
Chính vì điều đó, để truy xuất nguồn gốc, năm 2011 Chi cục BVTV đã thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán buôn cho HTX Văn Đức; năm 2012 nhân rộng gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán lẻ ra các vùng: Duyên Hà, Thanh Đa, Tráng Việt…
Đến năm 2014, có 40 cơ sở dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số, sản phẩm dán tem được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh. Chi cục BVTV đã lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận RAT Hà Nội” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu.
Hà Nội có 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc, một con số quá ít so với Thủ đô trên 8 triệu dân. Trước những lo lắng của người tiêu dùng, ông Hồng khẳng định, hằng năm đều lấy từ 300 - 1.000 mẫu đối với 40 loại rau để kiểm tra xem người nông dân có áp dụng đúng quy trình và tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như VSATTP hay không, chỉ phát hiện có 1% vượt ngưỡng. Năm 2015 lấy 40 mẫu để phân tích đa dư lượng thì có 5 mẫu vượt ngưỡng.
“Năm 2014 tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV trên các cây trồng của Hà Nội chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc. Rau sản xuất ở Hà Nội cơ bản là an toàn ở những vùng được cấp chứng nhận” - ông Hồng khẳng định.
Theo ông Hồng, để người tiêu dùng được tiếp cận sử dụng RAT thì Chính phủ cần có cơ chế đặc thù với Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển cửa hàng bán lẻ, điểm kinh doanh RAT. Đồng thời, Bộ Công Thương cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.
Thiết nghĩ, việc trước mắt là Hà Nội phải có chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán RAT thì người tiêu dùng mới được sử dụng RAT, mới kích thích người nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với Chi cục BVTV kiểm tra các điểm kinh doanh thực phẩm sạch – rau an toàn để truy xuất nguồn gốc, xử phạt cơ sở sử dụng nhãn mác “lập lờ” để lừa dối khách hàng.