Cảm phục tình mẫu tử của người mẹ ung thư giai đoạn cuối
- Sức khỏe bé sinh non con sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối tiến triển thuận lợi
- Mổ "bắt" con 31 tuần tuổi cho sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối
Người mẹ ấy kiên cường tới mức sinh con trong tư thế ngồi và không gây mê bởi gây mê có thể cô sẽ không tỉnh lại.
Mầm sống vươn lên trong tuyệt vọng
Trưa 24-5, tới Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi được gặp bé Đỗ Bình An, con trai của sản phụ Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) sau 3 ngày bé chào đời. Bé nằm trong lồng kính với các thiết bị chăm sóc đặc biệt đang được các điều dưỡng theo dõi sát sao. Hiện tại, sức khỏe của bé đang tiến triển khả quan.
Bé An chào đời vô cùng đặc biệt, được bác sĩ mổ “bắt con” khi mới 31 tuần tuổi từ người mẹ ung thư giai đoạn cuối. Câu chuyện về người mẹ kiên cường Nguyễn Thị Liên đã gây xúc động mạnh trong dư luận mấy ngày qua. Chị Nguyễn Thu Trang, điều dưỡng trưởng của Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh cho chúng tôi biết: “Bé đang phải thở máy, hô hấp chưa ổn định, điều dưỡng phải ở bên chăm sóc toàn diện cho cháu 24/24h. Sau 3 ngày chào đời, bé đã có phản xạ, đêm cũng như ngày, 3 tiếng chúng tôi cho cháu ăn một lần. Cháu đang tập ăn với lượng sữa còn rất ít, 4ml/lần”.
Trưa 24-5, gặp lại con sau cuộc phẫu thuật đầy cam go, anh Đỗ Văn Hùng (chồng sản phụ Liên) rớm nước mắt nói: “Đây là lần thứ 2 tôi đến thăm con, hôm qua con còn nằm im, nhưng hôm nay con đã khóc, tôi rất vui và hạnh phúc khi được đón con chào đời. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn tập thể y bác sĩ của cả hai bệnh viện”.
Theo lời kể của anh Hùng, khi hay tin vợ mình bị ung thư vú di căn, anh đã rất sốc. Lúc này thai nhi đã 4 tháng. Được các bác sĩ của Bệnh viện K và bác sĩ sản khoa tư vấn, vợ anh không đắn đo suy nghĩ mà từ chối điều trị, quyết giữ lại thai nhi, hy vọng là cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời.
Ung thư di căn tiến triển rất nhanh, sức khỏe của chị Liên ngày càng yếu, đau đớn khiến chị không ăn được, ngày một khó thở, tràn dịch màng phổi, xuất hiện hạch dày đặc. Hơn hai tháng nằm viện, chị Liên không thể nằm thở được mà phải ngồi 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương, phổi...
Trong hoàn cảnh đó, các bác sĩ của Bệnh viện K đã cố gắng đến mức tối đa để duy trì sự sống cho người mẹ, kéo dài tuổi thai cho em bé. Dinh dưỡng của người mẹ chủ yếu qua đường truyền, những lúc khỏe lên, chị cố gắng ăn để nuôi dưỡng thai. Em bé đã kiên cường lớn lên trong bụng mẹ cũng như chính sự kiên cường của mẹ em. Và đến ngày 22-5, sức khỏe của chị Liên đã không cầm cự nổi, sợ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con, Bệnh viện K đã quyết định phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ “bắt con” khi thai nhi được 31 tuần tuổi.
Trước lúc vào phẫu thuật, chị Liên đã rất yếu và mệt, trong hơi thở đứt quãng, chị gắng gượng nói: “Em chỉ mong ca mổ diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an”.
Bé Bình An được bố tới thăm. |
Ca phẫu thuật đặc biệt
Là người trực tiếp thực hiện ca mổ sinh cho chị Liên, chia sẻ với báo chí trưa 24-5, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong cuộc đời nghề y của ông, đây là ca mổ đặc biệt nhất vì lần đầu ông mổ cho sản phụ ở tư thế ngồi. Sản phụ rất yếu, đau đớn vì ung thư di căn, phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, dường như sự sống rất mong manh có thể đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân suy yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác.
Tiếng khóc chào đời của cháu Bình An đã khiến người mẹ và êkíp phẫu thuật vui mừng trào nước mắt. Dù rất yếu, nhưng người mẹ cũng gắng gượng hỏi PGS Cường con mình được mấy cân. Biết cân nặng của con, biết con đã bình an, người mẹ lúc này mới yên tâm tiếp tục chiến đấu để giành sự sống.
PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, cháu Bình An chào đời về mặt hình thái không có bất thường gì. Việc nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh ở bệnh viện chuyên khoa ung bướu là điều vô cùng ngạc nhiên. Có thể nói đó là cuộc vượt cạn “mẹ tròn, con vuông” kỳ diệu với một sản phụ đang đối mặt với căn bệnh vô cùng nặng nề. Cháu cân nặng 1,5kg, đây là cân nặng bằng tuổi thai. Theo PGS Cường, ca mổ thành công là do cố sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa hai bệnh viện.
Hiện tại, Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh của bệnh viện đang sử dụng các trang thiết bị tốt nhất, thuốc tốt nhất để chăm sóc và nuôi dưỡng bé Bình An. “Đến thời điểm này, tạm thời nhận định bé Bình An có tiến triển thuận lợi, rất mong con thật bình an như tên gọi của mình. Và cũng rất hy vọng mẹ bé sớm có sức khỏe ổn định để hai mẹ con được gặp nhau lần đầu”- PGS Cường nói.
Theo anh Hùng, sau 3 ngày mổ sinh con, vợ anh đã tỉnh táo hơn, nói được, uống được sữa. Chị rất mong chóng khỏe để được gặp con vì cho đến lúc này chị chỉ được nhìn hình con qua báo chí. Theo PGS Trần Danh Cường, khi nào em bé được 38 tuần tuổi, tăng trên 2,5kg, tự thở được, ăn được thì lúc đó em bé mới thực sự bình an. Hiện cháu Bình An được điều trị miễn phí theo bảo hiểm y tế, trừ một số thuốc ngoài danh mục.
Sau câu chuyện bé Gấu, con của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, việc bé Bình An chào đời trên nền cơ thể mẹ ung thư giai đoạn cuối đã mở ra hy vọng cho bệnh nhân ung thư. Theo PGS Cường, bệnh ung thư dường như không đúng như quy luật mà ngày càng trẻ hóa. Do vậy, người dân cần phải thăm khám định kỳ để sàng lọc phát hiện bệnh sớm. Bệnh ở giai đoạn điều trị được thì phụ nữ vẫn có thể mang thai. Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang xây dựng Trung tâm sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động.
Theo BS Lê Minh Trác (Bệnh viện Phụ sản Trung ương): Hiện Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh đang điều trị cho gần 300 trẻ sinh non, nhẹ cân, trong đó có khoảng 10 cháu được sinh ra chỉ khoảng 500-700g. Tỷ lệ cứu sống trẻ có cân nặng từ 1-1,5kg cao hơn 90%. |