Các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ khẩn trương ứng phó bão số 1

Thứ Tư, 02/01/2019, 15:18
Các tỉnh ven biển miền Tây khẩn trương ứng phó bão số 1, một số tỉnh đã có thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi.

Tại Cà Mau: Trưa 2-1, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, cơn bão số 1 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến vùng biển và một phần đất liền của tỉnh Cà Mau. 

Theo ông Hoai, hiện đã có hơn 2.500 tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn, còn hơn 1.000 tàu thuyền đang ở ngoài biển đang được kêu gọi vào bờ. 

Trước đó, để ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tỉnh Cà Mau đã cấm biển đối với tàu, thuyền từ 12h trưa ngày 1-1. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện chỉ đạo rà soát phương án sắp xếp bố trí dân cư ở các nơi xung yếu để chủ động thực hiện khi có yêu cầu. Ngoài ra, yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường thuộc địa bàn ven biển thường xuyên theo dõi, thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để kịp thời xử lý trong các tình huống khẩn cấp… 

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã họp với các sở, ban, ngành và chỉ đạo kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Đối với các tàu neo đậu ở khu vực đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối phải đưa ngư dân lên bờ, chỉ để lại 1-2 người. Đối với người dân đang sống trên đảo Hòn Chuối, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu cần phải sơ tán đến nơi an toàn gần nhất; các bè cá tại đảo này phải được gia cố chắc chắn để tránh thiệt hại lớn về tài sản.

Các tỉnh, thành ven biển miền Tây khẩn trương tổ chức, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão an toàn.

Tại Bạc Liêu: Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến trưa 2-1, trên vùng biển Bạc Liêu còn 310 tàu với 2.210 thuyền viên còn hoạt động trên biển, trong đó xa bờ 207 tàu với 1.794 tuyền viên, gần bờ 106 tàu với 416 thuyền viên. Hiện, đã liên lạc được 100% tàu và thông báo về đường đi của bão số 1 để các tàu chủ động phòng tránh hoặc vào bờ. Riêng sản xuất trên bờ đã bị ảnh hưởng, nhất là diện tích lúa đang thu hoạch, hoa màu vừa xuống giống, cũng như diện tích nuôi trồng thủy gặp nhiều bất lợi. 

Cũng vào trưa 2-1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, nhằm triển khai phương án, giải pháp ứng phó với cơn bão số 1 trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ; thoát ra vùng ảnh hưởng của bão hoặc tìm nơi trú bão an toàn. Đặc biệt, đối với huyện Đông Hải yêu cầu cán bộ cần đến từng nhà kiểm tra số tàu, hướng dẫn, tuyên truyền cho chủ tàu tìm nơi tránh trú bão và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo. 

Đồng thời, yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng huyện Đông Hải làm đầu mối phối hợp các cấp khẩn trương tổ chức cứu nạn tàu BL 93222TS đang chết máy trên biển. Đối với vùng sản xuất lúa- tôm, lúa Đông Xuân, ngành nông nghiệp nhanh chóng mở các cống để giảm việc ngập úng cứu lúa.

 Riêng vùng nuôi tôm công nghiệp cần tính toán nếu thấy ảnh hưởng thì vận động bà còn thu hoạch tôm sớm tránh thiệt hại. Các cơ quan, báo đài cần tăng cường thông tin, cập nhặt về tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm và có hướng phòng tránh…

Tại Kiên Giang: Công tác phòng chống cơn bão số 1 đang được triển khai rất khẩn trương. Sáng 2-1, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành công văn thông báo cấm toàn bộ tàu thuyền ra khơi trong thời điểm xảy ra bão số 1 (từ 12h ngày 2-1, cho đến khi có thông báo cuối cùng về cơn bão số 1). 

Dự báo bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc đi vào vùng phía nam mũi Cà Mau và đi sâu vào vịnh Thái Lan, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Kiên Giang. Vùng biển Kiên Hải - Phú Quốc và Thổ Châu gió đông bắc mạnh cấp 4 cấp 5, giật cấp 6, độ cao sóng 1 - 2 m. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, có mưa lớn diện rộng trên biển, gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 cấp 8. 

Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kiên Giang yêu cầu lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT cùng chính quyền địa phương trước phải hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn cụ thể các địa điểm tránh bão số 1, an toàn trước 16h ngày 2-1. 

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu khẩn trương di dời các lồng bè nuôi thủy hải sản trên biển, tuyệt đối không để dân ở lại các lồng bè, chòi canh thủy sản trên biển.

Hành khách tại Phú Quốc không thể vào đất liền do lệnh cấm biển, ứng phó bão số 1.

Tại Phú Quốc: Đại diện Cảng vụ hàng hải Kiên Giang, cho biết toàn bộ các chuyến tàu, phà vận chuyển hành khách ra vào đảo Phú Quốc đều phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn. 

Trước tình hình trên, đại diện các công ty vận tải hành khách cho biết sẽ đổi vé cho khách đi ngày 2-1 sang ngày 3-1 (nếu tàu được phép hoạt động trở lại), còn nếu khách muốn trả vé thì công ty sẽ hoàn tiền 100%. Theo tìm hiểu của PV, trong ngày 1-1, các tàu, phà đã hoạt động hết công suất nên lượng khách du lịch đến Phú Quốc trong dịp nghỉ lễ đã được giải phóng đáng kể.

Các tỉnh ven biển miền Tây đã có thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi cho đến khi có thông báo mới về tin bão số 1.

Tại Bến Tre: Nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển tránh để xảy ra tai nạn do ảnh hưởng của bão số 1, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre thông báo việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 22h00’, ngày 1-1, cho đến khi có thông báo mới. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thành phố thực hiện việc quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền; bố trí lực lượng giữ gìn ANTT, tránh để xảy ra cháy nổ, mất cắp tại các khu neo đậu gây thiệt hại về tài sản. 

Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch, phương tiện vận tải trên sông, kênh rạch… Tuyệt đối không cho phương tiện xuất bến khi chưa đầy đủ các điều kiện về đảm bảo an toàn hoặc có sóng to, gió lớn tránh để xảy ra tai nạn. 

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre cũng đã có công điện số 01, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chủ động sẵn sàng các phương án phòng tránh, ứng với với bão, đảm bảo an toàn tính mạnh và tài sản của người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 1-1, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão số 1 (tên quốc tế là PABUK). Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 - 15km. Đến 22 giờ ngày 2-1, tâm bão ở khoảng 6,2 độ Vĩ Bắc và 106,3 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 300km về phía đông nam, cách Côn Đảo khoảng 280km về phía nam. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông, cảnh báo sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Theo dự báo từ nay đến ngày 4-1, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có nơi trên 150mm/24 giờ. Riêng khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc hoàn lưu bão số 1 nên sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to (40-80mm/đợt); khu vực miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (70-150mm/đợt); các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có nơi mưa rất to (150-200mm/đợt).




Văn Đức - Trần Lĩnh
.
.
.