Các hộ nuôi cá chịu ảnh hưởng của đợt xả lũ sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Thứ Ba, 25/07/2017, 07:56
Sau hơn 6 ngày thủy điện Hòa Bình bắt đầu mở cửa xả đáy để xả lũ, tính đến sáng 24-7, ước tính có hơn 400 tấn cá nuôi trên lồng bè của bà con 2 tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ bị chết. Mặc dù vậy, việc hỗ trợ cho người dân vẫn chưa có phương án chính thức từ phía các cơ quan chức năng, trong khi thiệt hại đã lên đến hàng chục tỷ đồng.


Theo bà Đặng Thị Duyên, Phó Giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, đến ngày 24-7, 2 địa phương bị thiệt hại trong tỉnh Hòa Bình là huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình vẫn đang tiếp tục thống kê số liệu và xác thực lại. Theo báo cáo của huyện Kỳ Sơn, lượng cá chết đến sáng nay ước khoảng 35,6 tấn, còn tại TP Hòa Bình báo cáo có hơn 20 tấn cá lồng bè chết.

Bà Duyên cho biết, tỉnh Hòa Bình hiện đang có hơn 4.000 lồng bè nuôi cá nhưng ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình chỉ có 400 lồng bè, trong đó theo thống kê đến sáng nay có khoảng 251 lồng bè bị thiệt hại. Ước tính, khoảng 7-8 tỷ đồng đã ra đi theo nước lũ.

Theo bà Đặng Thị Duyên, ngay sau khi có hiện tượng cá chết, Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình đã cử cán bộ xuống thực địa lấy mẫu nước và cá để gửi xuống Viện Khoa học công nghệ Việt Nam để kiểm tra nguyên nhân chính xác, tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết quả.

Đến thời điểm này, tỉnh thiệt hại nặng nề hơn lại là Phú Thọ. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, nơi chịu thiệt hại nặng của tỉnh là huyện Thanh Sơn thuộc hạ lưu sông Đà, nơi đang có hơn 440 lồng bè nuôi cá của bà con ven sông.

Theo ước tính, có hơn 200 lồng bè có cá ở huyện Thanh Sơn bị chết ngạt khí do xả lũ, số lượng ước tính khoảng 350 tấn, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Nguyên nhân được người dân cho rằng, khi xả lũ, dòng chảy lớn khiến cá bị ngạt khí nên chết, cộng thêm khi đập thủy điện mở cửa xả đáy thì các độc tố từ bùn đáy sẽ bị đẩy về hạ lưu.

Cuối chiều 24-7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN Việt Nam) vẫn chưa có quan điểm chính thức về chuyện có hỗ trợ người dân bị thiệt hại do xả lũ hay không ngoài phát ngôn của ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN Việt Nam: “Trong mùa mưa lũ, theo quy định, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng phải có trách nhiệm tuân thủ tuyệt đối lệnh điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai”.

Trao đổi với chúng tôi chiều 24-7, ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình) cho biết, cá chết nhiều một phần cũng do người dân chủ quan vì lâu rồi không có chuyện xả lũ.

Mặc dù đã được báo sẽ xả lũ trước một tuần nhưng chưa kịp có phương án tiêu thụ hay di chuyển lồng. Trước mắt, sau khi kết thúc đợt xả lũ, tỉnh Phú Thọ và Hoà Bình sẽ rà soát và tổng kết toàn bộ thiệt hại của người dân nuôi cá lồng trên khu vực bị ảnh hưởng của xả lũ để có phương án đề nghị hỗ trợ.

Và theo ông Son, mức hỗ trợ cũng sẽ chỉ áp theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Theo đó, lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/100m3 lồng.

Đối với diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 35.500.000 - 50.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 15.000.000 - 35.000.000 đồng/ha. Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ nào khác, người nuôi cá chịu ảnh hưởng của đợt xả lũ sẽ thiệt hại nặng nề bởi mức hỗ trợ quá ít ỏi.

Ngọc Yến

.
.