Các biện pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi
- Giám sát chặt chẽ, kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi
- Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng
- Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại hai tỉnh miền Bắc
- Trung Quốc thắt chặt kiểm dịch phòng chống dịch tả lợn châu Phi
- Đã có 4 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa gửi công điện tới các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai biện pháp ứng phó phòng chống dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Công điện nêu rõ, nhằm ngăn chặn bệnh ASF lây lan ra diện rộng do việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn cấp tỉnh có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.
Đối với cơ sở chăn nuôi lợn nằm trong vùng dịch đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật còn hiệu lực đối với các bệnh khác, nếu có nhu cầu vận chuyển lợn ra khỏi phạm vi vùng dịch phải được cơ quan thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh dịch và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. |
Đồng thời, phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh ASF tại các địa điểm trung chuyển, thu gom, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm lợn; tại các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi có lợn bị bệnh, nghi bị bệnh,....
Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh cũng như bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, Công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn.
Đối với các tỉnh, TP chưa có bệnh dịch ASF, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết... phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.
Đối với các địa phương có biên giới giáp với các nước, có cửa khẩu quốc tế, sân bay, bến cảng, Bộ NN&PTNT đề nghị tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với lợn, sản phẩm lợn, người và phương tiện từ các nước vào Việt Nam; nhất là đối với các nước có bệnh dịch ASF và những địa bàn có hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia dịch tễ, thú y, ngoài các tác nhân gây bệnh qua người và phương tiện mang mầm bệnh vào trang trại, thì các tác nhân khác là vật nuôi, hay ve nhiễm virus ASF cũng có thể là vật trung gian gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cục Thú y khuyến cao: Cơ chế lây bệnh của virus dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, dai dẳng, khó kiểm soát, vì vậy, cần tuyệt đối tuân thủ quy định "5 không" của Luật Thú y. Cục Thú y cũng đã có chỉ đạo: Khi phát hiện ổ dịch tả ASF, tuyệt đối người nuôi không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch.
Việc tiêu hủy cũng được áp dụng với các đàn lợn liền kề đối với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.
Đối với các trang trại chăn nuôi với số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh. Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.
Các chuyên gia dịch tễ cũng đưa ra khuyến cáo: Những nguồn mang virus lây cho trang trại mà mọi người ít quan tâm và hay xem thường, là: Chó, mèo, gà vịt... nuôi cùng trong trại; các loại chuột, bọ và côn trùng chích hút khác cũng là nguồn truyền bệnh. Ngoài ra, virus gây bệnh có thể sống rất lâu trong thức ăn dư thừa đã qua chế biến. Vì vậy, viêc sử dụng nguồn thức ăn dư thừa của con người cho lợn cần được cân nhắc và tốt nhất là nên bỏ.
Quy định “5 không” để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi 1.Không giấu dịch; 2.Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 3.Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; 4.Không vứt lợn chết ra môi trường; 5.Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. |