Bộ Tài chính biện minh đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Trả lời câu hỏi “vì sao điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế dẫn 5 lý do: Chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; Đảm bảo tính ổn định của Luật (trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn, Chính phủ chỉ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế cụ thể trong khung quy định bởi Luật, chứ không phải đợi tới khi Quốc hội nhóm họp); Tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của người dân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; Đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường.
Thị trường xăng dầu lại “dậy sóng” với đề xuất mới của Bộ Tài chính. |
Ông Thi cũng thừa nhận, việc mức thuế hiện hành đã gần kịch khung (nhiên liệu bay đã kịch khung) khiến dư địa điều chỉnh là rất ít. Đây là lý do Bộ này đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.
Biện giải cho lý do tránh chênh lệch giá nhiều với các nước láng giềng và cơ sở để đề xuất khung thuế từ 3.000 – 8.000 đồng/lít, Bộ Tài chính cho biết “giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3-4-2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang thứ 44 từ thấp đến cao (trong 180 nước), 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Lào cao hơn 4.806 đồng/lít, Campuchia cao hơn 2.826 đồng/lít, Thái Lan là 1.166 đồng/lít, Philippines là 3.375 đồng/lít. Đáng chú ý, giá xăng của Singapore cao hơn Việt Nam đến 16.175 đồng/lít và Hồng Kông cao hơn 26.518 đồng/lít.
Bộ này cũng cho rằng tỷ lệ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở của Việt Nam “đang ở mức thấp” 37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazút... so với Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%.
Bên cạnh bảo vệ quan điểm của mình về đề xuất, ông Phạm Đình Thi cũng “xoa dịu” dư luận bằng cách cho biết: Mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít. Việc điều chỉnh khung thuế chỉ nhằm giúp Bộ Tài chính “rộng tay” hơn trong điều hành.
“Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp” – ông Thi cho biết.
Trả lời câu hỏi về tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với sản xuất kinh doanh và giá cả tiêu dùng, ông Phạm Đình Thi lại cho rằng, do Bộ Tài chính “mới đề xuất điều chỉnh khung thuế trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài” chứ chưa có điều chỉnh thực sự, nên chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, ông Thi cũng trấn an “Khi đề xuất mức thuế cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”.
Tuy nhiên, câu trả lời “trớt quớt” này cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong xây dựng chính sách, bởi việc nâng khung thuế là để chuẩn bị cho việc nâng thuế thực sự (chứ không lẽ Bộ Tài chính rảnh rỗi đến mức nâng khung thuế để đấy chơi?), chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và giá cả thị trường. Việc này cần phải có tính toán kỹ càng để Quốc hội cũng như người dân có cơ sở thảo luận và quyết định.
Lý giải nguyên nhân chọn xăng dầu để tăng thuế trong khi có nhiều mặt hàng khác cũng gây tác hại tới môi trường như than, thép… ông Thi cho biết: Trong 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế (không bao gồm thép), Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm xăng dầu, túi nilon thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC), mà không đề xuất tăng đối với 5 nhóm còn lại (trong đó có than đá) do mức thuế cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế (vẫn còn nhiều dư địa để điều chỉnh, chưa cần nới khung).