“Bịt” kẽ hở pháp lý
Liệu pháp nào để kiềm chế, đẩy lùi những vụ việc vi phạm liên quan đến “cát tặc” trong thời gian tới? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với những người có liên quan.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ: Cần có quy định quản lý cụ thể đối với các tàu chuyên dụng
“Cát tặc” là vấn đề nhức nhối đã và đang tồn tại trong thời gian qua. Người dân không khỏi bức xúc trước tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, để góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, trước hết, cần có một quy định cụ thể hướng dẫn các địa phương về việc quản lý, xử lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn.
Qua đó, tránh sự “né” tránh trách nhiệm giữa các địa phương – nơi có tuyến sông nội địa kéo dài đi qua. Đối với các tàu thuyền chuyên dụng, trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ khai thác cát, cần có một quy định cụ thể quản lý.
Giống như hoạt động vận tải xe khách, khi tàu đi đến đâu cũng cần có giấy tờ chứng minh luồng tuyến mà xe lưu thông. Có như vậy mới tránh được tình trạng các đối tượng sử dụng tàu đi “lang thang” trên dọc tuyến sông và khi không có lực lượng chức năng xuất hiện, sẽ thả vòi rồng, móc ruột lòng sông, khai thác cát trái phép.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, liên quan đến tình trạng lợi dụng dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và có thể giao cho chính quyền sở tại cấp phép; giao UBND cấp tỉnh quản lý, cấp phép khai thác cho doanh nghiệp theo Luật Khoáng sản vẫn đảm bảo việc khơi thông luồng, đảm bảo chuẩn tắc luồng chạy tàu theo quy định pháp luật về đường thủy nội địa, đảm bảo hành lang thoát lũ.
Khi phát hiện có vi phạm, địa phương cấp phép đó phải chịu. Cách làm này sẽ làm tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động địa phương, đảm bảo quản lý tốt về ANTT, thuận lợi cho công tác quản lý và xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sớm đưa ra văn bản thống nhất về công tác quản lý, xử lý tình trạng vi phạm liên quan đến khai thác khoáng sản, trong đó có khai thác cát trên các tuyến sông đi qua nhiều địa bàn. Đây là khoảng trống pháp lý mà nhiều địa phương chưa có căn cứ và xử lý được.
![]() |
Lực lượng CSGT đường thủy – Công an tỉnh Hưng Yên tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác, vận chuyển cát trái phép. |
Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh: Chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề xử lý hình sự “cát tặc”
Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, Bắc Ninh là một trong ít những tỉnh mà cơ quan CSGT đã khởi tố được vụ án hình sự liên quan đến khai thác cát trái phép trên các tuyến sông. Trong những năm qua, cơ quan CSĐT đã tập trung đánh mạnh vào “cát tặc”.
Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở pháp lý nên từ năm 2014 đến nay, Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ mới khởi tố hình sự 1 vụ, với 2 bị can. Bởi lẽ, hiện các cơ quan chức năng chưa ra văn bản hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, để từ đó cơ quan chức năng căn cứ, khởi tố các đối tượng có hành vi vi phạm.
Do vậy, nhất thiết phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với hành vi vi phạm vào Điều 172, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Để từ đó, sẽ xử lý nghiêm, tạo sức răn đe đối với hành vi khai thác cát trái phép cát có liên quan. Nếu không, khi phát hiện các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng chỉ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đơn thuần thì khó có thể “răn” được các hành vi vi phạm.
Ông Đàm Đình Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh: Rà soát thường xuyên các dự án về nạo vét, khơi thông luồng lạch
Đề cập đến các giải pháp hạn chế “cát tặc” trong thời gian tới, ông Đàm Đình Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh khẳng định, chúng ta cần phải rà soát lại các dự án nạo vét, khai thông luồng lạch.
Qua đó, có một đánh giá tổng thể; đưa ra các giải pháp ngăn chặn, xử lý những vấn đề liên quan đi kèm, nhất là đối với tình trạng khai thác cát trái phép gây mất ANTT, mất an toàn hệ thống luồng lạch, đê điều của người dân.
Cùng với đó, phải nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương nào để xảy ra vi phạm kéo dài thì phải kiểm điểm, quy trách nhiệm thật cụ thể.
* Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương nêu ý kiến, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, triển khai đề án, theo đó lập các bãi tập kết phương tiện – tàu hút cát trái phép sao cho phù hợp. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ việc, chủ tàu khai thác cát vi phạm khi thấy lực lượng chức năng phát hiện, đã bỏ lại tàu và lẩn tránh xử lý. Cơ quan chức năng rất "đau đầu" khi không có bến bãi tạm giữ phương tiện. * Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã quán triệt, yêu cầu các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm cán bộ được giao thẩm định, ký trình cấp phép các bến bãi bốc xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng, các dự án khai thác cát, các dự án của Bộ Giao thông Vận tải để nạo vét luồng lạch, tận thu khoáng sản. |