Biến rác thành... tiền
- “Hô biến” rác thải vì một trái đất... khỏe mạnh hơn
- Biến rác đại dương thành gạch công trình siêu bền vĩnh cửu
- Doanh nhân 25 tuổi biến rác thải điện tử thành vàng1
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí về môi trường được xem là bài toán nan giải của các địa phương. Đặc biệt ở nông thôn, tình trạng xả rác bừa bãi dưới sông, kênh, rạch, ven bờ ruộng vẫn diễn ra; ý thức của người dân về xử lý rác thải chưa cao.
Tuy nhiên, tại Sóc Trăng, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh qua nhiều năm thực hiện đã góp phần đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường có hiệu quả.
Phụ nữ ấp Phước Thuận (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cân, bán phế liệu. |
Cứ 15h30 ngày 19 hàng tháng, tại điểm sinh hoạt cộng đồng ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), lại rôm rả tiếng phụ nữ đến sinh hoạt và cân, bán phế liệu. Đúng giờ, không ai bảo ai, không cần kêu gọi, từ các hướng, từng nhóm chị em xách bao, túi rác lại đông đủ.
Sau khi quy về một mối, 16h, người thu mua phế liệu xuất hiện, chị em xếp hàng để lần lượt cân phế liệu bán. Vỏ lon bia, chai nước ngọt, thùng carton, giấy vụn, ống nước, thau nhựa hỏng… được chị em gom, phân loại trong một tháng. Người gom nhiều bán được từ 30.000 – 40.000 đồng, người gom ít cũng bán được hơn 10.000 đồng.
Tiền bán phế liệu, chị em giữ lại 10.000 đồng để tiết kiệm hoặc góp vốn, còn lại đóng cho Chi hội trưởng. Cuối năm, số tiền Chi hội trưởng thu được lẫn số tiền góp vốn sẽ trả về cho chị em. Riêng tiền lãi cho vay vốn sẽ được dùng để liên hoan. Câu lạc bộ (CLB) “Thu gom rác vô cơ để gây quỹ” của Hội LHPN ấp An Trạch (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) tuy mới thành lập gần năm nay nhưng hoạt động khá hiệu quả.
CLB “Biến rác thành tiền” của Hội phụ nữ ấp Phước Thuận họp định kỳ ngày 19 hàng tháng để cân, bán phế liệu. |
Sau tháng đầu bỡ ngỡ, việc thu gom rác vô cơ để bán được chị em tích cực thực hiện. Số tiền được vay 500.000 đồng/người thực sự không lớn, nhưng đã giúp nhiều chị em có vốn buôn bán nhỏ hoặc tạm thời giải quyết khó khăn kinh tế.
Chị Thạch Thị Saly (ngụ ấp An Trạch), cho biết: “Tham gia CLB giúp chúng tôi biết được nhiều điều tốt, biết phân loại rác, biết giữ vệ sinh quanh nhà, giữ cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, giúp cho chị em có tiền trang trải cuộc sống trong gia đình”.
Chị Phạm Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN xã An Hiệp, chia sẻ: “Lúc đầu chị em không biết phân biệt đâu là rác vô cơ, rác hữu cơ. Đôi khi vứt rác bừa bãi ngoài đường do không biết tận dụng nguồn rác để ủ phân bón cây. Đến nay, chúng tôi đã thành lập được CLB ủ phân hữu cơ, họp định kỳ hàng tháng. Thông qua việc tham gia CLB giúp cho chị em nhận biết được rác vô cơ, còn rác hữu cơ tận dụng ủ phân bón cho cây. Đặc biệt, chị em biết tuyên truyền, vận động gia đình có ý thức trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương”.
CLB thu gom rác vô cơ để gây quỹ của huyện Châu Thành trải đều ở các ấp, Phước Thuận, Phước Hòa (xã Phú Tân); ấp An Trạch, Bưng Tróp và ấp Giồng Chùa A (xã An Hiệp); ấp Mỹ An (xã Thiện Mỹ)... Qua nhiều năm được nhân rộng, đến nay, mô hình này đã làm thay đổi ý thức của chị em vùng nông thôn trong bảo vệ môi trường.
Bà Triệu Thị Vui (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phú Tân), cho biết: “Tham gia CLB này trước hết mình sắp xếp được nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, sau đó tuyên truyền, vận động chị em xóm giềng chung tay bảo vệ môi trường”. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, hoạ
t động này là một trong những phong trào, sân chơi, giúp cho hội viên phụ nữ vừa có nơi sinh hoạt, chia sẻ và triển khai những chính sách của Đảng, Nhà nước, của Hội đến với chị em thuận lợi.
“Các CLB trên đã mang lại 3 lợi ích lớn là: nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng cách xử lý rác thải; không tốn kém thời gian, dễ làm, có tiền tích lũy; tạo được cảnh quang môi trường sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng NTM”, bà Loan cho biết.
Cùng với hơn 2.000 Tổ phụ nữ với mô hình “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, hoạt động của mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã góp phần thay đổi ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, đẩy lùi các hình ảnh rác thải bừa bãi bằng những ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát.