Bảo tàng đã được “cứu chữa”
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, đề xuất kiện toàn bộ máy nhân sự ban giám đốc của tất cả các bảo tàng và trình UBND thành phố trước ngày 1-5. Chỉ đạo này của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhằm hoàn thiện bộ máy nhân sự, để các bảo tàng ổn định hoạt động, bởi thời gian qua, câu chuyện nhân sự tại các bảo tàng vẫn trong tình trạng thiếu hụt.
Có nơi gần 2 năm qua chưa có giám đốc như Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, có nơi lại trống vắng toàn bộ Ban giám đốc (gồm 1 giám đốc và 2 phó giám đốc) vì tất cả đã nghỉ hưu nhưng chưa có người thay thế như Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND thành phố cơ bản chấp thuận các dự án. Cụ thể, với Bảo tàng Tôn Đức Thắng, thành phố không thực hiện cải tạo sửa chữa bảo tàng, thay vào đó chấp thuận chủ trương xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Với Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang khuôn viên sân vườn và đầu tư nâng cấp mở rộng bảo tàng, tuy nhiên cần xem xét lại quy mô, bảo đảm hợp lý, tránh lãng phí trong trường hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tại khu Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TP Hồ Chí Minh ở quận 9.
Đối với Bảo tàng Mỹ thuật, lãnh đạo thành phố chấp thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống kho lưu trữ và bảo quản hiện vật của bảo tàng. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh khẩn trương phối hợp, chỉ đạo triển khai hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho bảo tàng; giao Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khảo sát, đánh giá các thiệt hại của Bảo tàng Mỹ thuật do thi công Dự án tòa nhà Bitexco Finance Tower làm căn cứ yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục và đền bù thiệt hại.
Khách tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng. |
Với những đề xuất của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố chấp thuận thực hiện các dự án: xây dựng khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm cho các em học sinh (trên phần đất 400 m² hoán đổi từ Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm), dự án tu bổ di tích Bảo tàng Lịch sử và dự án tu bổ Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên.
Phương án thiết kế kiến trúc của khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm cho các em học sinh phải đảm bảo yêu cầu phù hợp quy hoạch và thiết kế kiến trúc tổng thể của di tích Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.
Đối với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận bố trí ngay vốn để thực hiện dự án mở rộng khối nhà trưng bày của bảo tàng. Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: Sở VH-TT thành phố chỉ đạo các bảo tàng và ban quản lý đầu tư xây dựng công trình của sở lập đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) thẩm định, lập dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc theo đúng quy định của Bộ Xây dựng (tại Thông tư số 23/2009/TT-BXD), triển khai đúng quy định pháp luật. Giao Sở KH-ĐT thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án nêu trên.
Ngoài các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống chống sét đã bị hư hỏng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Riêng các dự án liên quan đến hiện đại hóa trưng bày các bảo tàng, lãnh đạo thành phố sẽ nghiên cứu đầu tư đồng bộ sau khi tham quan, khảo sát thực tế tại Bảo tàng Hoàng thành Thăng Long.
Về đề án xây dựng Bảo tàng Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tại khu Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố yêu cầu Sở VH-TT bổ sung, làm rõ các nội dung như sau: căn cứ tên gọi, nêu rõ mối quan hệ giữa Bảo tàng Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng TP Hồ Chí Minh cùng hệ thống 6 bảo tàng hiện nay trên địa bàn thành phố để phân công, phối hợp hợp lý và khoa học; tránh sự trùng lắp, thiếu chuyên sâu, không có hiện vật mới, cách trưng bày cũng như các đối tượng tham quan.
Cần nêu rõ nguồn tư liệu, hiện vật gốc được thu thập, quy mô, chủng loại và nguồn kinh phí thực hiện thu thập; nêu rõ giải pháp và công nghệ trưng bày; làm rõ đối tượng tham quan bảo tàng; các giải pháp phối hợp với ngành giáo dục để đưa học sinh sinh viên và khách đến tham quan. Thành phố cũng yêu cầu nêu cụ thể phương án tài chính để vận hành, khai thác, bảo quản các hiện vật.
Về địa điểm đề xuất thực hiện là khu Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TP Hồ Chí Minh, nhưng cần làm rõ thêm các chi tiết: thiết kế bảo tàng phải đặt trong quy hoạch tổng thể của khu Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TP Hồ Chí Minh và các khu giáp ranh để khai thác sử dụng hài hòa không gian, cảnh quan… của toàn khu, tránh trùng lắp với công trình khác, phải thiết kế không gian mở và không xác định khuôn viên bằng tường rào, có kết nối giao thông phù hợp.