Bài giải nào cho đầu ra của rau an toàn ở Hà Nội?

Thứ Hai, 03/10/2016, 09:14
Sử dụng rau an toàn (RAT) là nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng hiện nay. Nhưng nghịch lý là RAT ở Hà Nội sản xuất ra lại không có nơi tiêu thụ, dẫn tới nông dân phải mang rau ra chợ bán trôi nổi.

Bài 1: Rau an toàn phải bán thành rau thường

Sử dụng rau an toàn (RAT) là nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng hiện nay. Nhưng nghịch lý là RAT ở Hà Nội sản xuất ra lại không có nơi tiêu thụ, dẫn tới nông dân phải mang rau ra chợ bán trôi nổi. 

Điều vô lý này tồn tại nhiều năm khi nhu cầu tiêu thụ cao nhưng đầu ra lại vô cùng khó khăn do ít người đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cửa hàng RAT. Hà Nội đã thực hiện “Đề án về Sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn 2009-2016” với kinh phí lên tới cả trăm tỉ đồng, nhưng rốt cuộc người tiêu dùng vẫn không biết mua RAT ở đâu?

Được sử dụng rau an toàn là nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng hiện nay. Ảnh: CTV.

Có thời điểm, cửa hàng RAT “mọc” lên rất nhiều ở Hà Nội và nó cũng nhanh chóng bị “chết yểu” do không trụ được trước sự khốc liệt của thị trường. Có cửa hàng phá sản vì không chịu nổi chi phí quá cao khi kinh doanh RAT dẫn tới thua lỗ; lại cũng có cửa hàng vì làm ăn không đứng đắn, đã tự giết mình. 

Ngay cả một số siêu thị cũng lập lờ đánh lừa người tiêu dùng bằng cách đóng gói rau trong túi nilon, dán tên người sản xuất… khiến người mua lầm tưởng đó là RAT. Còn người nông dân sản xuất RAT lại không bán được rau với giá trị thực vì không tìm được đầu ra, rau phải mang tiêu thụ ở chợ dân sinh, chợ đầu mối. 

82,6% người sản xuất tự mang RAT bán ở chợ đầu mối, chợ dân sinh

Trên thị trường Hà Nội hiện có hai loại rau được cho là “sạch” đó là RAT và rau hữu cơ. Để sản xuất RAT thì người nông dân phải thực hiện 30 quy trình kỹ thuật, còn rau hữu cơ là 10 quy trình. 

Hà Nội đã thí điểm nhiều vùng sản xuất RAT theo chương trình VietGAP, người nông dân đã được tập huấn kỹ thuật, quá trình sản xuất đều có sự giám sát của cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (BVTV). Sản xuất rau hữu cơ hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học, nên chất lượng đảm bảo an toàn. Đến nay, Hà Nội đã có 37 dự án xây dựng hạ tầng vùng RAT. 

Và theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội thì đến cuối năm 2015, Hà Nội đã có diện tích 5.100ha trồng RAT, 224ha rau VietGAP và 40ha rau hữu cơ. So với sản xuất rau thường, RAT phải chịu nhiều chi phí hơn, nên giá thành rau ra thị trường sẽ cao hơn. Tuy nhiên, do đầu ra đang bị thu hẹp nên người trồng RAT phải mang rau bán ở chợ dân sinh, chợ đầu mối với giá như rau thường. Tại sao lại có sự vô lý này?

Giải thích nguyên nhân, ông Nguyễn Duy Hồng cho biết: “Hiện ít doanh nghiệp đầu tư vào cửa hàng RAT do lợi nhuận thấp, rủi ro cao và gặp nhiều bất cập như giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao. Mở cửa hàng RAT vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít… dẫn tới phá sản”. 

Ông Hồng cũng cho biết thêm, nhiều cửa hàng kinh doanh RAT sau một thời gian đã đóng cửa vì thua lỗ, thế nên nhiều người không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Ngay cả thương hiệu RAT đình đám một thời như nhãn hiệu Liên Thảo (Công ty rau Long) đã từng có 60 cửa hàng giờ cũng phá sản. 

Anh Lê Năng Công, chủ hai cửa hàng Rau quả và Thực phẩm an toàn Hà An cho biết: “Nếu chỉ kinh doanh đơn thuần RAT thì chúng tôi không sống nổi, phải tìm nguồn thực phẩm sạch khác để bán cùng mới đủ chi phí”.

Người tiêu dùng đang chọn mua rau hữu cơ.

Tương tự như vậy, chị Nguyễn Thị Ngà, một người kinh doanh rau tại chợ cóc trên địa bàn phường Bưởi, quận Tây Hồ than vãn: “Nhà tôi trồng RAT ở Vân Nội. Rau tôi bán ở đây vừa của nhà, vừa mua lại của bà con nông dân. Ngày trước tôi có treo biển RAT nhưng giờ không treo nữa. Vì giá rau bán ở chợ cóc này như giá rau thường, treo biển RAT người tiêu dùng đặt vấn đề ngay, sao giá lại rẻ thế?”. 

Theo số liệu điều tra của Chi cục BVTV thì hiện trạng phân phối, tiêu thụ RAT có 6 hình thức: Các siêu thị chiếm khoảng 1,5% sản lượng RAT; cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể) chiếm 1,8%. Các thương lái đem đi tiêu thụ chiếm 12,6%. Còn người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh và bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm tỷ lệ cao nhất: 26,8% bán ở chợ dân sinh và 55,8% sản lượng RAT bán ở chợ đầu mối.

“Ma trận” quảng cáo RAT, rau hữu cơ

Xuất phát từ nhu cầu cao của người tiêu dùng về tìm mua RAT, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch mọc lên càng nhiều trên thị trường và trên các trang mạng. 

Tới một cửa hàng “Rau an toàn – Thực phẩm sạch” 3 miền tại Khu đô thị Trung Văn, Hà Nội chúng tôi thấy quầy rau ở đây có một góc để RAT Vân Nội, còn lại là rau thường. 

Hỏi người bán hàng thì họ cho biết, do giá RAT đắt không phải ai cũng mua nên phải bán thêm cả rau thường. RAT đóng trong bao bì nilon, nhãn mác ghi đầy đủ. Theo một cán bộ của Chi cục BVTV thì nếu nhìn nhãn mác, bao bì đóng gói thế này thì cơ quan quản lý và lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra sẽ truy nguyên được nguồn gốc.

Nhưng tại một số cửa hàng treo biển “thực phẩm sạch” quảng cáo bán RAT hiện nay lại không có bao bì, tem, nhãn, nơi sản xuất. “Tôi mua rau hữu cơ ở một cửa hàng tại khu đô thị Trung Hòa, bằng cảm quan thì thấy rau rất cằn, sâu, nhưng lại không có bao bì, nhãn mác ghi nơi sản xuất. Tôi hỏi cửa hàng thì bảo mấy loại đó trồng ở Mộc Châu. Người mua chỉ biết tin vậy” – anh Bùi Minh Hải, ở phường Bưởi cho biết. 

Hiện nay, rau hữu cơ có giá thành cao gấp 4-5 lần rau thường. Trên mạng có một số trang quảng cáo bán rau hữu cơ được trồng ở vùng ngoại thành Hà Nội và được nhiều người tiêu dùng đặt mua. Theo ông Nguyễn Duy Hồng thì Hà Nội có 40ha sản xuất rau hữu cơ, trong đó huyện Sóc Sơn có gần 30ha (xã Thanh Xuân chiếm trên 25ha) và trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) 10ha. 

“Người tiêu dùng phải kiểm tra lại thông tin, sản phẩm lấy ở đâu, người sản xuất là ai, chứ không nên vội vàng tin mà mua với giá đắt. Đối với RAT mua ở siêu thị thì phải đóng túi, trên túi có tem, nhãn, ghi cơ sở sản xuất. Người tiêu dùng hay bị nhầm lẫn, có khi rau đóng trong túi, trên túi chỉ ghi người sản xuất là Nguyễn Thị T thì lại tưởng đây là RAT. Thật ra đây là rau thường, bao bì có ghi RAT đâu? Do vậy, khi mua RAT ở siêu thị thì nên hỏi rõ xuất xứ, tem nhãn, địa chỉ sản xuất”- ông Hồng khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.