Những góc khuất ở Sài Thành

Đánh giày - giang hồ 'khổ'

Thứ Bảy, 05/09/2015, 13:59
Tướng tá gầy gò, răng đen vì nhựa thuốc, Mẫn vừa liền tay đánh giày vừa tâm sự với tôi như một người bạn: “Tui 22 tuổi nhưng có 15 năm trong nghề rồi đó sư huynh!”.
>> Thiên đường cà phê "đèn mờ" ở TP Hồ Chí Minh

Tướng tá gầy gò, răng đen vì nhựa thuốc, Mẫn vừa liền tay đánh giày vừa tâm sự với tôi như một người bạn: “Tui 22 tuổi nhưng có 15 năm trong nghề rồi đó sư huynh!”. Tôi trợn mắt, Mẫn hiểu ý nói tiếp: “Tui từ Phú Yên bỏ nhà đi năm 7 tuổi. Từng vào Nam ra Bắc, bây giờ quyết trụ lại Hồ Con Rùa (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Mà ở đây chỉ còn mình tui chớ mấy”.

Đoạn Mẫn dừng tay, châm điếu thuốc rít một hơi thật dài trông rất già dặn rồi kể lại chuyện ngày xưa: “Lúc trước khu vực này có chút xíu mà đến 30 thằng. Đói quá, tui rủ thêm 2 thằng đi xe chui ra Hà Nội. Chắc tại cái số sống ở hồ nên ra đó tui lại đánh giày ở Hồ Gươm, tối ngủ luôn ở đấy. Mà trời Hà Nội lạnh thấu xương, tụi tui chịu hổng nổi nên mới 3 tháng đã trở lại Sài Gòn”.

Biết tiếng tăm của con hẻm 148 Tôn Đản (quận 4) hồi thời trùm giang hồ Năm Cam còn hoạt động, Mẫn thử liều một phen về ngay đầu con hẻm vừa để đánh giày vừa tìm thêm chiến hữu để nương thân. Vốn còn nhỏ lại phải chịu cảnh đêm đêm sống cùng đao búa, Mẫn cảm thấy tương lai chẳng sáng sủa gì nên trôi dạt về bến xe Miền Đông. Nhưng cũng được một thời gian thì quay lại Hồ Con Rùa cùng với các chiến hữu ngày xưa. Khi đó khu vực này có đại ca Lâm, quản lý hơn 30 đệ tử.

“Cứ hàng ngày mỗi thằng lính nộp cho đại ca 5.000 đồng (tương đương tiền công đánh một đôi giày). Đại ca chẳng phải làm gì nhưng khi đàn em có chuyện rắc rối thì đứng ra giải quyết”. Theo Mẫn, đại ca của trẻ đánh giày cũng có người tốt, kẻ xấu. Có kẻ lấy tiền của đàn  em đi đánh bạc, ăn chơi, hút chích nhưng cũng có người thương đàn em lắm. Như hồi trước ở bến xe Miền Đông, đại ca yêu cầu mỗi đứa cũng đóng 5.000 đồng/ngày nhưng sung vào “Quỹ tình thương” để khi có chuyện bất trắc hoặc gặp ốm đau thì lấy tiền mua thuốc men. “Vậy đại ca lấy gì sống?”. Mẫn cho hay: “Lúc đó ổng lên đời rồi, đi bảo kê cho nhà hàng, quán ăn chứ đâu còn “bèo” nữa nhưng thương đàn em nên vẫn làm đại ca”.

Tôi hỏi: “Mỗi ngày kiếm được bao nhiêu?”. Mẫn cho biết: “Chừng một hai trăm ngàn”. “Tối đến ở đâu? Làm gì?”, “Đêm nào tui cũng đi lòng vòng khu vực này để canh mấy thằng “ăn hàng”, thằng nào lớn chớn là bị xử ngay. Còn chỗ ngủ thì… ngoài đường thiếu gì!”, Mẫn chia sẻ. “Vì sao phải canh trộm, cướp?” –

Tôi hỏi tiếp. Mẫn trả lời: “Ở đây bây giờ chỉ có mình tui, lỡ có chuyện giựt dọc cướp bóc người ta tưởng tui đồng lõa. Mà vậy thì Công an dòm ngó, khách không tin tưởng, ai dám đưa giày cho mình đánh”. Nói rồi Mẫn tự hào kể: “Bữa trước, có một chị sinh viên ghé đây uống cà phê bị 2 thằng cướp giựt mất sợi dây chuyền. Tui hỏi, chị đó nói 2 thằng đi chiếc Dream, tóc quăn… Tui biết, tụi nó ăn quen sẽ tới. Thiệt đúng, 2 ngày sau nó tới, tui chặn xe lại làm dữ, nó nhận liền. Tui buộc nó đi chuộc lại sợi dây chuyền trả lại cho người ta”. Tôi thắc mắc: “Cậu mày ròm thế sao địch lại 2 thằng?”. Mẫn khẳng định: “Ăn thua mình gan lì là được”.

Đánh giày trên đường phố Sài thành.

Sơn 30 tuổi, quê Quảng Xương (Thanh Hóa) có 17 năm lưu lạc ở Sài Gòn và hiện đang hành nghể ở khu vực đường Nguyễn Trãi, quân 1. Thưở mới vào nghề, Sơn theo một nhóm đồng hương đánh giày tại khu vực ga Sài Gòn nhưng chẳng bao giờ được yên vì liên tục bị các nhóm đánh giày lâu năm ở đây đánh bật ra. Bởi số người đánh giày quê Thanh Hóa lúc này rất ít, đông nhất là nhóm người quê Hà Tĩnh, Nghệ An. Địa bàn được phân chia rõ ràng, không ai xâm phạm ai. Riêng khu Đồng Khởi, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành (quận 1) thì chủ yếu là dân địa phương, những nhóm ở tỉnh không bén mảng vào được. Đứa nào cố tình thì ắt phải bị “xử” để bảo vệ “nồi cơm”. Tuy nhiên, những lần ra tay ấy không khốc liệt, tàn bạo như những cuộc thanh toán của giang hồ thực thụ mà chỉ “đánh cho một trận sưng mày sưng mặt”.

Sơn cho biết, dân đánh giày mỗi tỉnh đều có một đại ca đứng đầu nhóm làm nhiệm vụ bảo kê, dàn xếp, phân chia địa bàn hoạt động với các nhóm tỉnh khác. Kẻ đứng đầu nhóm người đánh giày quê Thanh Hóa lúc bấy giờ là “chuyên gia hai ngón” Tưởng “có”, 20 tuổi, rất khỏe mạnh. Tướng tá cao to, ăn vận lịch sự nên Tưởng “có” rất dễ trà trộn vào đám đông mà không ai nghĩ đó là kẻ móc túi.

Mỗi tối Tưởng “có” vào các nhà hàng, quán bar ăn chơi từ số tiền móc túi và thu gom của nhóm đánh giày. Cứ vào giờ chiều, đám trẻ phải tự giác cống nạp cho Tưởng, nếu không sẽ bị ăn đòn ngay. Tuy nhiên chuyện bị đánh đập ít xảy ra vì hầu hết trẻ đánh giày là dân bụi đời, lang thang nên chúng cũng cần chỗ dựa để yên lòng. “Buồn nhất là đa phần đồng nghiệp của em đều dính vào ma túy. Có lần chứng kiến thằng bạn chung phòng thiệt mạng vì sử dụng ma túy quá liều, em dời chỗ ở ngay và nguyện sẽ không bao giờ dính đến ma túy”-Sơn bộc bạch.

Trà trộn trong nhóm người đánh giày chân chính có cả những thanh niên trai tráng “đầu trộm đuôi cướp”, phần lớn là con nghiện, chuyên đi “đá” giày. Ai mất cảnh giác đưa giày cho chúng đánh thì coi như… phải mua đôi giày mới! Trước đây, đối tượng mà chúng nhắm đến là khách nước ngoài hay người mang giày xịn nhưng nay thì giày cỡ nào cũng lấy. Để chống “đá” giày, nhiều người khi đánh chỉ đưa một chiếc, đánh xong lại chưa chiếc khác nhưng vẫn bị chúng giật trên tay. Cho nên, đánh giày phải đánh mối quen và đây cũng chính là cơ sở để phần chia vùng họat động.

Theo các “trùm” đánh giày thì giày bị lấy cắp hầu hết được bán về chợ Dân Sinh (quận 1) với giá vài chục ngàn, đủ để mua một liều heroin. Dân đánh giày chân chính rất ghét những kẻ “mạo danh” nên thoáng thấy bọn này là “trùm” khu vực liền đưa vào tầm ngắm, thấy giở trò là lập tức ra tay. Trong trường hợp không kiểm soát được để mất giày, “trùm” sẽ sẵn sàng truy lùng để lấy lại giày cho khách. Quốc, đánh giày ở khu vực Đồng Khởi, khẳng định: “Chỉ cần khách hàng mô tả mặt mũi thằng đó ra sao là tụi này lùng ra ngay”.

Một lớp giang hồ kế thừa

Khi bước sang tuổi thành niên mà còn trụ lại nghề như Mẫn, như Sơn là không nhiều vì trẻ đánh giày thường có xu hướng đổi nghề cho ra vẻ đàn ông như đi làm phụ hồ, bốc xếp, lơ xe… Có đứa cưới vợ thì từ giã cuộc sống “ăn bờ, ngủ bụi”, thuê nhà trọ trong những khu ổ chuột tồi tàn. Mới đây, Thông (đánh giày ở khu ngã sáu Cộng Hòa) và cô bé bán báo dạo tổ chức một buổi tiệc ở quán nhậu bình dân trên đường Lý Thái Tổ để đãi hàng chục đứa trẻ bán báo, bán giày và tuyên bố thành hôn, thế là “góp gạo thổi cơm”. Đó là đối với trẻ hướng thiện, ngược lại, nó sẽ tập tành ở chốn giang hồ. Tỷ lệ này trẻ này nằm nhiều trong nhóm “trùm” khu vực hay bậc đại ca. B “củi”, trước đây là “trùm” đánh giày ở khu vực quanh rạp chiếu phim Thăng Long (quận 3) nay đã trở thành một tay bảo kê cho các quán nhậu, nhất là các quán nhậu vỉa hè.

Những kẻ như B “củi”, nếu mạnh tay và liều lĩnh hơn thì không chỉ thu tiền bảo kê mà còn “bán” luôn cả vỉa hè. Tức là, để có một chỗ bán phở, cơm tấm, cà phê… trên vỉa hè thì người bán phải bỏ tiền ra để mua lại từ các thế lực đen này. Nếu không thì đừng hòng bán buôn gì được. Từ đây đã phát sinh ra một vấn nạn đó là lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán gây mất an ninh trật tự cũng như cảnh quan môi trường, làm đau đầu chính quyền các cấp. Khi lực lượng giữ gìn trật tự đô thị ra quân thì họ tạm thời nghỉ bán, sau đó đâu lại vào đấy. Hai chiêu phổ biến để giành quyền bảo kê là mỗi khi hàng quán mở cửa, hai kẻ bảo kê ở trần với hình xăm vằn vện bày bộ cờ tướng ngồi đánh trên vỉa hè. Khách hàng đi ngang thấy thế chẳng ai dám vào quán. Hoặc chúng giả làm khách đến ăn uống sau đó cự cãi và đánh nhau. Chúng làm chừng vài lần thì chủ quán đành thỏa hiệp…

Nếu không bám trụ lại địa bàn để làm bảo kê, những kẻ gan lì, liều lĩnh này rất dễ trở thành giang hồ nguy hiểm, cầm đầu các băng nhóm trộm cắp, cướp bóc, đâm thuê chém mướn... Vì vậy mà có thể nói, giai đoạn đi đánh giày của những trẻ lang thang cũng giống như một “lớp học sơ cấp” trước khi chúng trở thành một lớp giang hồ kế thừa. Ai ngăn chặn, ai uốn nắn để chúng trở thành một người lương thiện? Nhà nước hiện đang ra sức giải quyết vấn nạn trẻ mồ côi, người thang lang… Chúng tôi hy vọng cần có sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng được đề cập trong bài viết này.

Mã Hải - Minh Đức
.
.
.