Súng đồ chơi - hậu quả thật

Bài 1: Trẻ bắn chơi, người lớn nhập viện

Chủ Nhật, 06/09/2015, 08:41
“Có cầu ắt có cung” lợi nhuận từ việc mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, trong đó đáng chú ý là súng nhựa, súng bắn bi, bắn đinh… gọi chung là súng đồ chơi gây sát thương khiến các đối tượng tìm đủ mọi cách tuồn hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thật nguy hiểm khi các loại súng giả này rơi vào tay những kẻ xấu... rồi bị một số đối tượng sử dụng làm phương tiện gây án.


Những ngày giữa tháng 8/2015, dư luận cả nước bàng hoàng trước việc một cháu bé 6 tuổi, dùng súng nhựa (loại đồ chơi Trung Quốc) vô tình gây trọng thương cho một người bạn của bố đến chơi nhà… Đó chỉ là một việc vô ý, nằm ngoài ý muốn, song điều đó cũng cho thấy tính chất nguy hiểm và độ sát thương của những loại súng giả, được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.  Thời gian qua, không ít đối tượng đã sử dụng những khẩu súng giả, có hình dạng giống như súng thật được nhập lậu từ Trung Quốc, bày bán công khai trên thị trường làm công cụ gây án.

Vụ việc hy hữu trên xảy ra tại phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Nhất (25 tuổi, quê Hà Tĩnh), nhờ được đưa vào cấp cứu kịp thời nên đã qua được cơn nguy kịch nhưng mỗi khi nhớ lại sự việc đã xảy ra anh vẫn bàng hoàng, vì tính chất nguy hiểm của khẩu súng nhựa Trung Quốc.

Tối 16/8, anh Nhất đến nhà người bạn tên Dương ở phường Tăng Nhơn Phú B chơi. Trong lúc ngồi chơi đùa với cháu trai (khoảng 6 tuổi) con anh Dương, cháu bé cầm khẩu súng nhựa (loại đồ chơi Trung Quốc) bắn vào người anh Nhất. Khi thấy anh Nhất gục xuống kêu la, mọi người trong nhà tưởng anh đang trêu đùa với cháu bé nên ôm bụng cười…

Chỉ đến khi máu từ bụng anh Nhất chảy ra, mọi người mới hốt hoảng đưa anh Nhất vào bệnh viện cấp cứu. Ngay lập tức, nạn nhân được chuyển lên phòng mổ, các bác sĩ đã lấy ra cây đinh dài khoảng 4cm. Được biết, cây súng nhựa gây ra vụ tai nạn trên là loại đồ chơi của Trung Quốc được mua ở chợ Long Trường, quận 9. Sau đó, một người cháu của anh Dương (hiện đang học lớp 12), đã chế lại, gắn thêm lò xo tạo lực mạnh dùng để bắn chuột nhưng người nhà không biết nên dẫn đến vụ việc đáng tiếc.

Một lô súng bắn đạn nhựa bị lực lượng chức năng thu giữ khi đang trên đường vận chuyển về Hà Nội.

Trong một số trường hợp, đối tượng còn sử dụng súng nhựa làm công cụ và phương tiện để thực hiện hành vi cướp tài sản. Vụ cướp xảy ra tại ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước vào ngày 21/8 vừa qua là một điển hình. Do cần tiền tiêu xài, Phan Đức Huỳnh rủ Đặng Văn Đồng (cùng 23 tuổi, trú tại thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) dùng súng nhựa của Đồng đi dọa người khác để cướp tài sản, Đồng đồng ý. Khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, cả 2 đến khu vực ấp 4, xã Đồng Tiến, phát hiện nhà ông Bùi Xuân Hoài (50 tuổi) còn mở cửa và điện sáng nên Huỳnh đứng ngoài cảnh giới, còn Đồng dùng súng nhựa vào trong nhà.

Lúc này, cả gia đình ông Hoài đang ngồi xem tivi ở phòng khách, Đồng tiến đến gần bà Bùi Thị Tuyết (50 tuổi, vợ ông Hoài) và chị Bùi Thị Thanh Tuyền (26 tuổi, con gái ông Hoài), dùng súng nhựa, khống chế yêu cầu đưa tiền. Trước hành động ngông cuồng của đối tượng, ông Hoài xông đến tước súng, còn bà Tuyết và chị Tuyền tri hô khiến các đối tượng sợ hãi bỏ chạy. Ông Hoài đuổi theo Đồng, ôm chặt đối tượng thì tên này dùng dao đâm nhiều nhát vào người ông Hoài gây thương tích rồi bỏ chạy…

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Thị Tám, Đội trưởng Đội Quản lý vũ khí vật liệu nổ và Công vụ hỗ trợ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Nhìn bề ngoài, rất khó phân biệt được được đây là các loại súng giả, súng đồ chơi được sản xuất từ nước ngoài... 

Các loại mẫu mã sản xuất đa dạng, hình thức bên ngoài giống với các loại vũ khí quân dụng được sử dụng trong lực lượng vũ trang. Vì thế khi rơi vào tay của những kẻ xấu rất dễ bị lợi dụng để biến thành công cụ phạm tội.

Trở lại vụ thảm án ở Bình Phước gây xôn xao dư luận những ngày qua. Trong buổi họp báo chiều 11-7, trả lời những thắc mắc của dư luận về hai "khẩu súng" của hung thủ Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm án, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 đã giải thích rõ. 

Ở góc độ "người trong cuộc", Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát cũng khẳng định, khẩu súng màu đen, chỉ là súng bắn bi, một đồ chơi chứ không phải súng thật (hai nghi can còn mang theo một súng điện khi gây án). Tuy nhiên, hai nghi can đã sử dụng vật này như một trong các hung khí để đe dọa, khống chế các nạn nhân khiến họ không thể chống cự...

Lợi nhuận là nguyên nhân khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào để thực hiện hành vi phạm tội. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì để vận chuyển các loại súng giả trên, các đối tượng hình thành nhiều đường dây khép kín từ đường biên vào nội địa. Đối tượng ở bên kia biên giới tuồn hàng vào trong nội địa, thông qua các con đường tiểu ngạch, trà trộn vào hàng hóa được phép vận chuyển vào trong đường biên. Từ đây, các chủ hàng thu gom rồi thuê xe ôtô vận chuyển từ các tỉnh biên giới về sâu trong nội địa. 

Trong thời gian qua, lực lượng Công an cả nước liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển các loại đồ chơi nguy hiểm, trong đó có súng nhựa nhưng các vụ việc vẫn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là vào dịp Tết Trung thu sắp đến gần.

Lúc 21h ngày 7/2, tổ công tác liên ngành gồm lực lượng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lí kinh tế và chức vụ, Phòng CSGT (Công an tỉnh Bắc Giang) và Đội chống hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, kiểm tra xe tải BKS 98C-049.99, phát hiện trên xe đang vận chuyển một lượng lớn đồ chơi trẻ em với 4.500 khẩu súng bắn đạn nhựa các loại và 80kg viên đạn bi nhựa do Trung Quốc sản xuất. Người vận chuyển số hàng trên là Đỗ Văn Nguyện (30 tuổi, ở thôn Ngọc Sơn, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) khai, vận chuyển thuê cho chủ hàng là Nguyễn Thị Kim Thư (40, trú tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội). Chủ hàng Thư cũng thừa nhận mua từ Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó thuê anh Nguyện vận chuyển về Hà Nội với giá 7 triệu đồng.

Trong nội địa, cũng hình thành một nhóm tiêu thụ súng đồ chơi, súng giả... Để tránh bị phát hiện, trong trường hợp này các đối tượng xé lẻ, vận chuyển bằng xe máy, bán cho người tiêu dùng, hầu hết là những thanh niên mới lớn, tại các cửa hàng mua bán đồ chơi. 

Xuân Mai
.
.
.