550 tỷ đồng để xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép Hà Nội xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Dự kiến, kinh phí triển khai dự án khoảng 550 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch do UBND TP Hà Nội đề xuất.
Theo UBND TP Hà Nội, nước sông Tô Lịch hiện ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sức khỏe và đời sống nhân dân khu vực dọc hai bên sông. Thời gian qua, TP đã triển khai nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm sông Tô Lịch. Trong đó, TP đã triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, hiện đang vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên, sau khi Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động (dự kiến hoàn thành toàn bộ hệ thống năm 2027), các nguồn nước bổ cập cho sông Tô Lịch được thu gom dẫn đến sông Tô Lịch sẽ bị cạn.
Theo dự báo, đến năm 2030, chưa thể hoàn thành việc bổ cập nước sông Hồng cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, thời gian tới vào mùa khô, sông Tô Lịch sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cảnh quan đô thị.
UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Dự án sẽ hoàn thành trước tháng 9/2025.
Ngoài ra, UBND Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho TP sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo mục tiêu, tiến độ dự án.
Sông Tô Lịch dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt; điểm cuối có 2 hướng thoát, thứ nhất thoát ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và hướng thứ hai thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở.