4,8 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần

Thứ Bảy, 11/06/2022, 09:10

Đây là thực trạng đáng buồn được đưa ra tại Hội thảo "Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 10/6. Tuy nhiên, đây cũng là thực tế cần được các cơ quan xây dựng chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần lưu tâm khi xây dựng các chính sách liên quan đến BHXH trong thời gian tới đây.

Lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách công và Quản lý (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt trong năm 2021, qua khảo sát nhóm người 30 đến 40 tuổi, nhóm chiếm tỉ trọng cao nhất trong dân số Việt Nam thì có hơn 30% có tiết kiệm và đầu tư nhưng thu nhập chính vẫn dựa vào tiền công, tiền lương.

Vậy nhưng, nhóm này cũng vẫn có nhiều nguy cơ rủi ro về việc mất thu nhập bởi việc làm cũng vẫn có thể mất đi. Trong khi đó, bước sang năm 2022, đặc biệt giai đoạn hậu COVID-19, có đến 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm từ 20 - 30% so với trước dịch.

"Hàng loạt khó khăn đã bủa vây người lao động trong việc tìm kiếm thu nhập lẫn việc làm. Điều này khiến người lao động buộc phải rút BHXH một lần nhằm có tiền chi tiêu cho cuộc sống. Qua các khảo sát, chúng tôi nhận thấy độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây thì đã có đến 4,8 triệu người rút BHXH một lần", TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý cho biết.

Liên quan đến việc người lao động rút BHXH một lần ngày càng tăng, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng ở góc độ của công nhân, người lao động là do làm không đủ ăn.

Một số nghiên cứu, khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn vừa qua đã cho ra những kết quả đáng quan ngại như: có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Công nhân, người lao động phải làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Nếu công nhân không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh.

"Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc không ít công nhân, người lao động phải rút BHXH một lần dù biết sẽ thiệt thòi về sau. Tuy nhiên, chính vì họ quá khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vì lo ngại chính sách BHXH thay đổi trong tương lai, do vậy cần có công tác tuyên truyền đúng đắn cho người lao động để hiểu rõ vấn đề rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới thì mới giảm đi việc rút BHXH một lần", TS Vũ Minh Tiến lý giải.

bhxh-mot-lan-9266.jpg -0
Không ít người lao động còn băn khoăn với chính sách Bảo hiểm xã hội hiện nay.

Giải pháp căn cơ là việc làm ổn định

Theo con số của BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết BHXH một lần cho 308.100 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết tháng 5 năm 2022, cả nước có 390.397 người giải quyết hưởng BHXH một lần, giảm 40.189 người so với cùng kỳ năm 2021 (giảm 9,4%). Tuy vậy, đây vẫn là con số lớn nếu so sánh với tỷ lệ người tham gia vào hệ thống BHXH.

Chính vì thế, theo các chuyên gia, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần và thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu thì thì nên xem xét giảm thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm. Bổ sung các quyền lợi để gia tăng sự hấp dẫn thu hút người lao động tham gia BHXH; xây dựng hệ thống BHXH đa tầng với sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng...

Tại hội thảo, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam cho rằng, các nhà soạn thảo luật liên quan đến BHXH hãy cùng các chuyên gia, nhà khoa học, xã hội học, các cơ quan, ban, ngành như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các hội nghề nghiệp… phân tích, nghiên cứu toàn diện cuộc sống, đời sống người lao động nhiều tầng lớp, nhiều tỉnh, thành, ngành nghề cả chính thức và phi chính thức.

"Tôi cho rằng cần có một nghiên cứu cụ thể về đời sống công nhân lao động để sửa đổi Luật BHXH cho phù hợp. Các nhà soạn thảo Luật BHXH sửa đổi muốn giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu sớm hơn trước kia, giảm từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm thì đã nghe dư luận công nhân, người lao động chưa? Người lao động nói tại sao đang quy định 20 năm giờ đột ngột đổi còn 15 năm làm họ trở tay không kịp. Không ít người chưa đóng đủ 20 năm nhưng đã trên 15 năm, giờ nghỉ về quê làm việc khác (lại là làm lĩnh vực phi chính thức, không tiếp tục đóng BHXH) rồi phải đợi hơn 20 năm sau mới được nhận tiền hưu. Suốt 20 năm đó không đóng BHXH tự nguyện thì liệu lúc đó lĩnh hưu được bao nhiêu tiền mỗi tháng?", ông Hồng trăn trở.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng giải pháp căn cơ nhất để hạn chế tình trạng này vẫn là phải tạo việc làm ổn định cho người lao động. Ông Cường cho rằng, để giải quyết câu chuyện rút BHXH thì cần phải phối hợp, giải quyết được nhiều góc độ và phải xử lý nhiều chính sách, nhưng cốt lõi vẫn là vấn đề phải tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Phan Hoạt
.
.
.