3 công nhân đào vàng gặp nạn dưới hang Kịt
- Nhân chứng thoát chết kể lại giây phút sập hầm vàng khiến 5 người thương vong
- Lai Châu: Sập hầm vàng, 1 người chết, 2 người bị thương
- Sập hầm vàng ở Nghệ An, 5 người thiệt mạng
- Không khởi tố vụ 8 người chết do ngạt khí lò vôi
* Tạm dừng tìm kiếm các nạn nhân
Đồng chí Lê Quang Hiền, Phó trưởng Công an huyện Bá Thước cho biết, ngoài lực lượng của huyện, xã (gồm Công an và các đơn vị chức năng khác) túc trực tại hiện trường từ trưa 6-6, đến sáng 7-6, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiếp cận được hiện trường tìm phương án để tìm kiếm các nạn nhân.
Qua công tác thăm dò, bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định vị trí các nạn nhân gặp nạn cách mặt đất khoảng 60-70m, bên trong hang diện tích khá hẹp, có khí độc nên công tác tìm kiếm, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến trưa cùng ngày, trời mưa, không đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm nên việc tìm kiếm phải tạm dừng lại, chờ phương án tiếp theo.
Một trong các bãi đào vàng ở bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Đồng chí Lê Quang Hiền cho biết thêm, do khu vực hang Kịt là vùng cao, xa khu dân cư, phải trèo núi vào nên đêm 6-6, tổ công tác ngủ trên chòi trong núi và các cửa hang.
Được biết, mặc dù chính quyền cấm khai thác vàng trong khu vực trên nhưng vẫn có một số người dân (chủ yếu là người Hoà Bình) lén lút đào các hầm để đào đãi vàng. Hàng năm, huyện Bá Thước đều tổ chức truy quét, đánh sập cửa các hang, ngăn không cho người dân vào khai thác vàng. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, tình trạng lại tái diễn.
Thời điểm hiện tại, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cùng lực lượng cứu hộ gồm gần 50 người đã tiếp cận được hiện trường và khẩn trương triển khai phương án tìm kiếm, cứu nạn.
Khu vực hang Kịt, thuộc bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nơi 3 phu vàng đang mắc kẹt. Ảnh: nld.com.vn |
* Khả năng sống sót của các nạn nhân rất thấp
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước thì do trong hang có khí độc nên khả năng sống sót của 3 nhân là rất thấp
Cảnh sát PCCC Thanh Hoá đã cử 1 tổ công tác 18 đồng chí do Trung tá Đỗ Văn Yên, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn làm trưởng đoàn đã mang theo mặt nạ dưỡng khí, trang thiết bị phòng độc…đi ngay trong đêm.
Ngoài tổ công tác của Công an huyện đang bám trụ tại địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hoá tăng cường 10 đồng chí phụ trách công tác khám nghiệm, điều tra, phối hợp cứu nạn.Khoảng hơn 8h sáng7-6, , các lực lượngđã đến được hiện trường, triển khai công tác.
4h sáng 7-6, tổ công tác của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Thanh Hoá đã lên đường vào khu vực hang Kịt, thuộc bản Kịt, xã Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hoá để giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt dưới hang.
* Thông tin ban đầu:
Ngày 5-6, anh Khà Văn Huyền, 34 tuổi, quê ở Mai Châu và anh Bùi Văn Mẫn, 42 tuổi, ở Kim Bôi, Hòa Bình xuống hang Nước thuộc khu vực hang Kịt để sửa máy đào vàng thì không may bị ngạt khí không lên trên được.
Các lực lượng chức năng đang nỗ lực giải cứu các nạn nhân. Ảnh minh họa. |
Nghe thấy tiếng kêu cứu, anh Phạm Văn Dụng, 54 tuổi, trú ở thôn xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, Thanh Hóa vội xuống hang cứu anh Mẫn và anh Huyền. Tuy nhiên, do nồng độ khí độc khá lớn nên anh Dụng bị ngất, không thể ra khỏi hang.
Do đây là khu vực núi cao, hiểm trở, rất ít người qua lại nên mãi đến trưa 6-6, người dân mới phát hiện 3 người dân đào vàng bị mắc kẹt dưới hang nên đã báo cho cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, ngay khi nhận nhận được tin báo, huyện đã cử các lực lượng chức năng đến hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, do hang Nước quá sâu (300-400m) trong hang có khí độc, lực lượng cứu hộ, cứu nạn lại không có dụng cụ mặt nạ phòng độc, nên không thể xuống hang tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Đồng chí Ngân Tiến Hiệp, Trưởng Công an huyện Bá Thước cho biết, trưa 6-6, một tổ công tác của Công an huyện cũng đã vào hiện trường cùng với lực lượng chức năng của huyện bảo vệ hiện trường, tham gia cứu hộ.
Đường vào khu vực hang Kịt, xã Lũng Cao vô cùng hiểm trở, không có sóng di động. Ảnh: GĐ&XH. |
Được biết, khu vực hang Kịt trước kia từng là bãi vàng, lúc cao điểm có hàng trăm người từ các địa phương khác kéo đến đây đào đãi vàng. Đây từng là “thủ phủ” của tướng cướp Nguyễn Mạnh Hiền (Hiền đầu bạc). Sau khi băng cướp của Hiền đầu bạc bị triệt phá, chính quyền đã không cho người dân vào đào đãi vàng trái phép, ổn định ANTT trong khuc vực. Tuy nhiên, một số người dân vẫn bất chấp nguy hiểm vào khu vực trên để đào đãi vàng trái phép.
Tối 6-6, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai công tác cứu nạn cứu hộ, huy động các lượng Công an, Biên phòng tham gia. Do đây là địa bàn cao, đi lại khó khăn, từ UBND huyện vào đến nơi khoảng 40km, trong đó có khoảng 7-8km phải đi bộ trèo núi nên chỉ riêng đoạn đường ngày đã mất khoảng 2h -3h đồng hồ.
Ngoài ra khu vực trên không có hệ thống điện lưới cũng như sóng điện thoại di động nên cũng sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Đến khoảng 8h sáng 7-6, lực lượng chức năng đã vào đến khu vực trên và bắt đầu tổ chức triển khai công tác cứu hộ. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình hình mới nhất về công tác cứu hộ các nạn nhân trên.