2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chủ động phòng, chống cơn bão số 9
Cùng với lực lượng Công an các địa phương, Công an 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 9 và sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra.
Trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về triển khai phòng, chống bão số 9 trong chiều nay (17/12), ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, từ 0h đêm nay, tất cả tàu thuyền ở địa phương đều phải tạm dừng ra biển cho đến khi kết thúc bão. Sau khi rà soát tình hình thực tế tại địa phương, Phú Yên đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bão theo từng cấp độ nguy hiểm.
Theo Đại tá Trần Trọng Hiền, Phó Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công an tỉnh Phú Yên, để chủ động phòng phòng, chống, giảm thiểu hậu quả thiên tai, kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp cứu nạn, cứu hộ (CNCH) khi có tình huống xảy ra, các đơn vị tại Công an tỉnh Phú Yên và Công an 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng và thực hiện phương án PCTT&TKCN phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi đơn vị, địa phương liên quan đến diễn biến thời tiết theo từng cấp độ với phương châm “4 tại chỗ”.
Công an tỉnh Phú Yên và Công an 9 huyện, thị xã, thành phố đã huy động 78 xe ôtô các loại, 15 xe ôtô chuyên dụng chở quân, 2 xe cứu thương, 3 xe chuyên dụng CNCH, 10 xe chữa cháy có thiết bị bơm thoát nước, 1 xe thang, 35 ca nô, 4 xuồng cao su, 61 máy phát điện, 129 bộ đàm, 27 phao bè, 1.161 phao cứu sinh, 2.228 áo phao 157 lều, nhà bạt cùng nhiều lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc tân dược để sơ, cấp cứu và điều trị tạm thời. Ngoài đội thanh niên xung kích (TNXK) gồm 97 CBCS thường trực tại Công an tỉnh Phú Yên, tại Công an 9 huyện, thị xã, thành phố cũng có 9 đội TNXK, mỗi đội chia thành 3-5 tổ cơ động sẵn sàng triển khai nhiệm vụ CNCH khi có mệnh lệnh.
Công an các xã, phường ven biển phối hợp các Đồn biên phòng hướng dẫn người dân giằng chống nhà ở, neo đậu tàu thuyền và giằng neo 101.914 lồng thả nuôi tôm cá tại 2.450 bè ở thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An để hạn chế hậu quả thiệt hại đến mức thấp nhất.
Từ chiều nay (17/12), 50% CBCS Công an tỉnh Phú Yên và Công an 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường trực tại đơn vị, khi bão gần bờ thì 100% CBCS đều phải có mặt xuyên suốt ngày đêm để PCTT tại đơn vị, địa phương và sẵn sàng cơ động CNCH ở những nơi cần đến. “Trước, trong và sau bão, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đều phải chú trọng đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm ANTT gắn với phòng, chống dịch COVID-19, không để tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để hoạt động phạm pháp...”, Đại tá Hiền cho biết.
Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, thông qua thiết bị liên lạc vô tuyến, đến chiều 17/12 đơn vị đã liên lạc, hướng dẫn 204 tàu cá gồm 1.004 ngư dân đang hành nghề khai thác trên biển rời khỏi tầm nguy hiểm của cơn bão số 9 đang tiến gần biển Đông. Trong số đó có 120 tàu cá gồm 629 ngư dân ở giữa biển Đông, Nam biển Đông và quần đảo Trường Sa đã khẩn trương vận hành đến nơi tránh, trú bão an toàn. 85 tàu cá còn lại gồm 375 ngư dân hoạt động ven bờ biển Bình Định đến Khánh Hòa và đi về trong ngày. Ngoài việc huy động 8 xe ôtô, 2 tàu và 3 ca nô, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên phân công 140 CBCS thường trực tại Sở Chỉ huy và các Đồn biên phòng trên toàn tuyến cùng Hải đội 2 để sẵn sàng triển khai phương án cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
Trong công điện gửi đến các cơ quan chức năng và UBND 9 huyện, thị xã trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả tàu thuyền của ngư dân, tàu du lịch và cá phương tiện vận hành trên biển từ 18h ngày 17/12 cho đến khi kết thúc bão số 9. Các địa phương ven biển, ven đầm, vịnh khẩn trương kêu gọi, sơ tán người dân rời khỏi lồng, bè thả nuôi tôm cá trước 8h sáng ngày 19/12.
Thông tin từ huyện đảo Trường Sa cho biết, đã có gần 58 tàu cá với gần 500 ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hành nghề khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa đã vào các âu tàu, làng chài ở Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le…để tránh trú bão. Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, ngoài việc chuẩn bị 16 ca nô, 12 xuồng cao su, 2.359 áo phao, 1.404 phao cứu sinh…hàng trắm CBSC các đơn vị tại Công an tỉnh Khánh Hòa và Công an 9 huyện, thị xã, thành phố được lệnh thường trực tại chỗ để sẵn sàng triển khai phương án CNCH khi bão ập đến.
Thượng tá Phan Văn Cường, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước, trong và sau bão, các tổ tuần tra của đơn vị được tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ 1A, 26, 27C để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống phát sinh do thiên tai gây ra như cây xanh, trụ điện đổ ngã, sạt lở mặt đường, cầu, cống…
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4, gần 30 sĩ quan, thuyền viên tàu SAR 27-01 cùng hai ca nô chuyên dụng và bộ phận trực ban cứu nạn được lệnh thường trực tại chỗ từ chiều 17/12 để xuất quân cứu nạn trên biển khi nhận được tình huống xảy ra.