Nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC"

Thứ Bảy, 10/09/2022, 07:48

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công an các địa phương khảo sát, tham mưu thành lập mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại khu dân cư. Đến nay, mô hình này đã được thành lập tại 24 khu dân cư thuộc 18/18 huyện, thị xã, thành phố và đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Thượng tá Trần Công Tiết, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" gồm từ 5 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Điều kiện đối với mô hình tổ liên gia là mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu,…), các phương tiện để ở nơi dễ thấy, dễ lấy.

nhan rong.jpg -0
Công an thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn) kiểm tra phương tiện chữa cháy của "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại tổ dân phố Lãnh Thượng 2.

Ngoài ra, mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1, lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút ấn trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, đảm bảo khi ấn bất kỳ nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu.

Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC, chuẩn bị sẵn các phương án thoát nạn (qua cửa chính, cửa phụ, qua ban công, qua nhà hàng xóm liền kề, lối đi trên mái, sử dụng thang dây…) phòng khi có sự cố cháy xảy ra và phổ biến đến tất cả các thành viên trong gia đình. Tổ liên gia được thành lập và có quy chế hoạt động do Chủ tịch UBND xã, phường quyết định ban hành. Kinh phí thực hiện mô hình do các hộ gia đình trong tổ đóng góp.

Cùng với cán bộ Công an thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, chúng tôi đến tổ dân phố Lãnh Thượng 2, thị trấn Đông Phú. "Tổ liên gia an toàn PCCC" nơi đây được ra mắt vào ngày 15/8/2022, có sự tham gia của 12 hộ gia đình sống trong dãy nhà liền kề trên đường Đỗ Quang, đối diện chợ Đông Phú, có nhà ở kết hợp kinh doanh các mặt hàng như túi xách, cà phê, văn phòng phẩm, tiệm vàng…

Ông Lý Cảnh Đường nói rằng, khi được Công an thị trấn và chính quyền địa phương vận động để tham gia mô hình, ông đã đồng ý ngay và hỗ trợ vận động các hộ dân khác trong tổ dân phố tham gia vì nhận thấy mô hình này có ý nghĩa rất thiết thực.

"Việc thành lập mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và Công an thị trấn đối với người dân trong công tác PCCC. Bên cạnh đó, việc tham gia mô hình còn giúp các hộ gia đình tăng thêm sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm và gắn bó mật thiết với nhau hơn. Các hộ dân tham gia mô hình mong muốn chính quyền địa phương và cơ quan Công an thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập về công tác PCCC để nâng cao kỹ năng, ý thức PCCC của người dân", ông Đường chia sẻ.

Ông Trần Phước A, Trưởng ban Bảo vệ dân phố thị trấn Đông Phú, cho biết thêm, kinh phí triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại tổ dân phố Lãnh Thượng 2 do các hộ tham gia đóng góp, mỗi hộ hơn 1 triệu đồng để trang bị bình chữa cháy xách tay, các dụng cụ phá dỡ, lắp đặt chuông báo cháy, nút ấn báo cháy ở các vị trí phù hợp… Hiện, nhiều xã khác ở huyện Quế Sơn đã tìm đến "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại Lãnh Thượng 2 để học tập kinh nghiệm nhằm về triển khai tại địa phương mình.

Thiếu tá Trần Ngọc Bình, cán bộ Công an thị trấn Đông Phú cho hay, "Tổ liên gia an toàn PCCC" đặt dưới sự chỉ đạo của Chi bộ khu dân cư, quản lý điều hành của Tổ trưởng tổ dân phố, sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Công an thị trấn. Đây cũng là lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, đảm bảo an toàn cho khu dân cư trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tổ liên gia còn nắm tình hình liên quan đến công tác PCCC và CNCH phản ánh với UBND, Công an thị trấn Đông Phú để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra tại địa bàn, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" để khi có cháy cần nhanh chóng chớp lấy "thời điểm vàng" chữa cháy (dưới 5 phút bắt đầu từ thời điểm cháy), kịp thời huy động thành viên tổ liên gia và nhân dân tham gia chữa cháy...

Trung tá Phạm Văn Nhất, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với công tác chữa cháy phải xác định phương châm "4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm "lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân". Vì vậy, việc triển khai, nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCCC ngay từ cơ sở, ngay từ khu dân cư.

Ngọc Thi
.
.
.