Tháng hành động phòng, chống ma túy:

Gỡ bài toán khó cai nghiện ma túy tự nguyện

Thứ Hai, 01/07/2024, 05:24

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đang là bài toán khó với nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương. Để giải quyết bài toán này, cần cơ chế khuyến khích cai nghiện tự nguyện để thuận lợi cho người có nguyện vọng cai nghiện và thuận lợi trong triển khai quy định cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Hiệu quả khi cai nghiện tự nguyện

 Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương, mỗi học viên một hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng đều nhận thức được quá khứ lầm lỗi từng bị cuốn vào vòng xoáy ma túy. Giờ đây họ đang có cùng quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời.

 Anh N.Q.D (nhà ở thành phố Hải Dương) kể: “Trước kia, tôi là công nhân khu công nghiệp. Vì đua đòi, chơi bời nên bị nghiện. Do không lo được kinh tế cho gia đình, sức khỏe ngày càng yếu nên tôi quyết định đăng ký cai nghiện, quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, lấy lại sức khỏe, kiếm một công việc để có thu nhập phụ giúp gia đình”.

162751-vna_potal_hai_duong_go_bai_toan_kho_cai_nghien_ma_tuy_tu_nguyen_stand-1.jpg -0
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương luyện tập thể thao vào các buổi chiều để nâng cao sức khỏe. Ảnh: Mạnh Tú

 Sau khi được tiếp nhận, học viên lần lượt được trải qua quy trình điều trị như cắt cơn, giải độc, phục hồi, dạy nghề, lao động trị liệu… Sau một thời gian được điều trị, ăn uống khoa học, đầy đủ, tập luyện thể thao, động viên của các thầy cô, sự chia sẻ của anh em, giờ đây anh D. đã dần lấy lại được sức khỏe. “Ở đây, cơ sở vật chất, bữa ăn, sinh hoạt, đời sống tinh thần đầy đủ lắm”, anh D kể. Thổ lộ mong muốn trong tương lai, anh D nói chỉ mong sau này khi hoàn thành cai nghiện, trở về sẽ được địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tìm việc làm.

Sức khỏe tốt dần lên, tâm lý ổn định, tinh thần lạc quan không chỉ là cảm nhận của riêng anh N.Q.D. mà còn là của nhiều học viên đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương. Có được điều này là nhờ sự chuyên tâm của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ quản lý tại cơ sở. Với phương châm lấy học viên làm trung tâm, cán bộ quản lý, y, bác sĩ song song với chữa trị nghiện còn sâu sát đời sống học viên, kết hợp trị liệu tâm lý, ổn định tư tưởng để rèn luyện và vững tin vào kết quả điều trị. Bên cạnh đó, một khuôn viên xanh mát, không khí trong lành và môi trường sạch sẽ ở đây cũng là những tác nhân giúp học viên có kết quả điều trị tốt.

Mặc dù hiệu quả công tác điều trị nghiện có nhiều chuyển biến nhưng tỷ lệ cai nghiện tự nguyện ở Hải Dương vẫn thấp. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương Vũ Đình Hưng thông tin, hiện cơ sở đang quản lý, cai nghiện cho 503 học viên nhưng chỉ có 47 người thuộc diện tự nguyện. Năm 2023, tỷ lệ cai nghiện tự nguyện đạt 37%. Từ ngày 5/12/2023 đến ngày 8/6/2024, con số mới đạt 15%.

Gỡ khó cho cai nghiện tại cộng đồng

 Thống kê mới nhất cho thấy, Hải Dương hiện có 591 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 319 người đang được quản lý sau cai. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương Vũ Trí Quang cho rằng, chi phí là một trong những trở ngại khiến việc cai nghiện tự nguyện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, do học viên phải đóng góp một khoản kinh phí khá lớn. Nếu thực hiện Quyết định cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng của Chủ tịch UBND cấp xã phải đến Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh để hoàn thiện 3 giai đoạn đầu của quy trình cai nghiện (dự kiến 6 tháng). Mỗi người phải chi trả số tiền hơn 39 triệu đồng và chỉ được hỗ trợ 2,7 triệu đồng. Trên thực tế, đa số người nghiện và gia đình người nghiện hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng chi trả  nên nhiều người nghiện không đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, gia đình.

 Để khuyến khích người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, gia đình, cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này giống như chính sách đối với người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Công an tỉnh Hải Dương đang phối hợp xây dựng dự thảo văn bản trình UBND tỉnh xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện. Liên ngành đề xuất hỗ trợ 100% chỗ ở, chi phí nhân công, vật tư, vật liệu, dụng cụ, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi thực hiện dịch vụ cai nghiện tại đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện. Với những trường hợp này, liên ngành cũng đề xuất hỗ trợ 100% chi phí cai nghiện ma túy tính cho một lần chấp hành và thuốc chữa bệnh thông thường hàng tháng. Còn mức hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt, tiền ăn, tiền quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân tính cho 1 lần chấp hành, tiền tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, học nghề ngắn hạn được đề xuất bằng mức hỗ trợ đối với người cai nghiện bắt buộc.

 Liên ngành cũng đề xuất một số nội dung đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Cụ thể, đề xuất hỗ trợ 100% chỗ ở; chi phí nhân công, chi phí vật tư, vật liệu, công cụ, dụng cụ, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; hỗ trợ tiền điện, nước, tiền tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, học nghề ngắn hạn…

Theo cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương, nếu đề xuất này được thông qua sẽ gỡ khó cho việc cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hiện nay.

 Cũng trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng rà soát, nhân rộng các mô hình hỗ trợ cai nghiện hiệu quả, tạo điều kiện để người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại địa phương. Cùng với đó, Sở tăng cường tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về công tác cai nghiện ma túy và tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, giúp đỡ người cai nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe, phòng, chống tái nghiện.

Mạnh Minh
.
.
.