Có một độc giả đặc biệt của An ninh Thế giới

Thứ Ba, 01/11/2022, 10:37

Hơn 2.000 số báo An ninh Thế giới, từ số đầu tiên phát hành năm 1996 đến nay, cùng rất nhiều tờ báo An ninh Thế giới Giữa tháng – Cuối tháng, Văn nghệ Công an, Cảnh sát toàn cầu – các ấn phẩm của Báo Công an nhân dân đều được người thương binh già Nguyễn Xuân Đan đọc và lưu giữ cẩn thận suốt bao nhiêu năm qua như một gia tài…

Nếu không đến tận nhà thăm người thương binh già Nguyễn Xuân Đan tại thôn Phú Khê, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, hẳn chúng tôi khó có thể tin được lại có một độc giả đặc biệt đến thế. Hơn 40 năm say mê đọc báo đã đành, nhưng yêu báo, bảo quản những tờ báo đầy đủ, kì công thì có lẽ hiếm có ai như ông lão Đan. Hơn 2.000 số báo An ninh Thế giới (ANTG), từ số đầu tiên phát hành năm 1996 đến nay, cùng rất nhiều tờ báo ANTG Giữa tháng – Cuối tháng, Văn nghệ Công an, Cảnh sát toàn cầu – các ấn phẩm của Báo Công an nhân dân đều được ông đọc và lưu giữ cẩn thận suốt bao nhiêu năm qua như một gia tài…

Có một độc giả đặc biệt  của An ninh Thế giới -0
Ông Nguyễn Xuân Đan đã lưu giữ hơn 2.000 số báo An ninh thế giới, từ số đầu tiên phát hành năm 1996 cho đến nay.

Sáng sớm chúng tôi đã có mặt tại thôn Phú Khê. Hỏi thăm nhà ông Đan, người làng đều bảo: “Ông Đan chuyên đọc báo chứ gì, nhà ở bên cạnh sân kho giữa làng…”. Đặt chân tới ngôi nhà thờ khang trang đã thấy ông Đan đang ngồi lúi húi bên tờ báo ANTG mới phát hành. “Bác đang đọc báo ạ”, chúng tôi cất tiếng hỏi thay cho lời chào. “Không, tôi chưa đọc, tôi phải khâu báo đã”, lão độc giả đáp lời, giọng rổn rảng, vang vọng cả khoảng sân rộng. Ồ lạ thật, trước khi tới tay độc giả, báo đã được dập ghim, sao lại phải khâu? Chả phải để chúng tôi đợi lâu, ông Đan tươi cười giải thích: “Thói quen của tôi mấy chục năm nay, trước khi đọc báo mới, là tôi phải tháo ghim, lấy kim chỉ khâu lại. Khâu chỉ vừa chắc chắn, vừa không bị han gỉ làm ảnh hưởng tới tờ báo, lưu giữ được lâu. Khâu xong, lấy miếng gỗ miết đi miết lại cho phẳng phiu, cứng nếp báo rồi mới yên tâm đọc. Bao lần kim đâm vào tay chảy máu, nhưng tôi vẫn cứ thích khâu. Quần áo sứt chỉ, tôi nhờ bà nhà tôi khâu, nhưng khâu báo là phải tự tay tôi làm”. Quả thật, chúng tôi thật sự bất ngờ trước tính kĩ càng của lão độc giả này.

Rồi ông vịn tay vào chiếc nạng, từng bước chậm chạp, khó nhọc đưa chúng tôi đi khám phá “gia tài” của ông ở góc gian nhà thờ. Một dãy thùng xốp to nhỏ xếp chồng lên nhau, bên trong đựng bọc lớn bọc bé, chẳng phải vàng bạc, không phải thóc lúa, mà của nả của ông lão toàn những báo là báo. Hơn 2.000 số báo ANTG, ông lưu trữ lần lượt theo thời gian, cứ 10 số báo ông lại bọc trong túi nilon, xếp gọn ghẽ, lớp lang vào thùng xốp. Tờ nào cũng thế, trang bìa đều có nét chữ của ông ghi số báo, ngày, tháng, quý, năm; mặc dù mỗi tờ đã có sẵn những thông tin đó. Bên ngoài thùng xốp ông đều ghi rõ loại báo lưu trữ, bởi không chỉ có thùng ANTG mà còn có thùng ANTG Giữa tháng – Cuối tháng, Văn nghệ Công an và thùng đựng tổng hợp các loại báo khác nữa. Nhờ cách sắp xếp khoa học mà hỏi đến bất kì số báo ra ngày nào, năm nào ông cũng tìm được rất nhanh.

“Bác lưu giữ tất cả các loại báo, thì biết để đâu cho hết?”- chúng tôi thắc mắc. Ông bảo: “Thỉnh thoảng tôi cũng loại bớt đi, nhưng riêng các ấn phẩm của báo Công an nhân dân (CAND) thì tôi giữ lại tất cả, vì tôi tiếc lắm, không nỡ bỏ đi tờ nào”. Trên mặt bàn nước, ông lão Đan dán đầy những mẩu báo mà ông yêu thích. Có thể là hình ảnh những nhân vật đặc biệt, phương thuốc quý hay một câu nói nổi tiếng đều được ông cắt ra lưu lại. Chỉ có điều, riêng các tờ báo ANTG, ông quyết không cắt một trang nào mà giữ lại hết.

Có một độc giả đặc biệt  của An ninh Thế giới -0
Trước khi đọc báo, ông Đan tỉ mẩn khâu báo để lưu giữ được lâu hơn.

“Tôi thích đọc báo, hiện tại mỗi ngày tôi đặt 4 đầu báo khác nhau để đọc. Đặc biệt là báo ANTG hàng tuần, tôi đọc và cất giữ từ số đầu tiên năm 1996 đến nay. Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn có cảm giác háo hức, say mê mỗi khi cầm tờ báo mới trên tay. Chuyện trong nước, ngoài nước thu lại chỉ trong một tờ báo nhỏ bé, cảm giác mới thú vị làm sao…”, ông Đan chia sẻ.

Câu chuyện đang sôi nổi, chợt có người hàng xóm sang mượn báo về đọc. Tay đưa báo, ông Đan không quên giới thiệu trước những bài báo hay trong số báo đó. “Ai mượn báo về đọc tôi đều sẵn sàng, nhưng chỉ cho mượn thôi nhé. Nhiều người đến xin tôi một vài tờ ANTG, tôi đùa bảo có xin bà nhà tôi thì tôi cho, chứ báo ANTG thì nhất định không. Đến nỗi bà nhà tôi chỉ vì câu ấy mà giận tôi đấy”, ông Đan tếu táo. Bà Vũ Thị Chiến – vợ ông nghe thấy thế chỉ cười, vì bà đã quá quen với sự “mê mẩn” của chồng bà với những tờ báo bao năm nay không gì có thể thay đổi được.

Dù tuổi đã cao, nhưng ông lão Đan vẫn rất minh mẫn, vẫn nhớ như in những dấu mốc của cuộc đời, trong đó có cả những sự kiện liên quan đến việc đọc báo. Sinh năm 1945, đến năm 20 tuổi ông xung phong đi bộ đội và có mặt trong Đoàn 559. Năm 1968, ông bị thương nặng ở chiến trường bên Lào, không thể tiếp tục chiến đấu nên phải lui về điều trị tại Quân y viện 103 (Hà Đông, Hà Nội). Thương binh Nguyễn Xuân Đan đã kiên cường vượt qua đợt điều trị kéo dài suốt 5 năm với 18 lần phẫu thuật bên chân phải. Ông bảo, quãng thời gian đó ông sinh ra hai thói quen: hút thuốc lá và đọc báo. Ở bệnh viện, báo gì ông cũng đọc để quên đi những cơn đau. Ngày 1/8/1975, ông phục viên trở về quê hương với đôi nạng gỗ, mang trên mình thương tật 61%, là thương binh 2/4.

“Tôi về quê, sức khỏe yếu, được địa phương sắp xếp cho việc quản lý chợ Thái Học. Rồi tôi lấy nhà tôi năm 1977, sinh được 4 người con. Có hai thói quen đến với tôi cùng một lúc là hút thuốc và đọc báo. Nhưng tôi đã quyết tâm bỏ thuốc, bởi tôi nghĩ hút thuốc có hại cho sức khỏe. Còn đọc báo thì rất tốt, có thêm tri thức, hiểu biết nên tôi ngày càng say mê, không thể dứt ra được. Thời đó báo chí khan hiếm, nhưng tôi vẫn thường kiếm tìm những tờ báo để đọc cho đỡ thèm, để vin vào đó mà vượt qua những cơn đau mỗi lần vết thương tái phát”, ông lão Đan tâm sự.

Có một độc giả đặc biệt  của An ninh Thế giới -0
Các cháu học sinh thường đến nhà ông Đan đọc báo An ninh thế giới.

Một lần vào năm 1978, ông Nguyễn Xuân Đan vì “thèm” báo quá mà khó nhọc ra tận bưu điện tỉnh Hải Dương để đặt báo về đọc dài hạn. “Cho đến năm 1996 thì tôi đọc được thông báo sắp tới sẽ phát hành báo ANTG. Tôi quyết tâm mua đọc từ số đầu tiên. Những bài viết vụ án dài kỳ và những nhân vật nổi tiếng khiến tôi mê mẩn. Thời ấy, báo ANTG vừa ra đã nổi lắm, phát hành rộng rãi trong cả nước, đi đâu cũng mua được. Tôi đều đặn đặt báo qua bưu điện, không hề đứt quãng. Nếu chẳng may bưu tá làm thất lạc báo nào, tôi sẽ đi tìm cho kỳ được số báo đó để đọc mới thôi”, ông Đan nhớ lại.

Suốt bao nhiêu năm qua, dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông vẫn dành dụm tiền mua báo. Dù nhà có chật chội thì ông Đan vẫn dành một không gian để lưu giữ báo ANTG. Ông vẫn thường bảo, cơm ăn có thể thiếu, nhưng báo không thể thiếu. Ông có thể đọc báo mọi lúc mọi nơi. Đã mấy chục năm nay, cả khi phụ giúp vợ con việc đồng áng thì ông vẫn mang tờ báo ANTG đi theo. Giải lao, lại bỏ tờ báo ra đọc một vài bài. Đó như là một món quà tinh thần mà ông Đan tự thưởng cho mình sau những giờ lao động mệt nhọc.

Trong những buổi sinh hoạt hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, ông mang báo đi đọc cho các hội viên nghe, đọc xong lại bàn luận sôi nổi. Nếu không có tờ báo, không cập nhật được tình hình thời sự trong nước và quốc tế thì ông cảm thấy bí bách, như người mù thông tin.

“Với tôi, những trang báo CAND luôn có chiều sâu và sức hấp dẫn riêng, nhất là những chuyên mục an ninh trật tự, có phân tích, lập luận sâu sắc, giúp tôi ngẫm ngợi nhiều điều. Trong đó những bài viết trên tờ ANTG là “thú” nhất. ANTG không chỉ cung cấp “chuyện lạ”, mà đi sâu, mở rộng thông tin ở nhiều góc cạnh, nâng hiểu biết của người đọc lên. 32 trang báo đều có sức hấp dẫn riêng, trong đó tôi mê nhất là chuyên mục “Câu chuyện pháp luật” và “Phóng sự”. Không chỉ đọc, lão độc giả còn bình báo, nhận xét rất thú vị. Vẫn thường đọc lại những số báo đầu tiên, ông Đan bảo tờ báo ANTG có hình thức ngày càng đẹp, trông rất thích mắt.

“Đã có lần vì nhà chật chội quá, bà nhà tôi bán của tôi đi một ít báo. Tôi giận bà ấy cả tháng trời. Từ đợt ấy, bà ấy không bao giờ “xâm phạm” vào “tài sản quý” của tôi nữa. Vợ con tôi giờ đã quen với việc tôi đọc báo, quý báo, nâng niu tờ báo”, giọng người thương binh già vẫn đầy tiếc nuối.

Tạm biệt ông lão Đan ra về, chúng tôi không quên tặng ông những số báo đặc biệt nhất trong năm của Báo CAND. Nhận báo, ông lão vui lắm, nhưng vẫn bảo: “Với tôi đây là món quà quý nhất. Nhưng tôi chưa đọc vội, tôi còn phải khâu báo đã”. Chúng tôi bật cười,  mong ông lão luôn khỏe, để yêu những tờ báo dài lâu…

Huyền Châm
.
.
.