Từ vụ tiêu huỷ 15 con chó:

Chó có thể truyền virus SARS-CoV-2 sang người hay không?

Chủ Nhật, 10/10/2021, 20:23

Chiều 10/10, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, virus SARS-CoV-2 có thể không sống trong cơ thể vật nuôi, hay đường hô hấp của vật nuôi, nhưng tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người khi tiếp xúc gần.

 

Trong hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, Bộ này có cảnh báo người mắc COVID-19 và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi, cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình. Bởi có bằng chứng cho việc COVID-19 có thể lây sang vật nuôi.

Bộ Y tế cho biết: Theo CDC Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ động vật là thấp. Tuy nhiên, con người có thể truyền virus trên sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần. Thế giới cũng đã ghi nhận các báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc COVID-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2.

Theo Bộ Y tế, các động vật từng được ghi nhận mắc COVID-19 bao gồm chó, mèo, chồn hương, một số loại thú trong khu bảo tồn như rái cá, linh trưởng. Ngoài ra, nhiều bang tại Mỹ cũng phát hiện hươu đuôi trắng nhiễm virus trên.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hiểu cách virus ảnh hưởng đến các loài động vật khác nhau. Những nghiên cứu này thường có quy mô nhỏ, không cho thấy liệu động vật có nguy cơ truyền bệnh ngược lại cho con người hay không. Nghiên cứu cho thấy nhiều loài động vật có vú, bao gồm chó, mèo, chuột đồng, dơi ăn quả... có thể nhiễm virus.

1.jpeg -0
Người đàn ông gây xôn xao cộng đồng mạng khi chở theo đàn chó từ Long An về Cà Mau. Ảnh: Cắt từ clip

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện khoa học chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chó, mèo là vật chủ trung gian truyền virus COVID-19 cho con người, song đã có những công bố xét nghiệm cho thấy SARS-CoV-2 trong chó, mèo và nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi là thấp.

Tuy nhiên, có thể lây nhiễm COVID-19 từ chó, mèo khi người mắc COVID-19 trong quá trình chăm sóc có thể ho, hắt hơi, lây dính giọt bắn mang mầm bệnh lên lông, da của chó, mèo. Người không mắc bệnh khi ôm ấp vật nuôi thì có thể lây dính virus lên tay, sau đó đưa lên mũi, miệng và có thể lây nhiễm COVID-19; hoặc lông chó, mèo có mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và người lành sờ, nắm vào có nguy cơ lây bệnh.

Vị chuyên gia cũng cho biết, virus SARS-CoV-2 có thể không sống trong cơ thể vật nuôi, hay đường hô hấp của vật nuối, nhưng tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người khi tiếp xúc gần.

Một lãnh đạo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07 thì khi chó, mèo mắc bệnh dại là buộc phải tiêu hủy.

tieu-huy-cho-2-8977-16338422053471509310710-16338589984711208268588.jpeg -0
Khi về đến khu cách ly tập trung, do vợ chồng người chủ bị COVID-19, cả đàn chó đã tiêu huỷ. Ảnh: Facebook

Ngoài ra, Luật Thú y cũng nếu nguyên tắc chung là khi động vật mắc bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan ra diện rộng, đặc biệt có khả năng lây lan sang người thì bắt buộc phải có biện pháp phòng chống cụ thể, trong đó không loại trừ việc tiêu hủy.

Còn trong trường hợp 15 con chó trên, theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì trong trường hợp như thế này, chó mèo phải được nuôi nhốt. Trong tài liệu dự thảo mới nhất của FAO cũng không khuyến cáo buộc phải tiêu hủy.

“Tuy nhiên, trong trường hợp 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, tôi cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn thông cảm, khách quan với chính quyền địa phương, nhất là khi họ đang phải chịu áp lực phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài. Người ta quan ngại khi chủ chó mèo không quản lý được, đàn chó đó tiếp xúc với người khác, bài thải ra virus khiến virus lây lan”, vị này cho biết.

Cũng theo ông này, Cục Thú y đang xây dựng dự thảo hướng dẫn ứng phó, giám sát SARS-CoV-2 trên động vật, hiện đang lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế, dự kiến 1 - 2 tuần tới sẽ ban hành. Dự thảo cũng theo hướng phòng bệnh là chính vì dù chưa có bằng chứng virus SARS - CoV - 2 từ động vật lây sang người tuy nhiên do đặc điểm con virus bài thải ra nếu con người tiếp xúc có thể nhiễm bệnh. Giống như con virus H7N9, nó không lây bệnh cho gia cầm nhưng nó bài thải ra thì sẽ lây sang người.

 

Nhóm PV
.
.
.