Vi phạm bản quyền phim trên không gian mạng: Đau đầu tìm giải pháp

Thứ Bảy, 23/12/2023, 18:25

Bản quyền phim điện ảnh, phim truyền hình trên không gian mạng là một vấn đề nhức nhối trong xu thế phát triển của mạng xã hội. Điều đó gây tổn thất nặng nề cho nhà sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của một nền điện ảnh trong quá trình hội nhập. Làm thế nào để xử lý những sai phạm về bản quyền trên không gian mạng luôn là một vấn đề nóng được bàn luận tại các hội thảo về điện ảnh.

Muôn nẻo vi phạm bản quyền

Bà Phạm Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng, thực trạng bảo hộ bản quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng rất nhức nhối với nhiều hình thức tinh vi. Đó là việc có nhiều phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất.

Theo luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam, các đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung hay những đoạn dài lên các hội, nhóm như trước kia mà cắt thành nhiều clip ngắn. Đáng chú ý, hầu hết tài khoản đăng tải phim quay lén đều là tài khoản mới lập. Có hàng trăm tài khoản như vậy cùng đăng tải những video ngắn liên quan tới phim lên mạng dù không được phép của nhà sản xuất. Người xem chỉ cần lướt qua các phân đoạn đó là gần như đã nắm rõ nội dung chính của bộ phim. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.

phim chiếu lậu là một trong những vi phạm phổ biến về bản quyền trên môi trường số.jpg -0
Phim chiếu lậu là một trong những vi phạm phổ biến về bản quyền trên môi trường số.

Hiện nay cơ quan chức năng chỉ xử lý được các tài khoản đưa những video có thời lượng trên 10 phút, còn với các video có thời lượng ngắn thì không thể giải quyết triệt để vì số lượng quá nhiều. Các tài khoản nước ngoài càng khó xử lý; thậm chí để tránh các công cụ quét bản quyền tự động, cứ sau mỗi 3 giây, hình ảnh trên các kênh này lại thay đổi so với hình ảnh gốc bằng việc zoom vào một chi tiết không cụ thể nào đó như một góc tai, một góc mắt diễn viên hay một góc bối cảnh...

Hiện nay, rất nhiều người làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook watch, TikTok... nhằm mục đích kiếm tiền. Review phim là việc sử dụng bộ phim gốc để thực hiện hoạt động tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình và giải thích rõ hơn nội dung của bộ phim. Người xem chỉ cần xem các clip ngắn này là nắm rõ nội dung chính của bộ phim, không còn hấp dẫn để người xem bỏ chi phí xem trọn vẹn bộ phim nữa. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.

Đã có nhiều bộ phim hot của Việt Nam bị vi phạm bản quyền trắng trợn khiến nhà sản xuất "khóc ròng". Theo chia sẻ của nhà sản xuất bộ phim "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" Minh Hà, chỉ sau ít ngày ra mắt tại các cụm rạp, phim đã bị livestream tràn lan trên TikTok, Facebook. Cùng thời điểm, trên mạng xã hội TikTok đã xuất hiện hàng nghìn clip liên quan đến bộ phim "Con nhót mót chồng", trong đó đa số là vi phạm bản quyền. Trước đó, bộ phim "Chị chị em em 2", "Em và Trịnh", "Cô Ba Sài Gòn", "Lật mặt", "Gái già lắm chiêu V", "Tấm Cám: chuyện chưa kể", "Hai Phượng", "Bố già"… cũng "gặp hạn" khi có hàng trăm clip liên quan đến tác phẩm được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Mới đây, những bộ phim ăn khách như "Người vợ cuối cùng", "Đất rừng Phương Nam" cũng chịu chung số phận khi các đoạn video, clip ngắn lan tràn trên mạng xã hội.

Xử lý vi phạm như "bắt cóc bỏ dĩa"

Vì sao những vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng, gây tổn thất lớn cho các nhà làm phim, làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh trong quá trình hội nhập của điện ảnh Việt Nam lại chưa tìm được giải pháp ngăn chặn. Theo Văn phòng luật sư Phanlaw, do đặc thù của không gian mạng, việc vi phạm của kênh này rất dễ dàng được sao chép và truyền đạt sang kênh khác. Cho nên, dù cảnh báo và yêu cầu gỡ bỏ trên kênh này, thì việc vi phạm vẫn có thể tiếp tục trên kênh khác. Chưa kể quá trình để yêu cầu các kênh gỡ bỏ vi phạm cũng mất thời gian, như "bắt cóc bỏ dĩa", không thực sự mang tính răn đe, không đảm bảo được lợi ích của chủ thể quyền.

Trong bối cảnh đó, vai trò và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo Điều 198b Luật sở hữu trí tuệ và Điều 112 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì phải chịu các trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ phải được xem xét xử lý với vai trò là đơn vị xâm phạm. 

vi phạm bản quyền phim trên không gian mạng rất nhức nhối.jpg -1
Vi phạm bản quyền phim trên không gian mạng hiện rất nhức nhối.

Tuy nhiên, do luật mới ban hành, nên vẫn còn cách nghĩ cho rằng các đơn vị này chỉ bị xem xét xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông, là chưa chính xác, khiến quyền lợi chủ thể quyền không được đảm bảo.

Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, việc bảo vệ tác phẩm điện ảnh của chủ thể quyền trên không gian mạng đa phần chỉ dừng lại ở việc thực hiện các biện pháp công nghệ, các biện pháp cảnh báo và xử lý hành chính để yêu cầu cơ quan nhà  nước hỗ trợ ngăn chặn các hành vi vi phạm diễn ra với quy lớn. 

Tuy nhiên, do đặc thù của tác phẩm điện ảnh, doanh thu và lợi nhuận thường đi kèm với tính thời điểm. Trường hợp phim vừa phát hành, nhưng trên các nền tảng mạng xã hội đã có những bản "lậu" trình chiếu tràn lan, doanh thu của nhà sản xuất, nhà phát hành không còn được đảm bảo. Thiệt hại đó không cách nào thu hồi được. Cho dù có thể áp dụng biện pháp cảnh báo - yêu cầu gỡ bỏ hay xử lý hành chính, thì đó cũng là ngăn chặn về hành vi, hoàn toàn không khắc phục được thiệt hại. 

Khó nhưng vẫn phải làm

Đó là khẳng định của Luật sư Quản Văn Minh. Ông khẳng định: "Căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta có đầy đủ các quy định, chế tài để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền tùy từng mức độ theo các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, thậm chí cả biện pháp hình sự". 

Ông cho rằng, điều quan trọng để đưa ra các cơ chế xử lý các dịch vụ vi phạm, người xử lý phải biết các dịch vụ xâm phạm và những dịch vụ gì, sau đó đưa ra các giải pháp. Ở đây, các đối tương cung cấp các dịch vụ xâm phạm thường qua các website tên miền quốc tế và các dịch vụ ẩn giấu thông tin hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn.

Vì thế, cần hoàn thiện hành lang pháp lý từ việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Ngoài ra, xử phạt hành chính phải tăng mức phạt để đủ sức răn đe, chặn nguồn thu quảng cáo từ các trang web lậu là biện pháp hữu hiệu. Biện pháp này đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Anh thực hiện khá hiệu quả. Ví dụ, tại nước Anh, lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập. Mô hình xử lý vi phạm bản quyền của Anh được đánh giá khá thành công do có sự phối hợp của chính phủ, các nhà sở hữu quyền và các đơn vị quảng cáo.

Vấn đề quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý  thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời công khai, có biện pháp xử lý mạnh như "bài trừ" đối với các trang web "lậu" hay các kênh thông tin, các đối tượng cung cấp dịch vụ xâm phạm bản quyền.

Cũng theo luật sư Minh, các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong việc giám sát các vấn đề vi phạm bản quyền, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, các chủ sở hữu cần tham gia tổ chức Hội cung cấp cho hội viên, chủ sở hữu một nền tảng để tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn và đa dạng, điều này cho phép họ giới thiệu, cho thuê, khai thác tác phẩm của mình cho lượng khách hàng ở quy mô toàn cầu.

Rõ ràng, không chỉ ở Việt Nam, vi phạm bản quyền cũng là vấn nạn chung trên toàn cầu, khiến tất cả những người chịu ảnh hưởng đều "đau đầu" tìm các phương án để giải quyết. Việc này rất khó nhưng không thể không làm, nhất là khi nó ảnh hưởng đến sự sống còn của nhà sản xuất, có tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Linh Nguyễn
.
.
.