Văn học Nhật Bản khuynh đảo giới xuất bản Anh

Thứ Ba, 17/12/2024, 10:17

Chỉ trong tuần qua, các tác giả Nhật Bản đã gây được tiếng vang lớn bên ngoài đất nước. Đó là sự trở lại của Haruki Murakami với cuốn tiểu thuyết “The City and Its Uncertain Walls” được dịch sang tiếng Anh, là tiểu thuyết “Butter” của Asaki Yuzuki được các chuỗi hiệu sách Waterstones lớn nhất nước Anh bình chọn là cuốn sách của năm.

Thêm vào thành tích đó, số liệu từ Nielsen Bookscan cũng cho thấy kể từ năm 2022, thì tiểu thuyết Nhật Bản đã chiếm 25% tổng số sách dịch tại thị trường này và không ngừng tăng trong các năm qua.

Văn học Nhật Bản khuynh đảo giới xuất bản Anh -0
Các nhà văn Haruki Muraka, Bana Yoshimoto, Murata Sayaka, Mieko Kawakami và Hiromi Kawakami đã tạo dấu ấn trên trường quốc tế.

Tuy vậy không chỉ năm nay mà thật ra làn sóng tiểu thuyết Nhật Bản đã được yêu thích ở thị trường này 3 thập kỉ trước. Vào những năm 1990, Haruki Murakami với “Biên niên ký chim vặn dây cót” và Banana Yoshimoto với “Kitchen” hay “Thằn lằn” đã là những cuốn sách đầu tiên “Anh tiến” và được mến mộ ngay tại nơi đây.

Điều đặc biệt là cả hai nhà văn đều có rất nhiều điểm chung. Họ được sinh ra cùng một giai đoạn, phong cách của họ cũng rất giống nhau và hơn hết là sự gần gũi trong việc phản ánh các đề tài mà độc giả phương Tây quan tâm. Cũng chính điều này đã đặt họ vào một thế lưỡng nan, khi tính Tây phương trong “vũ trụ sáng tạo” của họ vừa là điểm thu hút độc giả bên ngoài đất nước, nhưng cũng đồng thời làm giảm “chất Nhật” sâu bên trong họ, khiến cho câu hỏi liệu họ có viết tiểu thuyết Nhật Bản hay không vẫn là câu hỏi rất khó trả lời.

Haruki Murakami chẳng hạn, tuy sinh ra và lớn lên ở Nhật, thế nhưng đã trưởng thành cùng những nhà văn Tây phương, thường xuyên dịch sách nước ngoài của những tác giả như F.S.Fitzgerald, Raymond Chandler, Raymond Carver… và cũng học hỏi từ đây, nên khó gọi ông là nhà văn Nhật, có nhiều đóng góp cho văn học Nhật dù thành công trong nước cũng như quốc tế là không thể tranh cãi.

Hầu hết tác phẩm của ông đều tập trung nói về những đứt gãy và sự khủng hoảng trong cuộc sống của những người trẻ. Họ vẩn vơ trong mê cung nội tâm, từ đó gặp gỡ những người kì lạ và rồi đi sâu vào trong bản nguyên. Nếu loại trừ những cái tên Nhật hay đưa tên một thành phố khác vào những dòng văn, thì nội dung nhìn chung không thay đổi mấy, qua đó cho thấy được tính quốc tế của các tác phẩm. Ngoài ra cách viết siêu thực, huyễn tưởng của ông cũng gần với nhiều tác giả Âu - Mỹ chịu ảnh hưởng của Jung hơn truyền thống văn học của đất nước mình.

Cũng vì lẽ đó mà Kenzaburô Ôe - nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 1994 - đã chỉ trích Haruki Murakami và Banana Yoshimoto trong một bài luận vào năm 1990, khi cho rằng nhân vật của họ “không tham gia hoặc bất mãn về tình hình đất nước” và dễ hài lòng với những gì mà bản thân đang có. Điều này không quá khó hiểu nếu so với những cuốn sách của Ôe nói riêng và các nhà văn Nhật Bản thế hệ trước đó nói chung đều thấm đẫm câu chuyện đất nước. Chẳng hạn trong cuốn “Tiếng thét câm lặng”, Ôe đã viết về một lớp nhân vật gần như không thể chịu nổi cuộc sống đô thị và tìm về vùng thôn quê mà gia tộc mình đã từng sinh sống.

Có thể thấy tuy đều lấy chủ đề con người bị mất kết nối, nhưng thay vì đi sâu vào thế giới nội tâm như Murakami thì Ôe lại tìm thấy tiếng gọi quê hương. Tại đó trong sự kết nối hơn một thế kỷ, ông gợi nhắc ta về thời đại và những tranh chấp của các lãnh chúa, sau đó là hiện đại ùa vào và sự chi phối của nền kinh tế tiêu dùng. Điều này cũng tương tự với Kawaba Yasunari đại diện cho cái đẹp, Natsume Soseki đại diện cho những chấp mới - cũ, Đông - Tây; còn Akutagawa lại là cái đẹp của sự hủy diệt - một trong 4 mỹ cảm đặc trưng của xứ sở phù tang…

Nhưng có thể nói cũng vì tính “đại chúng” và “quốc tế” này mà Murakami và Banana đã có được những thành công lớn, và không thể phủ nhận là trong những năm qua, phong cách siêu thực của họ đã mở ra cánh cửa cho những tác giả khác, từ đó tạo ra những hiện tượng xuất bản được nhiều độc giả phương Tây quan tâm, yêu thích. Trong đó có thể kể đến 3 nữ nhà văn thành công về mặt thương mại là Sayaka Murata, Hiromi Kawakami và Mieko Kawakami. Họ đều là những tác giả vô cùng cá tính, hầu như không có đề tài nào không phản ánh và cũng mang đến màu sắc rất khác cho văn học Nhật Bản hiện đại. Khác xa với thời của 2 nhà văn nhắc đến ở trên, câu chuyện của họ tuy vẫn cho thấy một câu chuyện chung của những người trẻ ở khắp mọi nơi nhưng vẫn hàm chứa yếu tố cội nguồn nhất định.

Văn học Nhật Bản khuynh đảo giới xuất bản Anh -1
Dòng trinh thám, chữa lành được chú ý của Nhật Bản.

Chẳng hạn Sayaka Murata nổi tiếng nhất với cuốn tiểu thuyết đoạt giải Akutagawa là “Cô nàng cửa hàng tiện ích”. Câu chuyện kể về một người phụ nữ 36 tuổi tên Keiko, nhưng thay vì lựa chọn cuộc sống giống với mọi người là đi làm, kết hôn, sinh con và đảm nhận công việc nội trợ… thì cô lại gắn bó cả đời với cửa tiệm tiện lợi - một trong những nhận diện quen thuộc của Nhật Bản thời nay và thường gắn với làm việc theo giờ, dành cho những sinh viên trẻ muốn trang trải thu nhập. Tuy vậy thay vì cố gắng thấu hiểu lựa chọn của cô, thì những người xung quanh lại coi cô là ả hâm.

Đây có thể nói là một cốt truyện sáng tạo cho thấy tính chất đám đông và sự thủ cựu của con người trong xã hội hiện đại, khi họ không mở lòng mình và chỉ bám theo những lối đã thành thông lệ, không có gì mới. Tính từ năm 2018 khi cuốn sách này được chuyển ngữ, những tác phẩm của Murata đã bán được hơn nửa triệu bản, và là con số mà không ít tiểu thuyết dịch ở nước ngoài mong ước.

Trong khi đó những tác phẩm của Hiromi Kawakami và Mieko Kawakami lại chứa đựng nhiều vấn đề nổi cộm, từ bạo lực học đường, sự áp bức nữ giới cho đến việc đi tìm bản dạng trong quá khứ cũ… Đây có thể nói là những vấn đề có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhưng việc đặt để trong không gian Nhật Bản lại tạo ra được những điểm nhấn riêng. Ví dụ, trong cuốn “Chiếc cặp” (mà nổi tiếng hơn với tựa tiếng Anh “Strange Weather In Tokyo”), một cô gái trẻ đã có một mối tình đặc biệt với người thầy của mình, qua đó Kawakami dẫn dắt ta đến tinh thần tự do và một tình yêu không phân biệt dù là độ tuổi, xuất thân hay bất cứ điều gì. Những phân cảnh cùng nhau ngắm hoa anh đào, cùng đi picnic và trải nghiệm hoạt động cộng đồng… cũng họa nên một Nhật Bản riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có.

Và hơn bất cứ khi nào, những năm gần đây, yếu tố Nhật Bản ngày càng vượt trội và được yêu thích hơn cả, đặc biệt là dòng trinh thám, phá án, kinh dị. Minh chứng rõ nhất là trong tuần qua, cuốn “Butter” của Asaki Yuzuki đã được bình chọn là cuốn sách của năm của chuỗi hiệu sách Waterstones lớn nhất nước Anh. Vượt qua những tác giả viết bằng tiếng Anh vốn dĩ là quen thuộc hơn, tác phẩm xoay quanh câu chuyện về một sát nhân liên hoàn hãm hại nạn nhân bằng các món ăn này tiếp nối dấu ấn mà những Edogawa Ranpo hay Aoyama Gôshô để tạo ra được ở thị trường ngoài nước.

Trong khi đó chỉ mới năm ngoái, cuốn tiểu thuyết hành động - hài hước “Maria Beetle - Sát thủ đối đầu” của Isaka Kotaro cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh với sự góp mặt của nam tài tử Brad Pitt thêm một lần nữa mang lại danh tiếng cho đất nước này. Thông tin gần đây cũng được công bố là những tiểu thuyết “Ngôi nhà kỳ quái”, “Bức tranh kỳ quái” bán chạy nhất Nhật Bản trong năm 2024 cũng sắp sửa được chuyển ngữ, và được kỳ vọng tiếp tục trở thành những dấu mốc mới cho nền văn học của đất nước này.

Ngoài dòng sách này thì cũng như văn học Hàn Quốc, dòng sách chữa lành của Nhật Bản cũng nhận về nhiều đánh giá tích cực. Trong đó những tiểu thuyết nhẹ nhàng về các địa điểm như quán café (“Khi tách cà phê còn chưa nguội”, “Khi lời nói dối còn chưa phơi bày” của Toshikazu Kawaguchi), hiệu sách (“Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” của Yagisawa Satoshi) hay về loài mèo (“Chuyện con mèo lập kèo cứu sách” của Natsukawa Sosuke, “Nàng và con mèo của nàng” từ Makoto Shinkai…) hiện cũng rất được yêu thích bởi những người trẻ truyền miệng qua mạng xã hội.

Từ những điều trên có thể thấy rằng tiếng vang mà văn học Nhật Bản tạo ra được xây đắp từ rất nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là phù hợp với số đông độc giả phương Tây cũng như thay đổi theo từng quá trình, từ việc cách ly hoàn toàn với văn hóa nước nhà cho đến dần biến những yếu tố địa phương thành điểm nhấn ấn tượng. Với việc được bình chọn là cuốn sách của năm, tuy không có phần thưởng hiện kim nhưng “Butter” sẽ được quảng bá rộng rãi tại các hiệu sách ở Vương Quốc Anh, từ đó tăng thêm độ nhận diện không chỉ cho riêng tác phẩm này mà từ đó tạo thành đòn bẩy cho những tiểu thuyết Nhật Bản khác nữa. 

Đoàn Tuấn Anh
.
.
.